5 thói quen mà người gần tới U50 cần ghi nhớ: Thực hiện đều đặn giúp sống lâu hơn 8-9 năm

Phương Thúy |

Sống thọ, ít bệnh tật ốm đau là mong ước của hầu hết mọi người. Nhưng trên thực tế, chúng ta có thể làm gì để thực sự sống lâu hơn? Nghiên cứu trên tạp chí The Lancet đã đưa ra câu trả lời.

Vấn đề tuổi thọ của mỗi người sẽ có các câu trả lời khác nhau. Một số người cho rằng, tuổi thọ liên quan đến gen, do di truyền quyết định. Một số người quan niệm những thói quen xấu như hút thuốc và lạm dụng rượu bia chính là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tuổi thọ. Miễn là bạn không hút thuốc và uống rượu, bạn có thể sống thọ hơn.

Vậy câu trả lời thực sự là gì? Hãy xem xét kết quả một nghiên cứu được đăng tải trên The Lancet Public Health, một tạp chí phụ của The Lancet. Nghiên cứu này có chủ đề về lối sống lành mạnh và tuổi thọ của con người, do các nhà khoa học của Đại học Bắc Kinh thực hiện.

Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu sức khỏe của 451.233 người tham gia tại Ngân hàng sinh học Kadoorie Trung Quốc (CKB) để đánh giá mối quan hệ giữa các yếu tố lối sống và tỷ lệ tử vong; bằng cách phân tích Giám sát Sức khỏe và Dinh dưỡng Trung Quốc (CNHS) năm 2015 của 171.127 người trưởng thành và đánh giá tỷ lệ phổ biến trong lối sống quốc gia; và từ Nghiên cứu Gánh nặng Bệnh tật, Thương tật và Các Yếu tố Nguy cơ Toàn cầu năm 2015, tỷ lệ tử vong của các giới tính khác nhau và các nhóm tuổi khác nhau ở quốc gia.

Nghiên cứu đã phân tích tác động của 5 lối sống lành mạnh đến tuổi thọ của con người. Kết quả chỉ ra rằng, với 5 lối sống lành mạnh bao gồm không hút thuốc, không uống rượu bia quá mức, tích cực tập thể dục, ăn uống lành mạnh và thân hình cân đối, tuổi thọ có thể kéo dài thêm từ 8 - 9 tuổi. Cụ thể, tuổi thọ tăng 8,8 tuổi đối với nam và 8,1 tuổi đối với nữ.

5 thói quen mà người gần tới U50 cần ghi nhớ: Thực hiện đều đặn giúp sống lâu hơn 8-9 năm - Ảnh 1.

5 thói quen cần ghi nhớ để sống lâu hơn 8-9 năm

Thứ nhất, không được hút thuốc lá

Thuốc lá chứa nhiều chất độc hại như nicotin, benzopyrene, hắc ín… là thủ phạm chính gây ra bệnh ung thư. Tỷ lệ mắc bệnh ung thư phổi ở nước ta rất cao và hút thuốc lá là nguyên nhân phổ biến hàng đầu.

Ngoài việc trở thành yếu tố gây bệnh ung thư quan trọng, hút thuốc lá còn có thể gây ra các bệnh tim mạch và mạch máu não. Khi hút thuốc lá, hoặc sống chung với người hút thuốc, khói thuốc hít qua phổi ngấm vào máu, tích luỹ lâu ngày trở thành điều kiện và nguyên nhân gây nên các bệnh tim mạch, viêm nhiễm đường hô hấp gây tổn thương trong lòng mạch máu.

Vì vậy người hút thuốc lá dễ bị các bệnh như: rụng tóc, đục thủy tinh thể, da nhăn, giảm thính lực, sâu răng, ung thư da, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, loãng xương, bệnh tim mạch, vàng móng tay, ung thư cổ tử cung, tinh trùng biến dạng, bệnh vảy nến, viêm tắc mạch máu, ung thư phổi và các cơ quan khác như: mũi, miệng, lưỡi, tuyến nước bọt, họng, thanh quản, thực quản, thận, dương vật, tụy v.v.

Do đó, chúng ta nên kiên quyết bỏ thuốc lá càng sớm càng tốt.

Thứ hai, không nên uống nhiều rượu bia

Cuối năm là thời điểm người dân sử dụng rượu bia tăng đột biến. Theo thống kê, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tốc độ tiêu thụ rượu, bia tăng nhanh nhất thế giới. Năm 2018, ước tính mỗi người Việt trên 15 tuổi tiêu thụ 8,3 lít cồn nguyên chất, nhiều hơn người Trung Quốc và gấp 4 lần người Singapore.

Sử dụng nhiều rượu bia không chỉ gây ra các hành vi thiếu chuẩn mực trong xã hội, mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh tật. Nếu chúng ta uống liên tục và trong một thời gian dài, tế bào gan sẽ phải hoạt động không ngừng nghỉ để chuyển hóa, đào thải dẫn đến quá tải, gây hại đến tế bào gan.

Theo thống kê tại Việt Nam, hơn 90% nam giới trưởng thành có tiếp xúc hay uống bia, trong đó 20 - 25% có tình trạng gan nhiễm mỡ với tỷ lệ 10 - 15% có tình trạng xơ gan, 5 - 7% có thể dẫn tới ung thư gan.

Thứ ba, tích cực tập thể dục

Tập thể dục có thể giúp bạn tránh xa bệnh tật. Một là tập thể dục có thể kiểm soát chỉ số BMI ở mức tốt hơn, hai là có thể tăng cường khả năng miễn dịch. Theo các nhà khoa học Úc, mỗi người lớn nên tham gia các hoạt động thể chất ít nhất 30 phút/ngày vào hầu hết các ngày trong tuần và nên dành ra những khoảng thời gian đều đặn, chất lượng để vận động cơ thể và chơi thể thao mỗi ngày.

Thứ tư, ăn uống lành mạnh

5 thói quen mà người gần tới U50 cần ghi nhớ: Thực hiện đều đặn giúp sống lâu hơn 8-9 năm - Ảnh 3.

Nếu bữa ăn mỗi ngày của bạn chủ yếu là thực phẩm ngâm chua, hun khói và chiên rán… thì đây không phải chế độ ăn uống nên duy trì. Tiêu chuẩn của một chế độ lành mạnh là ăn nhiều rau tươi, trái cây, thịt đỏ 1-6 ngày/tuần, đậu ≥ 4 ngày/tuần, và cá ≥ 1 ngày/tuần. Chế độ ăn phải đầy đủ và cân bằng dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thứ năm, duy trì thân hình cân đối

Nhiều người đã có bụng bia từ khi bước vào tuổi 30, đó không phải là dấu hiệu của một thân hình khỏe mạnh. Để đo thể hình có chuẩn hay không, tốt nhất bạn nên kiểm tra chỉ số BMI của mình thường xuyên.

Theo phân loại của Hiệp hội đái đường các nước châu Á (IDI & WPRO), chỉ số BMI của người châu Á từ 18,50 - 22,9 kg/m2 là cân nặng bình thường. BMI dưới 18,5 là nhẹ cân, từ 23 – 24,9 là thừa cân và từ 25 trở lên là béo phì. Thiếu cân hay thừa cân đều không tốt.

*Theo Ap Network

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại