Nhiều người nghi ngờ rằng súng trường AK không phải là thiết kế của công trình sư Liên Xô Kalashnikov và nhiều vấn đề kỹ thuật khác. Dưới đây là những thông tin bí ẩn của súng trường AK đã được giải mật.
AK là bản sao chép của súng trường StG 44 của Đức?
Xét về mặt hình dáng, súng AK có nhiều nét tương đồng với súng StG 44 của Đức. Đặc biệt, dòng súng trường tấn công của phát xít Đức xuất hiện ở thời kỳ cuối Thế chiến thứ 2 cũng đã được đưa về Liên Xô như chiến lợi phẩm.
Tuy nhiên, những thông tin được phía Liên Xô công bố xác nhận, những khẩu súng StG 44 chuyển về Liên Xô vào năm 1944. Trong khi đó, từ năm 1943, nguyên mẫu súng AK đã được Tổng công trình sư Alexei Sudayev giới thiệu và nó liên tục được kỹ sư Mikhail Kalashnikov chỉnh sửa và hoàn chỉnh. Tới năm 1947, súng trường AK được chấp nhận với vai trò là súng trường tấn công tự động mới cho Quân đội Liên Xô.
Súng trường StG 44 của Đức quốc xã.
Dù bên ngoài giống nhau, nhưng sự khác biệt giữa súng AK và StG 44 nằm ở thiết kế bên trong. Hai mẫu súng có cơ chế điểm hỏa và hộp tiếp đạn khác biệt. Ngoài ra, việc tháo lắp hai mẫu súng hoàn toàn khác nhau.Đầu những năm 1950, Đan Mạch bị cáo buộc sao chép thiết kế của AK để chế tạo ra súng trường theo chuẩn NATO với tên gọi Madsen LAR.
Tuy nhiên, người Đức cũng đóng góp công sức vào quá trình hoàn thiện và phát triển súng AK. Sau Thế chiến 2, công ty Hugo Schmeisser, nơi phát triển súng StG 44, đã phối hợp với nhà máy Izhevsk nâng cấp súng AK với nhiều biến thể mới.
Thiết kế của AK có phải là duy nhất?
Ngoài việc được coi là biểu tượng của các cuộc cách mạng, đấu tranh giải phóng dân tộc, thiết kế của súng trường AK được coi là độc đáo, dễ chế tạo, đơn giản và chi phí bảo trì thấp.
Tuy nhiên, thiết kế của súng AK không phải là duy nhất, Czech cũng phát triển súng trường Čermák Sa vz. 58 có thiết kế tương tự. Čermák Sa vz. 58 có hình dạng giống AK, nhưng cơ cấu cơ khí hoạt động theo nguyên tắc khác và sử dụng hộp tiếp đạn riêng.
Súng trường Čermák Sa vz. 58 được sử dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia Đông Âu tới năm 2010. Tuy nhiên, do không có độ tin cậy như AK, súng trường của Czech được thế giới ít biết tới.
Súng AK có độ chính xác thấp ở ngoài khoảng 300m?
Việc bắn trúng mục tiêu ở cự ly xa không phải là điều dễ dàng đối với mọi xạ thủ và súng trường phổ biến trên thế giới. Tuy nhiên, đối với những người lính được huấn luyện tốt, việc bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách 400m cũng không phải là vấn đề quá khó khăn.
Để đạt được điều này, ngoài đặc tính kỹ thuật của súng trường, còn cần kỹ năng của xạ thủ và hiệu chỉnh vũ khí phù hợp.
Đối với súng trường AK, để bắn trúng mục tiêu ở cự ly xa cần áp dụng kỹ thuật tương tự như dành cho xạ thủ bắn tỉa. Xạ thủ sẽ phải sử dụng quỹ đạo cong của đạn đạo để tính toán điểm rơi.
Người lính sẽ phải tính toán hướng gió, độ ẩm không khí để ước lượng quỹ đạo rơi chính xác của viên đạn. Vấn đề này có vẻ phức tạp, nhưng đối với người lính dày dạn có thể bắn trúng mục tiêu sau 1-2 phát bắn có hiệu chỉnh.
Súng AK đã hoàn hảo ngay từ khi xuất hiện?
Điều này hoàn toàn sai. Dù được Quân đội Liên Xô chấp nhận vào trang bị từ năm 1947, nhưng những tính năng của súng trường AK phải mất tới 12 năm sau đó để hiệu chỉnh và hoàn thiện.
Dòng súng trường AK-47 phổ biến hiện nay trên thế giới là biến thể xuất hiện năm 1959 sau khi chỉnh sửa và hoàn thiện hàng loạt vấn đề do Quân đội Liên Xô yêu cầu. Những phiên bản đầu tiên của súng trường AK không có độ tin cậy ở các môi trường phức tạp, nhiều bụi bẩn, cũng như độ chụm của súng không đạt yêu cầu.
Kết cả các phiên bản nâng cấp sau này, súng trường AK vẫn không thể so sánh với các loại súng trường NATO về độ chính xác, nhưng bù lại ở độ tin cậy, chi phí rẻ và tiện dụng.
Súng trường AK không phải do một mình Mikhail Kalashnikov thiết kế
Thiết kế súng trường AK rất xuất sắc và đây là kết quả nghiên cứu và thực nghiệm của cả nhóm thiết kế do kỹ sư Mikhail Kalashnikov lãnh đạo.
Tổng công trình sư Mikhail Kalashnikov và nguyên mẫu súng trường AK đầu tiên.
Phác thảo đề án về súng AK xuất hiện năm 1943 của Tổng công trình sư Alexei Sudayev. Thiết kế của súng AK hiện đại cũng có sự đóng góp công sức của công ty Đức Schmeisser.
Kỹ sư Mikhail Kalashnikov có thể coi là linh hồn của súng trường AK, nhưng để có sản phẩm thực tiễn là sự phối hợp, làm việc của đội ngũ nhà thiết kế, kỹ sư hùng hậu.