40 tuổi trở đi cần cảnh giác với căn bệnh âm thầm gây teo mắt, cướp đi thị lực

Ngọc Minh |

65% bệnh nhân bị mù hai mắt do bệnh lý thiên đầu thống (glôcôm), căn bệnh này có thể mắc ở mọi lứa tuổi và nguy cơ mắc cao từ 40 tuổi trở đi.

Thói quen tùy tiện dùng thuốc nhỏ mắt

Thường xuyên bị ngứa, đỏ mắt anh N.P.N (41 tuổi tại Yên Lạc, Vĩnh Phúc) đã tự ý ra hiệu mua thuốc về nhỏ. Khi nhỏ thuốc các triệu chứng giảm, nhưng sẽ lại quay lại sau khi dùng thuốc.

Để giảm tình trạng khó chịu của đôi mắt nên anh N đã dùng thuốc nhỏ mắt. Sau khoảng gần 1 năm dùng thuốc nhỏ mắt kéo dài anh N thấy mắt đau nhiều, thậm chí tình trạng đau nhức dữ dội từng cơn, lan lên nửa đầu cùng bên, thị lực giảm.

Anh N đi khám được chẩn đoán anh bị glôcôm do lạm dụng thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid kéo dài. Nguy cơ anh N có thể bị mù lòa vĩnh viễn nếu nhưng không được can thiệp điều trị sớm.

TS. BS. Vũ Anh Tuấn, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cho biết, tất cả mọi người đều có nguy cơ mắc bệnh glôcôm, đặc biệt là các trường hợp hơn 40 tuổi, tiền sử gia đình có người mắc bệnh glôcôm.

Glôcôm là nhóm bệnh lý thần kinh thị giác tiến triển cấp tính hoặc mãn tính, đặc trưng bởi sự chết dần các tế bào hạch võng mạc dẫn đến những biểu hiện tổn hại đầu dây thần kinh thị giác và thị trường. Hậu quả cuối cùng của glôcôm là mù lòa vĩnh viễn không có khả năng hồi phục.

Việc sử dụng thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid kéo dài là một trong những nguyên nhân gây ra căn bệnh.

40 tuổi trở đi cần cảnh giác với căn bệnh âm thầm gây teo mắt, cướp đi thị lực - Ảnh 1.

Bác sĩ Anh Tuấn cảnh báo về bệnh bệnh glôcôm.

Ngoài ra, một số nguyên nhân gây ra bệnh glôcôm có thể kể tới như: Người mắc các bệnh lý như: cao huyết áp, đái tháo đường, có các chấn thương về mắt; Người có nhãn cầu nhỏ như bị viễn thị nặng, giác mạc nhỏ hoặc những người hay lo âu, dễ xúc cảm; Tuổi càng cao, khả năng bị glôcôm càng lớn…

Trên thế giới bệnh glôcôm là nguyên nhân thứ 2 gây ra mù lòa cho con người. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2010 thế giới có khoảng 60,5 triệu người bị glôcôm, dự tính năm 2020 sẽ có 79,5 triệu và năm 2030 sẽ có 110 triệu người bị bệnh này.

Bác sĩ Anh Tuấn khuyến cáo: "65% bệnh nhân bị mù hai mắt tại Việt Nam do bệnh lý glôcôm. Đây là bệnh lý hết sức nguy hiểm vì bệnh chủ yếu diễn biến âm thầm, cướp đi thị lực và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Bệnh glôcôm không thể chữa khỏi hoàn toàn. Mục đích điều trị glôcôm là nhằm ngăn chặn bệnh không tiếp tục gây tổn thương đầu dây thần kinh thị giác. Người mắc bệnh glôcôm có thể duy trì thị lực bằng các phương pháp nội khoa hoặc ngoại khoa".

Dấu hiệu để phát hiện bệnh sớm

Bệnh glôcôm ở người lớn một số dấu hiệu phát hiện sớm bệnh như: mắt bị đau đột ngột, thậm chí tình trạng đau nhức dữ dội từng cơn, lan lên nửa đầu cùng bên. 

Một số bệnh nhân có thêm triệu chứng buồn nôn hoặc nôn, đau bụng, vã mồ hôi, mắt đỏ lên và nhìn mờ ở nhiều mức độ...

PGS.TS Nguyễn Đức Anh, Bệnh viện mắt Hà Nội 2 cho biết, đối với trẻ nhỏ cần phải lưu ý để phát hiện ra bệnh glôcôm sớm. Dấu hiệu trẻ mắc glôcôm như: sợ ánh sáng, quay đầu về tối, giác mạc to hơn bình thường, hay bị chảy nước mắt.

Bệnh glôcôm không được chẩn đoán sớm sẽ dẫn tới teo dây thần kinh mắt, con mắt bị giãn to và dẫn tới mù loà. Ở trẻ nhỏ nếu bị glôcôm ở giai đoạn đầu sẽ được điều trị nội khoa, tới thời điểm thích hợp sẽ được phẫu thuật.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại