1. Ung thư tụy
Tại Mỹ, căn bệnh ung thư hiếm gặp này chỉ chiếm khoảng 2% tổng số ca mới mắc ung thư nhưng lại "vượt mặt" ung thư vú, trở thành loại ung thư có tỷ lệ tử vong đứng thứ ba. Vì thế, việc sàng lọc phát hiện sớm ung thư tụy là vô cùng cần thiết.
Nguyên nhân khiến ung thư tụy khó phát hiện là vì tụy nằm ở rất sâu. Hơn nữa, bệnh ở giai đoạn mới phát thường không gây đau đớn và không có bất cứ triệu chứng điển hình nào.
"Chỉ có trường hợp nếu ung thư tụy xảy ra ở gần ống mật mới có thể dẫn đến tắc nghẽn ống mật và gây vàng da trong giai đoạn sớm", Mark Faries, bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật và giám đốc chương trình nghiên cứu và điều trị khối u ác tại Viện Ung thư John Wayne ở California giải thích.
Về phương pháp điều trị, với một số ít trường hợp may mắn, chỉ cần một cuộc đại phẫu. Nhưng với những bệnh nhân ung thư được phát hiện muộn, họ được lên phác đồ chủ yếu dựa vào hóa trị và giảm đau tạm thời.
2. Ung thư thận
Ung thư thận rất khó để phát hiện bởi bệnh nhân thường không đi khám cho đến khi bệnh biểu hiện thành triệu chứng như đau phần thắt lưng, mệt mỏi mãn tính, sụt cân không rõ nguyên nhân và có máu trong nước tiểu.
"Vì thận cũng nằm rất sâu trong cơ thể nên một khối u nhỏ ở vị trí này đôi khi không thể nhìn thấy hoặc cảm nhận thông qua quy trình khám sức khỏe thông thường", bác sĩ Chris Fikry, Phó khoa ung thư của Quest Diagnostics, một công ty hàng đầu trong lĩnh vực chẩn đoán và xét nghiệm giải thích.
Ngoài ra, hiện nay, chưa có một loại xét nghiệm sàng lọc nào được khuyến nghị để phát hiện ung thư thận ở những người không có nguy cơ.
Những người mắc phải một số bệnh di truyền như hội chứng Von Hippel-Lindau (VHL), ung thư biểu mô nhú tế bào thận di truyền (HPRCC) và hội chứng Birt-Hogg-Dubé (BHD) đối mặt với nguy cơ bị ung thư thận cao hơn.
Các bác sỹ có thể sẽ khuyên những người có nguy cơ cao thường xuyên tiến hành các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh như chụp CT hoặc chụp cộng hưởng từ MRI để kiểm tra xem có khối u ở thận hay không.
3. Ung thư phổi tế bào không nhỏ
Khoảng 3/4 số ca ung thư phổi được chẩn đoán sau khi bệnh đã lan rộng sang các cơ quan khác. Thông thường, người bệnh không có biểu hiện gì cho đến khi khối u phát triển lớn và gây ra các triệu chứng như ho, viêm phổi, khó thở.
Khi đó, bệnh đã lan đến máu và hệ bạch huyết. Ung thư phổi tế bào không nhỏ là loại ung thư phổi phổ biến nhất nhưng cũng khó phát hiện bởi giai đoạn ung thư sớm thường không có triệu chứng và không thể phát hiện được thông qua việc chụp X quang.
"Chụp PET và chụp CT có thể sẽ giúp ích trong việc chẩn đoán ung thư phổi. Bác sỹ cũng có thể sẽ lấy tế bào ung thư từ dịch tiết phổi, dịch quanh phổi hoặc thông qua quá trình sinh thiết để chẩn đoán xác định, nhưng cũng thường chỉ diễn ra ở giai đoạn muộn", bác sĩ Fikry cho biết.
Ung thư phổi tế bào không nhỏ có tỷ lệ sống sót rất thấp nếu được phát hiện trong giai đoạn muộn. Do đó, những người đã hút thuốc lá trong nhiều năm có thể nên đi chụp CT để phát hiện sớm ung thư phổi.
4. Ung thư buồng trứng
Mặc dù chỉ chiếm khoảng 3% số ca ung thư ở phụ nữ, nhưng đây là loại ung thư có tỷ lệ tử vong đứng hàng thứ 5 và là loại ung thư gây tử vong nhiều hơn bất cứ loại ung thư nào khác ở hệ sinh sản của phụ nữ.
Cũng như các loại ung thư khác, chẩn đoán được ung thư buồng trứng trong giai đoạn đầu sẽ có tiên lượng tốt hơn, nhưng chỉ có khoảng 20% số ca ung thư buồng trứng được phát hiện ở giai đoạn sớm.
"Nguyên nhân chính là vì buồng trứng có kích thước nhỏ và thường có khả năng căng phồng trong khoang ổ bụng và thường sẽ không có triệu chứng gì trong giai đoạn sớm của bệnh.
Bệnh này thường được chẩn đoán trong giai đoạn 3 hoặc 4 của bệnh", bác sĩ Joe O'Connell, phó khoa ung thư và huyết học tại Trung tâm Y tế Ventiv nói.
5. Ung thư gan
Bởi vì thường không biểu hiện triệu chứng gì cho tới giai đoạn muộn của bệnh, do vậy ung thư gan cũng được xếp vào các loại ung thư khó phát hiện.
"Nếu khối u nhỏ thì cực kỳ khó phát hiện thông qua quy trình khám bệnh thông thường vì phần lớn gan bị che phủ bởi xương sườn.
Khi gan bắt đầu to ra, khối u thường là đã phát triển ra ngoài gan, nhưng lại vẫn có thể khiến gan đủ nguyên vẹn và khỏe mạnh", bác sĩ Fikry giải thích.
Mặc dù vẫn chưa có khuyến nghị nào về xét nghiệm sàng lọc ung thư gan ở những người không có nguy cơ, nhưng bác sỹ có thể sẽ khuyên bạn nên tiến hành xét nghiệm nếu bạn có tiền sử bị bệnh hoặc đã từng nhiễm HPV.
Rất nhiều người nghiện rượu bị ung thư gan sau một thời gian dài bị xơ gan hoặc bị các bệnh khác về gan.
* Theo RD