1. Trà thảo mộc giúp cải thiện triệu chứng ở người mắc COVID-19
COVID-19 gây ra nhiều triệu chứng khác nhau ở mỗi người. Nhưng các triệu chứng phổ biến nhất bao gồm: sốt, ho, khó thở, đau cơ, mệt mỏi, ngạt mũi , đau đầu, đau rát họng … Một số người có thể bị mất vị giác và khứu giác, dẫn đến chán ăn.
Đối với bệnh nhân mắc COVID-19, chế độ dinh dưỡng tốt kết hợp với điều trị đúng sẽ giúp ngăn ngừa biến chứng và thúc đẩy quá trình hồi phục. Đặc biệt, người bệnh cần uống nhiều nước (40-45ml/kg cân nặng/ngày). Nên uống nước ấm và rải rác trong ngày, tránh tình trạng chỉ uống khi thấy khát. Trong trường hợp có sốt nên uống Oresol theo hướng dẫn để bù nước và điện giải.
Ngoài các loại nước như nước lọc, nước trái cây , người bệnh có thể dùng một số loại trà làm từ các nguyên liệu thảo mộc như: gừng, nghệ, quế, mật ong… Các loại gia vị thảo mộc này có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, giảm ho , giảm nghẹt mũi, đau đầu, hỗ trợ tiêu hóa… hiệu quả, giúp giảm bớt các triệu chứng khó chịu và tăng cường miễn dịch cho người bệnh.
Người mắc COVID-19 thường có triệu chứng khó chịu như: sốt, đau đầu, đau họng, ngạt mũi...
2. Một số loại trà thảo mộc tốt cho người mắc COVID-19
2.1. Trà gừng
Gừng có tác dụng kháng virus, kháng khuẩn và chống viêm hiệu quả. Nó kích thích hệ thống miễn dịch tự bảo vệ tốt hơn để chống lại các virus gây bệnh như cúm, cảm lạnh .
Một trong những lợi ích của trà gừng được nhiều người biết đến là nhanh chóng làm giảm cảm giác buồn nôn và có lợi cho hệ tiêu hóa, hỗ trợ điều trị tiêu chảy và đầy hơi.
Trà gừng cũng có tác dụng làm giảm cảm giác choáng váng, hoa mắt khi bị cảm lạnh, cảm cúm. Trà gừng có hiệu ứng làm nóng đường hô hấp và gần như ngay lập tức giảm triệu chứng nghẹt mũi.
Trong Đông y, gừng là vị thuốc hiệu quả dùng để trị cảm mạo phong hàn, đau đầu, rét, tắc ngạt mũi, đau bụng do lạnh, bụng đầy trướng, ăn không tiêu, trị ho , đờm nhiều…
- Nguyên liệu: Gừng tươi, nước, đường.
- Cách làm:
Gừng tươi rửa sạch, cạo vỏ, thái nhỏ, cho vào nồi thêm nước đun sôi trên lửa nhỏ. Cho nước gừng đã đun trộn với một chút đường, khuấy đều, uống ấm.
Trà gừng giúp giảm triệu chứng buồn nôn, choáng váng, đầy bụng, ngạt mũi...
2.2. Trà gừng + mật ong
Trà gừng kết hợp với mật ong có đặc tính chống viêm cũng như chống vi khuẩn, có thể làm dịu cơn ho một cách an toàn. Mật ong cũng có thể bao phủ cổ họng bị viêm, bị kích thích, làm giảm phản xạ ho và ngăn không cho các chất kích thích hít vào làm kích thích thêm đường hô hấp trên.
- Nguyên liệu: Gừng tươi, mật ong, nước.
- Cách làm:
Gừng rửa sạch, cạo vỏ ngoài, thái nhỏ, cho thêm nước đun sôi nhỏ lửa. Trộn nước gừng đã đun với mật ong, khuấy đều, uống ấm.
Trà gừng mật ong có tác dụng giảm ho.
2.3. Trà gừng + nghệ + mật ong
Ngoài công dụng tạo màu, mùi thơm, khử chất tanh cho món ăn, nghệ còn chứa dưỡng chất curcumin với đặc tính chống viêm tự nhiên mạnh. Kết hợp gừng, nghệ và mật ong có tác dụng chống viêm, giảm buồn nôn, hỗ trợ hô hấp, tiêu hóa và tăng cường miễn dịch.
- Nguyên liệu: 1 cốc nước, nửa thìa bột nghệ, 1/4 thìa bột gừng, 1 thìa mật ong.
- Cách làm: Cho các nguyên liệu vào nồi, thêm nước vừa đủ, khuấy tan rồi đun sôi nhỏ lửa. Dùng uống ấm.
2.4. Trà mật ong + chanh
Chanh có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, chống mệt mỏi... Chanh rất giàu vitamin C giúp tăng cường miễn dịch chống lại nhiễm trùng. Trà mật ong và chanh giúp tăng cường sức đề kháng, đặc biệt là làm dịu cổ họng, giảm ho hiệu quả.
- Nguyên liệu: Chanh tươi, mật ong, nước ấm.
- Cách làm:
Vắt nửa quả chanh lấy nước. Trộn nước chanh với mật ong và nước ấm, khuấy đều, uống ngay khi còn ấm.
2.5. Trà cam + quế + mật ong
Trà cam quế mật ong có tác dụng làm dễ chịu, cải thiện hô hấp, tiêu hóa.
Quế là loại gia vị có tính nóng, giúp giữ ấm cho cơ thể. Do vậy, sử dụng quế rất hiệu quả trong việc phòng và điều trị các bệnh như cảm lạnh hoặc cúm.
Quế có tính chất kháng khuẩn, chống viêm và rất giàu chất chống oxy hóa, có tác dụng làm giảm các chất độc hại tiềm ẩn trong cơ thể, giúp cho máu lưu thông dễ dàng. Do đó, giúp tăng cường hệ thống miễn dịch và làm sạch đường hô hấp.
Cam là loại trái cây rất giàu vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa, đặc biệt là vitamin C giúp tăng cường khả năng miễn dịch. Vitamin C cũng giúp hấp thụ các chất dinh dưỡng thiết yếu khác như sắt và canxi.
Vì vậy, sử dụng quế kết hợp với mật ong, cam dưới dạng trà có tác dụng làm dễ chịu, cải thiện hô hấp, tiêu hóa và tăng cường miễn dịch cho cơ thể.
- Nguyên liệu: Quế, nước cam, mật ong.
- Cách làm:
Cho quế vào nồi, thêm nước, đun khoảng 2 -3 phút, lọc lấy nước. Trộn nước cam đã vắt, nước quế và mật ong, khuấy đều, uống ấm. BS. Tăng Mạnh Hoạt
Quế và mật ong là hai thành phần mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Mật ong có chất chống oxy hóa và enzym giúp chữa lành từ bên trong. Nó cũng có đặc tính kháng khuẩn giúp tránh nhiễm trùng và các tế bào gây hại cho cơ thể.