Ngày 25/7, TS.BS Trần Chí Cường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa S.I.S Cần Thơ cho biết, tại đây vừa kịp thời cứu sống một trường hợp đặc biệt nguy kịch, hiếm gặp khi liên tiếp bị đột quỵ.
Bệnh nhân là bà D.T.B. (72 tuổi, quê Cần Thơ) đột ngột bị ngã quỵ, yếu nửa người bên trái nên gia đình khẩn trương đưa tới bệnh viện cấp cứu trong giờ đầu tiên. Qua hình ảnh chụp cộng hưởng từ (MRI), các bác sĩ xác định bà B. bị nhồi máu não do huyết khối động mạch não bên phải, trên nền bệnh rung nhĩ và tăng huyết áp.
Ngay lập tức, bà được chuyển đến đơn vị DSA để thực hiện can thiệp cấp cứu hút huyết khối, giúp tái thông động mạch não giữa bên phải đang bị tắc. Sau can thiệp, tình trạng lâm sàng tiến triển tốt hơn, sức cơ cải thiện, nói chuyện bình thường.
Tuy nhiên, ngày hôm sau bà B. bị đột quỵ lần 2. Khi đang nằm ở phòng bệnh nói chuyện cùng con gái, bệnh nhân rơi vào tình trạng nói khó, yếu nửa bên người phải. Trên kết quả MRI bác sĩ ghi nhận bệnh nhân bị nhồi máu não do huyết khối động mạch não bên trái. Một lần nữa, người bệnh được hỏa tốc chuyển đến đơn vị DSA can thiệp hút huyết khối.
Nhờ can thiệp cấp cứu hút huyết khối trong "giờ vàng" ở cả hai lần đột quỵ sau 2 tuần điều trị bệnh nhân đã phục hồi sức khỏe, không để lại di chứng yếu liệt tay chân.
BS Nguyễn Đức Chỉnh, Trưởng khối Tim mạch – Tim mạch can thiệp Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ cho biết, đây là một trường hợp điển hình của biến chứng rung nhĩ gây lấp mạch dẫn đến nhồi máu. Bà B. là ca bệnh khá hy hữu khi xảy ra đột quỵ đến 2 lần chỉ trong khoảng 48 giờ.
“Rung nhĩ là một loại rối loạn nhịp tim phổ biến đặc biệt ở người cao tuổi. Bệnh nhân rung nhĩ có nguy cơ đột quỵ cao gấp 5 lần người bình thường. Rung nhĩ thường dẫn đến nguy cơ hình thành cục huyết khối trong tim. Những cục máu đông này có thể di chuyển đến bất cứ cơ quan nào và gây tắc nghẽn ở đó. Đặc biệt khi di chuyển đến não sẽ gây đột quỵ nhồi máu não. Việc phát hiện và điều trị kịp thời là yếu tố quyết định đến sinh mạng và sự phục hồi của người bệnh” – BS Nguyễn Đức Chỉnh.