GS Nguyễn Đình Cử - nguyên Viện trưởng Dân số và các vấn đề xã hội
Sau hơn nửa thế kỷ thực hiện công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (1961 đến nay), ông đánh giá mức sinh của nước ta hiện nay như thế nào, đặc biệt là ở các thành phố lớn người dân sợ "đẻ"? Vì sao lại như thế?
GS Nguyễn Đình Cử: Thập kỷ 60 của thế kỷ trước, mức sinh của Việt Nam rất cao. Những năm 1965-1969, tính đến hết độ tuổi sinh đẻ, trung bình mỗi phụ nữ có khoảng gần 7 con!
Do sớm nhận thức được tác động tiêu cực của mức sinh cao và dân số tăng nhanh, ngày 26 tháng 12 năm 1961 Hội đồng Chính phủ Quyết định 216/CP “về việc sinh đẻ có hướng dẫn” , sau này được gọi là Chính sách Dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) với mục tiêu chủ yếu là giảm sinh.
Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, sự kiên trì và đẩy mạnh KHHGĐ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, mức sinh của Việt Nam giảm nhanh, hiện đã đạt mức thấp. Năm 2005, trung bình mỗi phụ nữ chỉ có 2,1 con (còn gọi là “mức sinh thay thế”).
Mức sinh thấp này liên tục được giữ vững cho đến nay. Mô hình “gia đình 2 con” đang trở nên phổ biến. Mục tiêu mà chính sách DS-KHHGĐ theo đuổi suốt nửa thế kỷ qua đã đạt được.
Thành tựu giảm sinh của nước ta là vững chắc, vì: Một là, người dân được tuyên truyền nhiều và đã nhìn nhận thấy lợi ích của mô hình gia đình nhỏ trên thực tế. Hệ thống dịch vụ KHHGĐ cơ bản đã phủ kín nhu cầu của dân, đang được thị trường hóa.
Hai là, từ 2016 trở đi, phụ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ, đại đa số sinh từ năm 1985 trở lại đây. Đó là thế hệ mới, được giáo dục nói chung và giáo dục về DS-KHHGĐ nói riêng khá tốt. Ba là, sự tiến bộ nhanh về KT- XH, sự hội nhập quốc tế tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ mạnh mẽ xu hướng giảm sinh.
Xu hướng giảm sinh được khẳng định ở cả nông thôn và thành thị nhưng khu vực thành thị luôn mức sinh thường thấp hơn. Ngay từ năm 1999, khi ở nông thôn mức sinh bình quân là 2,6 con/phụ nữ thì ở thành thị chỉ có 1,7 con/phụ nữ! Năm 2015, chỉ tiêu này ở nông thôn là 2,25 còn ở thành thị là 1,82.
Như vậy, ở thành thị mức sinh đã giảm sâu dưới mức thay thế khoảng 20 năm nay, nhiều thành phố, như: Thành phố Hồ Chí Minh bình quân chỉ có 1,45 con/phụ nữ; Bà Rịa - Vũng Tầu: 1,56, Bình Dương:1,59,... thậm chí có người nói, dân thành thị “sợ đẻ"!
Mức sinh phụ thuộc chính sách dân số và trình độ phát triển. Trên thế giới và ngay ở Việt Nam, người ta nhận thấy, càng phát triển, mức sinh càng thấp. Chính sách dân số với mục tiêu giảm sinh là cái chung cho cả thành thị và nông thôn nhưng trình độ phát triển ở đô thị cao hơn nông thôn.
Chẳng hạn, kinh tế phát triển hơn nên cha mẹ sinh con thường không vì mục tiêu kinh tế (nhờ con nuôi khi tuổi già); Nhu cầu của cha mẹ đa dạng hơn (học vấn, thăng tiến, tiện nghi, du lịch,...) những nhu cầu này “cạnh tranh” với nhu cầu nhiều con; Trong khi đó, chi phí nuôi dạy, chăm sóc con ở thành thị cũng đắt đỏ hơn, nhiều hơn nông thôn; Các thành phố lớn cũng có tỷ lệ dân nhập cư cao.
Dân mới nhập cư thường ưu tiên cho nhà cửa và tiện nghi hơn; Hệ thống tuyên truyền về kế hoạch hóa gia đình và hệ thống cung cấp phương tiện, dịch vụ tránh thai ở thành thị cũng phát triển hơn, sẵn có hơn nông thôn. Như vậy, có thể thấy, dân thành thị có cả điều kiện “cần và đủ” để sinh ít con hơn nông thôn.
Thưa ông, gần đây Tổng Cục dân số có đưa ra ba phương án về dân số, theo GS nên chọn phương án nào? Vì sao?
GS Nguyễn Đình Cử: Như chúng ta đã biết, gần đây, Bộ Y tế đã đề xuất 3 phương án điều chỉnh mức sinh. Tôi dùng phương pháp “loại dần” để tìm ra phương án hợp lý hơn cả.
Trước hết nói về phương án 3. Cho đến nay, 2/3 dân số nước ta vẫn sống ở nông thôn, đa số lao động là nông dân, không lương hưu, vẫn cần đến con khi làm ruộng và phải dựa vào con khi tuổi già. Văn hóa Việt Nam đề cao giá trị gia đình và con cái, nhất là con trai.
Vì vậy, theo phương án 3 “cho đẻ thoải mái, không vận động, không cấp phương tiện tránh thai miễn phí (hiện một nửa cấp miễn phí), khả năng “bùng nổ dân số” trở lại, nhất là khu vực nông thôn có nguy cơ xóa những nỗ lực giảm sinh của chúng ta suốt hơn nửa thế kỷ qua.
