Các bệnh nhân này là người trong cùng gia đình, trú tại ấp Bến Nôm, xã Phú Cường, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Cả 5 bệnh nhân đều được chẩn đoán nhiễm chất độc của cóc.
Khi tiếp nhận vào chiều 18/10, hai bệnh nhi là H. (7 tuổi) và bệnh nhân T. (10 tuổi) có triệu chứng nôn ói, tiểu lỏng, đau bụng nên được chuyển về Khoa Nhi điều trị. 3 trường hợp còn lại được nhập viện Khoa Hồi sức tích cực chống độc để điều trị.
Sau khi được tiếp nhận điều trị, tình hình sức khoẻ các bệnh nhân đã ổn định và được cho xuất viện trong ngày hôm sau.
Theo các chuyên gia y tế, thịt cóc không độc, nhưng nếu làm thịt cóc không khéo thì độc tố từ nhựa cóc (chứa trong da cóc), trứng cóc, gan cóc có thể dính vào thịt cóc gây ngộ độc , thậm chí gây tử vong.
Triệu chứng ngộ độc thường xuất hiện 1-2 giờ sau khi ăn trứng, gan cóc gồm: đau bụng, ói, tiêu chảy; không thở được, mệt, chóng mặt; nhịp tim chậm, sốc, ngất, đa số các ca tử vong do ngộ độc thịt cóc là do nguyên nhân tim, muộn hơn là suy thận, gan.
Vì vậy, không nên tự ý làm thịt cóc để ăn, trong trường hợp bị ngộ độc, cần thực hiện các biện pháp sơ cứu và chuyển cấp cứu kịp thời.