5 ngòi nổ có thể gây ra Thế chiến III trong năm 2022

CTV Lê Ngọc |

Năm 2022, thế giới có vẻ nguy hiểm hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ cuối những năm 1980. Các cuộc khủng hoảng tiếp tục âm ỉ, tiềm ẩn nguy cơ bùng nổ của Thế chiến III, được trang 19fortyfive.com xếp theo thứ tự nguy hiểm giảm dần.

Ukraine

Điểm khơi mào dễ dàng nhất cho cuộc chiến tranh tổng lực trong năm 2022 nằm dọc theo biên giới giữa Nga và Ukraine. Trong 6 tháng qua, Nga đã dần xây dựng lực lượng dọc biên giới Nga-Ukraine.

Những lo ngại trước mắt của Nga liên quan đến việc Ukraine mua và sử dụng máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ dọc theo các khu vực biên giới của nước này, cùng với sự gia tăng sức mạnh quân sự nói chung của Ukraine. Vấn đề mang tính lâu dài của Moscow là không có khả năng đảo ngược định hướng thân phương Tây mà Kiev đã áp dụng từ năm 2014.

5 ngòi nổ có thể gây ra Thế chiến III trong năm 2022 - Ảnh 1.

Năm 2022, bóng ma chiến trang vẫn lỡn vỡn trên đầu nhân loại. Nguồn: 19fortyfive.com

Nga đã tuyên bố muốn giải quyết các vấn đề của Ukraine và mối quan hệ của Nga với NATO trên cơ sở lâu dài. Mỹ và NATO không phản ứng tích cực những động thái này, nhưng đã thất bại trong việc đảm bảo an ninh cho Ukraine.

Nếu Nga tiến hành một cuộc xâm lược Ukraine, mọi thứ có thể trở nên tồi tệ một cách nhanh chóng. Bất chấp sự cải thiện khả năng quân sự của Ukraine, hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng, Nga sẽ giành được chiến thắng nhanh chóng dọc theo biên giới, có khả năng tiếp cận vùng trung tâm Ukraine.

Hành động quân sự trực tiếp của Nga sẽ gây áp lực lớn, khiến Mỹ phải đáp trả theo một cách nào đó. Tuy nhiên, Mỹ có thể hỗ trợ Kiev theo một số cách mà không cần can thiệp trực tiếp.

Đó có thể là các lệnh trừng phạt kinh tế chống lại Nga, các cuộc tấn công mạng nhằm vào cơ sở hạ tầng của Nga, chuyển giao vũ khí cho Ukraine và chia sẻ thông tin tình báo thời gian thực với các lực lượng Ukraine. Việc sử dụng bất kỳ công cụ nào trong số này, đặc biệt nếu chúng mang lại một số thành công trên thực tế, có thể dẫn đến cuộc đối đầu giữa Moscow và Washington.

Đài Loan

Trong năm 2021, mối quan tâm từ lâu của Mỹ về mối đe dọa của Trung Quốc đối với Đài Loan trở nên sôi sục. Với khả năng quân sự tăng nhanh chóng trong thập kỷ qua, Trung Quốc trở thành một trở ngại lớn chống lại sự can thiệp của Mỹ.

Quân đội Trung Quốc vẫn chưa được kiểm chứng và một cuộc tấn công đổ bộ qua eo biển Đài Loan sẽ trở thành một trong những hoạt động quân sự phức tạp nhất trong lịch sử. Khả năng tính toán sai rất lớn.

Mỹ duy trì một sự mơ hồ đối với Đài Loan trong 40 năm qua khi nước này phát triển mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc lục địa. "Sự mơ hồ chiến lược" này được thiết kế để loại bỏ động cơ thúc đẩy Đài Loan tuyên bố độc lập đồng thời không cho Trung Quốc có cớ để động binh.

Một số nghị sĩ trong Quốc hội Mỹ hiện đã kêu gọi chấm dứt chính sách này và ủng hộ toàn diện hơn vị thế quốc tế của Đài Loan. Một cuộc chiến có thể bắt đầu theo nhiều cách khác nhau. Bắc Kinh có thể bí mật tung ra một cuộc tấn công mà các lực lượng Mỹ và Đài Loan không hề ngờ tới.

Ngoài ra, những căng thẳng trong các lĩnh vực khác của mối quan hệ Mỹ-Trung có thể thuyết phục Bắc Kinh về khả năng Mỹ thay đổi lập trường đối với Đài Loan, dẫn đến một cuộc tấn công phủ đầu.

Cuối cùng (và ít có khả năng xảy ra nhất) Đài Loan có thể cố gắng tuyên bố độc lập, điều mà hầu hết các nhà phân tích tin rằng sẽ phải buộc Trung Quốc can thiệp quân sự. Trong bất kỳ trường hợp nào, cuộc chiến giành quyền tiếp cận Đài Loan có thể nhanh chóng biến thành một cuộc chiến tranh tổng lực.

