5 sự cố hy hữu nhất nhất trong lịch sử quân sự

Hồng Anh |

Lịch sử quân sự có rất nhiều câu chuyện kỳ lạ và những sự cố hy hữu mà đôi khi chúng ta cảm thấy khó tin.

Tiêm kích Mig-23 của Liên Xô. Ảnh: War History.

Tiêm kích Mig-23 của Liên Xô. Ảnh: War History.

1. Vụ rơi máy bay Mig-23 ở Bỉ

Đây là sự cố kỳ lạ nhất trong lịch sử hàng không. Chiếc máy bay chiến đấu MiG-23 của Liên Xô đã bay ở chế độ không người lái suốt chặng đường từ Ba Lan đến Bỉ. Khi hết nhiên liệu, nó lao thẳng vào một ngôi nhà khiến 1 người thiệt mạng.

Vụ việc bắt đầu vào ngày 4/7/1989, phi công lái chiếc MiG-23, Đại tá Skurigin nhận thấy động cơ bị hư hỏng trong quá trình cất cánh. Khi máy bay dần hạ độ cao, ông tin rằng động cơ đã hoàn toàn không hoạt động nên nhảy dù ra ngoài.

Nhưng điều bất ngờ là máy bay đã không bị rơi. Thay vào đó, nó tiếp tục bay về phía tây theo chế độ lái tự động. Khi phát hiện ra máy bay MiG, Mỹ đã điều chiến đấu cơ bám sát, trong khi Pháp cũng đặt máy bay chiến đấu của họ trong tình trạng báo động, phòng ngừa nguy cơ nó xâm phạm không phận.

Nhưng cuối cùng chiếc MiG lại rơi ở Bỉ. Chính phủ Bỉ đã chỉ trích Liên Xô vì phản ứng chậm với tình hình và không thông báo cho họ biết liệu máy bay này có mang theo vũ khí hạt nhân hay vũ khí sinh học hay không.

2. Tàu chiến khổng lồ gây lũ lụt

Trước khi bị các lực lượng Mỹ đánh chìm trong trận đại chiến tại Vịnh Leyte, thiết giáp hạm Musashi của Nhật Bản được ví như “quái vật” đáng sợ.

Là một trong hai thiết giáp hạm lớn nhất và uy lực nhất từng được chế tạo vào thời điểm đó (chiếc còn lại là Yamato), Musashi có lượng choán nước hơn 65.000 tấn khi được trang bị vũ khí đầy đủ, sở hữu pháo nòng 46cm có tầm gắn gần 37km. Ngoài ra chúng cũng được trang bị rất nhiều khẩu pháo nhỏ và có tới 150 khẩu đội phòng không.

Tuy nhiên kích thước và trọng lượng khổng lồ của Musashi đã khiến nó gây ra một cơn sóng lớn cao 1m trong quá trình hạ thủy vào tháng 11/1940, khiến nước tràn vào các khu dân cư xung quanh và làm lật nhiều tàu cá.

Do tính chất bí mật của vụ hạ thủy, quân đội Nhật đã ngăn không cho những người dân bị ngập lụt rời khỏi nhà của họ. May mắn thay cho họ, không có rủi ro nào nữa cản trở phần còn lại của quá trình chế tạo con tàu. Cuối cùng, con tàu đã được hoàn thiện vào tháng 8/1942.

3. Lính Anh say xỉn trong cuộc chiến với Tây Ban Nha

Trong một nỗ lực giành lại ưu thế và đáp trả điều mà Anh cho là sự đối xử thô lỗ của Tây Ban Nha đối với các nhà ngoại giao Anh, người Anh đã điều hơn 80 con tàu, chở theo 10.000 đến 15.000 binh sỹ để tấn công thành phố Cadiz của Tây Ban Nha vào năm 1625.

Khi đổ bộ xuống Cadiz, những người lính Anh đã chiếm các thùng rượu ở thành phố này để tăng thêm khẩu phần ăn uống. Sau đó, họ say đến mức dọa sẽ nổi loạn để chống lại các sĩ quan của mình.

Chỉ huy lực lượng này, ông Edward Cecil, đã ra lệnh cho tất cả các binh sỹ quay trở lại tàu nhưng bỏ lại 2.000 người đàn ông say xỉn – những người này sau đó bị Tây Ban Nha hành quyết. Trong số những người quay trở lại tàu, chỉ có một nửa có thể quay trở về nhà, một phần do thời tiết khắc nghiệt cộng với điều kiện sống tồi tàn, thiếu lương thực, thực phẩm.

4. Thủy thủ Brazil đánh chìm tàu của chính mình

Các sự cố bắn nhầm luôn có thể xảy ra trên chiến trường, ngay cả khi công nghệ nhận diện bạn-thù được phát triển.

Khi Thế chiến II sắp kết thúc, các thủy thủ đoàn của tàu tuần dương Bahia đóng quân ở phía Đông Bắc Brazil có nhiệm vụ bảo vệ các đoàn tàu của quân Đồng minh thực hành diễn tập phòng không bắn đạn thật. Mục tiêu giả định là một con diều được kéo đi phía sau tàu.

5 sự cố hy hữu nhất nhất trong lịch sử quân sự - Ảnh 2.

Ảnh: Hải quân Brazil

Trong quá trình tập trận, các xạ thủ đã vô tình bắn trúng một hàng thủy lôi ở đuôi tàu (hậu quả của việc không đặt hệ thống bảo vệ để ngăn súng bắn quá gần con tàu.

Kết quả là thủy lôi phát nổ và khiến con tàu bị chìm chỉ trong vài phút, buộc các thành viên trong thủy thủ đoàn phải sử dụng xuồng cứu sinh và lênh đênh một tuần trên biển. Trong số hơn 350 thủy thủ trên tàu chỉ có vài chục người sống sót.

5. BBC vô tình tiết lộ kế hoạch tấn công Argentina của Anh

Các nhà sử học nhớ đến trận Goose Green trong Chiến tranh Falklands bởi hai điều cơ bản: Thứ nhất, đây là trận đánh đẫm máu nhất trên đất liền giữa Anh và Argentina, thứ hai là việc BBC đã tiết lộ thông tin quá sớm, Mirror nhận định.

Ở thời điểm đó, trong khi binh sỹ Anh đã đang chuẩn bị thực hiện kế hoạch tấn công các lực lượng Argentina bất ngờ vào ban đêm thì BBC vô tình công bố kế hoạch của họ với thế giới.

Điều này đã khiến một số sỹ quan chỉ huy của Anh, trong đó có Trung tá H. Jones tức giận đến mức thề sẽ kiện BBC và Bộ Quốc phòng về tội phản quốc. Tuy nhiên sau đó họ vẫn tiến hành chiến dịch tấn công với hy vọng người Argentina sẽ tin những gì được công bố trên truyền thông chỉ là chiến thuật đánh lừa.

Đánh giá của Trung tá H. Jones đã được chứng minh là đúng đắn. Chỉ huy lực lượng Argentina, Trung tá Italo Piaggi, tin rằng người Anh sẽ không hồ đồ đến mức tiết lộ kế hoạch của họ qua đài phát thanh công cộng, vì vậy ông đã không làm gì để tăng cường khả năng phòng thủ.

Cuối cùng Anh đã thành công trong trận đánh này dù số lượng binh sỹ ít hơn nhiều so với đối thủ. Anh được cho là đã bắt giữ 1.400 tù binh Argentina trong trận chiến này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại