Tiêm kích F-4 Phantom II của McDonnell Douglas
F-4 Phantom II là tiêm kích ném bom tầm xa siêu thanh hai chỗ ngồi do tập đoàn McDonnell Douglas sản xuất, có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết. F-4 Phantom II ban đầu được thiết kế là máy bay chiến đấu hoạt động trên tàu sân bay, bảo vệ các hạm đội của Hải quân Mỹ.
Dù không có hình dáng đẹp mắt nhưng nó đã nhanh chóng phát triển thành một vũ khí đa năng được cả 3 nhánh trong Quân đội Mỹ sử dụng.
F-4 có tải trọng vũ khí lớn, tốc độ nhanh và có thiết kế linh hoạt, sở hữu năng lực vượt trội hơn so với các máy bay chiến đấu của Liên Xô. Dù có tuổi đời cao, nhưng những chiếc F-4 vẫn liên tục được nâng cấp và cải thiện để tiếp tục phục vụ cho một số lực lượng quân đội hiện đại trên thế giới.
F-15 Eagle của McDonnell Douglas
F-15 đánh dấu cột mốc tiếp theo về thiết kế của ngành hàng không quân sự Mỹ. Tiêm kích này kế thừa lực đẩy mạnh mẽ của F-4, sở hữu khả năng cơ động cao, kho vũ khí không đối không đầy uy lực và hệ thống radar tối tân.
Một số chuyên gia cho rằng, F-15 thực sự là tiêm kích đi trước thời đại, vượt trội so với đối thủ MiG của Nga trong cuộc Chiến tranh Lebanon và Chiến tranh Vùng Vịnh, đồng thời thiết lập tiêu chuẩn mới cho hiệu suất của máy bay chiến đấu. Đến thời điểm hiện tại, không một chiến đấu cơ nào mang tính biểu tượng mạnh mẽ như F-15 trong ngành hàng không quân sự Mỹ.
Trong suốt 3 thập kỷ, F-15 được xem là "kẻ thống trị" bầu trời cho đến khi tiêm kích tàng hình F-22 Raptor ra đời.
F-22 Raptor của Lockheed Martin
Tiêm kích F-22. Ảnh: Lockheed Martin.
Là một trong những máy bay chiếm ưu thế trên không hiện đại nhất thế giới, F-22 Raptor tự hào sở hữu danh sách dài các tính năng ưu việt bao gồm: động cơ phản lực kiểm soát vector lực đẩy hai chiều, khả năng bay hành trình siêu âm, hệ thống điện tử hiện đại và hệ thống thông tin được thiết kế đặc biệt để phối hợp với chiến đấu cơ F-35, khả năng mang tên lửa không đối không tối tân AIM-9X và AIM-120-D.
Ngoài ra, F-22 còn được tích hợp một loạt tính năng tàng hình tiên tiến khiến radar của đối phương khó phát hiện. Trên thực tế F-22 đã vượt xa rất nhiều đối thủ. Đây là lý do Mỹ vẫn chưa muốn xuất khẩu dòng máy bay này sang bất cứ quốc gia nào, ngay cả với đồng minh thân cận nhất như Israel.
F-16 Fighting Falcon của General Dynamics
Cũng giống như F-4, chiến đấu cơ F-16 ban đầu được thiết kế như một máy bay chiếm ưu thế trên không sau đó dần được cải tiến để trở thành tiêm kích đa năng. F-16 cũng là máy bay tiên phong trong lĩnh vực điện tử hàng không, có hệ thống điều khiển máy bay bằng điện tử (fly-by-wire), mang lại khả năng cơ động xuất sắc.
Là máy bay chiến đấu đa năng hạng nhẹ và có giá thành phải chăng hơn so với F-15, Falcon có thể trở thành ứng viên hàng đầu để thay thế nhiều loại máy bay khác của Mỹ khi vừa giúp tiết kiệm chi phí lại vừa phù hợp với nhiều vai trò chiến đấu.
F-35 Lightning II của tập đoàn Lockheed Martin
Chương trình phát triển máy bay chiến đấu F-35 đã gặp phải không ít rào cản về kỹ thuật và ngân sách. Giống như F-22, F-35 gần như chưa được chứng minh hiệu quả trong chiến đấu và sẽ cần nhiều thời gian để biết chiến đấu cơ này sẽ hoạt động như thế nào trên chiến trường.
Tuy vậy, có một thực tế không thể phủ nhận: F-35 chính là sự kết hợp của hệ thống điện tử tối tân nhất, hệ thống nhắm bắn mục tiêu hiện đại nhất và tính năng tàng hình ưu việt nhất trên thế giới.
Từng được các phi công gọi là “tiền vệ” trên bầu trời, F-35 sử dụng phương pháp tổng hợp cảm biến để xây dựng bức tranh toàn cảnh về chiến trường, cung cấp thông tin trực tiếp cho các đơn vị chiến đấu. F35 là tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 được Mỹ đầu tư phát triển với hy vọng sẽ tạo ra một cuộc cách mạng trong lĩnh vực hàng không quân sự./.