Iran

Giờ đây, bất kỳ đánh giá công tâm nào về chính sách của Mỹ đối với Iran đều coi quyết định của Tổng thống Trump từ bỏ Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA), hay còn được gọi là Thỏa thuận Hạt nhân Iran, là một sai lầm tai hại. Nỗ lực của Mỹ nhằm gia tăng các hành động trừng phạt kinh tế và quân sự đối với Iran đã thất bại.

Iran đã tăng cường các nỗ lực hạt nhân đồng thời cải thiện mức độ tinh vi của các lực lượng tên lửa và gia tăng các hoạt động bí mật của họ trên khắp khu vực. Các cuộc đàm phán khôi phục hiện trạng đã thất bại, do Mỹ không thể cam kết và Tehran đã có một thái độ cứng rắn.

Nếu các cuộc đàm phán không đưa Iran vào một thỏa thuận nào đó, thì điều này sẽ tiềm ẩn mối đe dọa ngày càng lớn về hành động quân sự. Trong khi chính quyền Biden có vẻ không hào hứng với viễn cảnh chiến tranh, các đồng minh của Mỹ ở Riyadh và Jerusalem có thể cố gắng kích hoạt một cuộc đối đầu.

Tương tự, nếu Iran tin rằng một cuộc tấn công là không thể tránh khỏi, họ có thể tấn công trước bằng tất cả các vũ khí sẵn có. Iran thiếu sự hậu thuẫn của cường quốc, nhưng một cuộc xung đột ở Trung Đông có thể kích thích Nga và Trung Quốc.

Triều Tiên

Mặt trận Triều Tiên đã trở nên yên ắng trong vài năm qua, vì Bình Nhưỡng đã phải vật lộn quá nhiều với đại dịch Covid-19 nguy hiểm. Tương tự, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ cũng tập trung vào các vấn đề lớn quốc tế và trong nước thay vì cố gắng giải quyết vấn đề Triều Tiên khó nhằn.

Gần đây, phần lớn tin tức có vẻ tích cực, với việc Mỹ và Hàn Quốc đã hiểu nhau về triển vọng chính thức kết thúc Chiến tranh Triều Tiên.

Tuy nhiên, vấn đề của Triều Tiên vẫn chưa được giải quyết, vẫn phải đối mặt với những vấn đề kinh tế, xã hội và chính trị to lớn. Trong lịch sử, Bình Nhưỡng đã có những động thái để thu hút sự chú ý và buộc quốc tế phải giải quyết các mối quan ngại của họ.

Không thử vũ khí hạt nhân trong vài năm, việc Triều Tiên tiếp tục thử nghiệm, kết hợp với thử nghiệm bổ sung kho vũ khí tên lửa của nước này, có thể xóa bỏ sự yên tĩnh đã ngự trị trong mấy năm qua.

Himalayas

Căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã dịu đi trong năm qua, nhưng không nên quên rằng, biên giới giữa hai nước đã chứng kiến những cuộc đối đầu chết người trong hai năm qua. Ấn Độ và Trung Quốc đã nỗ lực để giảm căng thẳng dọc biên giới, nhưng những bất đồng cơ bản về lãnh thổ và bố trí quân vẫn còn.

Cả hai nước đã tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng trong khu vực có thể nhằm huy động binh lực nhanh chóng. Mặc dù Trung Quốc có ưu thế quân sự đáng kể, nhưng có một số khía cạnh Ấn Độ có lợi thế.

Mối quan hệ công nghệ đang phát triển giữa Delhi và Washington là một lý do gây lo ngại cho Bắc Kinh, đặc biệt là việc Mỹ tham gia vào các thỏa thuận công nghệ dài hạn như AUKUS.

Nếu Trung Quốc hiểu căng thẳng mới dọc biên giới Trung-Ấn là một phần của chiến lược bao vây chung chứ không phải là vấn đề song phương với Ấn Độ, thì nước này có thể sẵn sàng chấp nhận rủi ro nghiêm trọng hơn để giải quyết tình hình.

Thế chiến III xảy ra trong năm 2022?

Đại dịch Covid-19 đã đòi hỏi nhiều nguồn lực của thế giới trong 2 năm qua. Tuy không ngăn cản địa chính trị đi theo hướng của nó, nhưng nó chắc chắn đã chi phối các ưu tiên của các nhà lãnh đạo toàn cầu. Covid-19 vẫn chưa kết thúc, nhưng các cường quốc đang điều chỉnh lại và xác định lại lợi ích của họ.

Không ai mong muốn chiến tranh xảy ra, nhưng luôn ý thức rằng mọi thứ có thể vượt quá tầm kiểm soát. Quan trọng nhất, phải nhận thức được, các xung đột ở trên là liên quan và phụ thuộc lẫn nhau. Nếu chiến tranh với Iran nổ ra, nó sẽ ảnh hưởng đến quyết sách của toàn thế giới./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại