Trẻ nhỏ khóc lóc, mè nheo đòi hỏi cha mẹ là chuyện bình thường có thể gặp ở bất cứ đứa trẻ nào. Trẻ có thể đưa ra yêu cầu như bắt bố mẹ mua cho món đồ chơi yêu thích, đòi ăn kem bằng được mặc dù trời đang khá lạnh, hay bắt mẹ phải bế dù mẹ đang xách rất nhiều đồ trong siêu thị.
Nếu không được đáp ứng trẻ sẽ lăn ra khóc lóc ăn vạ, hờn dỗi hoặc la hét cho tới khi được thỏa mãn thì thôi. Có rất nhiều ông bố bà mẹ tỏ ra băn khoăn liệu những hành vi này của con mình chỉ là nhất thời tại một giai đoạn nào đó hay bản chất con là một đứa trẻ hư.
Thực ra mè nheo, đòi hỏi là điều thường thấy ở nhiều đứa trẻ. Các ông bố bà mẹ thường cho rằng con mình hư hay khó dạy cho nên mới có biểu hiện như vậy. Thói mè nheo có ngay từ khi trẻ còn nhỏ, sự "khỏi" hay "không khỏi" của nó phụ thuộc rất nhiều vào cư xử của chúng ta.
Việc chúng ta đáp ứng nhu cầu của trẻ khi trẻ mè nheo sẽ khiến trẻ hiểu rằng nếu mình cứ mè nheo thì thể nào cũng đạt được điều mình muốn do đó hành vi mè nheo của trẻ được duy trì. Có những bậc phụ huynh vẫn đánh hoặc mắng con khi con mè nheo nhưng sau đó lại vẫn đáp ứng đòi hỏi của con.
Điều này khiến trẻ không biết người lớn thực sự mong đợi điều gì ở nó và không biết phản ứng cuối cùng của người lớn như thế nào nên vẫn mè nheo như là cơ hội để đạt được điều mà mình mong muốn.
Hành vi đòi hỏi xảy ra nhiều hơn khi cha mẹ thờ ơ, bảo vệ con quá mức, nuông chiều hay khen ngợi quá mức, sẵn sàng vượt qua mọi ranh giới để làm con thỏa mãn.
Theo bà Amy McCready, mẹ của hai cậu con trai và tác giả cuốn sách phương pháp nuôi dạy con thành đứa trẻ sống biết ơn, không lạm quyền (Me, Me, Me Epidemic: A Step-by-Step Guide to Raising Capable, Grateful Kids in an Over-Entitled World) tạm dịch: "Hướng dẫn từng bước để nuôi dạy những đứa trẻ có khả năng và biết ơn trong thế giới khó khăn".
Việc trẻ đòi hỏi, lạm quyền sẽ thành thói quen xấu và ảnh hưởng tới việc hình thành nhân cách sau này của trẻ.
Nói một cách đơn giản, mọi người sẽ không ưa một đứa trẻ thích lạm quyền bởi trẻ không biết coi trọng công việc, luôn đề cao vật chất, không biết cố gắng mà luôn tìm cách để đạt được mục đích, trẻ sẽ gặp khó khăn trong việc giữ một công việc ổn định, nuôi dưỡng các mối quan hệ lâu dài và hoàn thành nhiệm vụ.
Bà Amy McCready, mẹ của hai cậu con trai và là tác giả cuốn sách phương pháp nuôi dạy con thành đứa trẻ sống biết ơn được nhiều phụ huynh tìm đọc
Cha mẹ hãy nhìn lại chính cách dạy con của mình và tránh mắc phải 5 sai lầm sau đây nếu không muốn con trở thành một đứa trẻ lạm quyền, hay đòi hỏi cả hiện tại và tương lai sau này:
Lỗi số 1: Không bao giờ nói "Không" với con
Nhiều bố mẹ quá dễ dãi nên sẵn sàng cho con thứ con muốn, thậm chí khi ở nơi công cộng thì sợ mọi người cười chê nên đáp ứng mọi điều kiện của con. Trẻ sẽ dần quen và không biết cách kiểm soát cảm xúc, nhu cầu của mình. Khi lớn lên, trẻ luôn nghĩ rằng việc cha mẹ đồng ý nghĩa là yêu con, còn nếu cha mẹ nói không tức là không yêu con.
Bà Cornelia Dahinten, chuyên gia tư vấn gia đình và làm cha mẹ (Singapore) cho hay: "Việc cha mẹ cần làm là phải mạnh mẽ, không được để sự sợ hãi chi phối, cần đặt ra nguyên tắc với con trẻ. Từ chối con khi thấy cần thiết và biết sử dụng quyền lực làm cha mẹ để trấn an con. Con sẽ dần hiểu ra rằng đôi khi sự từ chối, nói 'Không' cũng có nghĩa là làm cho trẻ tốt hơn mà thôi".
Nói không cũng là một cách để dạy con biết tiết chế cảm xúc và nhu cầu quá đà (Ảnh minh họa)
Lỗi số 2: Luôn ám ảnh suy nghĩ phải làm con vui
Làm cha mẹ, ai chẳng mong con cái được vui vẻ, hạnh phúc. Chính vì vậy nhiều bậc phụ huynh bị ám ảnh khi con khóc lóc, hờn giận và sợ hãi với suy nghĩ con đang khổ sở, mất hết niềm vui. Việc cha mẹ làm mọi cách để thỏa mãn con cũng vô tình khiến cho trẻ nghĩ rằng trẻ có thể làm người khác tổn thương chỉ để đạt được mục đích, sự vui vẻ của bản thân mình.
Muốn con hạnh phúc, hãy dạy con biết chịu đựng khó khăn, thử thách. Cho con cảm nhận sự thất bại, bị từ chối, sự tức giận, thất vọng bởi những cảm xúc này con sẽ gặp trong suốt cuộc đời về sau, ngay cả khi cha mẹ không ở bên. Sau đó hãy giúp con vượt qua những cảm xúc này, tìm ra những biện pháp hữu hiệu để tự xoa dịu và tìm niềm vui cho bản thân.
Nhiều bậc phụ huynh bị ám ảnh khi con khóc lóc, hờn giận và sợ hãi với suy nghĩ con đang khổ sở, mất hết niềm vui (Ảnh minh họa)
Lỗi số 3: Không khuyến khích con về lòng biết ơn
Khi trẻ nhận được bất cứ thứ gì từ quả bóng bay của một người lạ đến món đồ chơi mẹ mua tặng dịp sinh nhật, cha mẹ hãy yêu cầu con nói lời cảm ơn.
Những điều nhỏ nhặt hay lớn lao trong cuộc sống, con đều cần biết ơn và trân trọng tất cả. Bà Dahinten nhấn mạnh: "Trẻ nghĩ mọi thứ chúng có là bình thường, vì đó là đặc quyền của chúng".
Cha mẹ có thể cho con tham gia một số hoạt động như đến thăm bệnh nhi, giúp đỡ từ thiện hoặc đi du lịch vì những trải nghiệm này sẽ mở ra cho trẻ các loại tình huống khác nhau, khơi dậy sự đồng cảm và lòng trắc ẩn đối với người khác.
Lỗi số 4: Khen ngợi bất cứ việc gì con làm
Có những bậc cha mẹ luôn dành tặng những lời khen có cánh cho con mình với bất kể việc gì mà con làm, dù là rất nhỏ.
Cha mẹ nên nhớ khen ngợi nỗ lực của con trong một công việc được thực hiện tốt để tăng sự tự tin và lòng tự trọng của trẻ là việc nên làm, nhưng đừng quá mức và phung phí lời khen bởi con sẽ nghĩ rằng mọi việc con làm đều xứng đáng được chú ý và tung hô, vinh danh, gây ảnh hưởng tới lòng kiên trì, sự tự tin của trẻ mỗi khi sự việc không theo ý muốn.
Cha mẹ luôn dành tặng những lời khen có cánh cho con mình với bất kể việc gì mà con làm, dù là rất nhỏ là một sai lầm khiến con ảo tưởng về bản thân (Ảnh minh họa)
Lỗi số 5: Thể hiện tình yêu bằng vật chất
Con cái không cần phải được cho quá nhiều vật chất thì mới biết yêu cha mẹ. Thế nhưng nhiều bậc cha mẹ lại làm điều này bởi vì họ không dành nhiều thời gian cho con cái và nghĩ rằng các món quà vật chất có thể bù đắp cho con hoặc khiến cha mẹ cảm thấy ít tội lỗi hơn.
Con sẽ không thể hiểu được giá trị của mọi thứ bởi vì trẻ có được chúng quá dễ dàng, khi lớn lên trẻ cũng trở nên ham của cải, vật chất và đánh đồng mọi thứ bằng vật chất. Nếu một ngày cha mẹ nói không với việc mua cho con món đồ nào đó, con sẽ phản ứng và cho rằng cha mẹ không thương con, không muốn con được bằng bạn bằng bè.
Cha mẹ hãy sáng suốt và lựa chọn cho mình những cách xử trí phù hợp để không biến con thành đứa trẻ chỉ biết đòi hỏi và hưởng thụ. Hãy dạy con những bài học về giá trị cuộc sống và biết ơn những thứ mà con đang có bằng tình yêu bao la và có nguyên tắc nhất định.