Hiện nay, trên thế giới chỉ có 4 nước dân số đông hơn và mật độ dân số cao hơn Việt Nam là: Ấn Độ, Nhật Bản, Philippine và Bangladesh.
Năm 2016, mật độ dân số của Việt Nam đã lên tới 280 người/km2, trong khi đó thế giới chỉ 57 người/km2, Trung Quốc: 146 người/km2, Nga 9 người/km2, Mỹ: 35 người/km2... ). Mật độ cao hơn nữa sẽ gây khó cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam.
Nhưng nếu thực hiện phương án 2: “Tiếp tục chính sách sinh ít hơn 2 con, khẩu hiệu mỗi cặp vợ chồng sinh 1-2 con, nhằm tiếp tục giảm mức sinh, giảm tốc độ gia tăng dân số” thì kinh nghiệm các nước đã phát triển cho thấy, mức sinh “lao dốc” đến mức không vực lên được.
Hậu quả của mức sinh thấp kéo dài sẽ là dân số giảm; tỷ lệ người cao tuổi đến 50-60%; Hội chứng 4-2-1 (4 ông bà nội, ngoại, 2 bố mẹ, chỉ có 1 con) rất nặng nề đối với giới trẻ.
Khi tuổi thọ trung bình tăng lên tới 80 và hơn nữa, mỗi gia đình có 4 thế hệ thì không chỉ là hội chứng 4-2-1 mà có thể là 8-4-2-1!
Nhiều quốc gia đang phải “vật lộn” giải quyết hậu quả mức sinh thấp, kể cả bỏ ra hàng tỷ đô-la để hỗ trợ gia đình trẻ, nới lỏng nhập cư và nhập khẩu lao động nhưng cũng không có hiệu quả đáng kể.
Phương án 1 được đề xuất là:“duy trì mức sinh như hiện nay càng lâu càng tốt; thực hiện thông qua vận động mỗi cặp vợ chồng sinh 2 con mà không quy định thành luật với chính sách linh hoạt.
Với những địa phương đang sinh nhiều con (hơn 3 con) tiếp tục vận động sinh ít đi để có điều kiện nuôi dạy tốt hơn. Những nơi tỷ lệ sinh thấp (khu vực Đông Nam bộ) phải vận động nâng mức sinh”.
Theo phương án này, “mỗi cặp vợ chồng sinh 2 con” vẫn là một trong những mục tiêu cốt lõi của chính sách dân số nhưng không cần thiết quy định trong Luật pháp mà chỉ cần tuyên truyền, vận động.
Thực tế ở nước ta cho thấy, gia đình 2 con tạo điều kiện nâng cao mức sống và chất lượng cuộc sống. Trẻ em được phát triển nhân cách hài hòa trong các mối quan hệ gia đình đầy đủ. Mục tiêu này cũng đảm bảo, dân số nước ta tăng thêm không đáng kể sau đó sẽ ổn định.
Trong điều kiện mức sinh khác biệt giữ các vùng, các tỉnh, để duy trì lâu dài kết quả “mỗi cặp vợ chồng sinh 2 con”, chính sách cần linh hoạt. Điều này có nghĩa là mục tiêu và giải pháp có sự khác nhau giữ các nhóm tỉnh chưa đạt “mức sinh thay thế” và nhóm tỉnh đã đạt “mức sinh thay thế”.
Chính sách dân số không thể giống nhau như “bao diêm thống nhất” trong thời kỳ tỉnh nào cũng có mức sinh cao. Như vậy có thể nói, cả mục tiêu và giải pháp của phương án 1 đều chứa đựng những nhân tố hợp lý.
Tuy nhiên, chính sách linh hoạt đến mức nào, giải pháp cho các tỉnh có mức sinh khác nhau cần được cụ thể, chi tiết hơn.
Như đã trình bày ở trên, các phương án 2 và 3 đều dẫn đến những hậu quả tiêu cực, nặng nề cho sự phát triển bền vững ở nước ta. Phương án 1 có nhiều điểm hợp lý và đáng được lựa chọn.
Trước đây, Bộ Y tế đưa ra chính sách thưởng cho gia đình sinh con 1 bề là con gái nhưng từ đó đến nay vẫn chưa có gia đình nào được nhận thưởng này, theo GS có nên đưa ra các chính sách như thế để khuyến khích các gia đình sinh con một bề không sinh thêm con?
GS Nguyễn Đình Cử: Nếu coi hỗ trợ người cao tuổi sinh con một bề gái là một cách để giảm tỷ số giới tính khi sinh thì sẽ không hiệu quả. Thực tế tỷ số giới tính khi sinh cao ở những gia đình có kinh tế khá giả, phụ nữ có trình độ học vấn cao.
Kết quả tổng điều tra dân số 2009 cho thấy, 20% dân số nghèo nhất có tỷ số giới tính khi sinh là 105 bé trai/100 bé gái, 60% dân số thu nhập trung bình là 107,5; trong khi 20% dân số giàu nhất con số này xấp xỉ 113.
Nhiều năm nay Trung Quốc thực hiện chính sách hỗ trợ 600 tệ mỗi tháng một người cho những cặp vợ chồng sinh con một bề gái nhưng tỷ số giới tính khi sinh ở nước này vẫn không giảm.
Ngoài ra nếu quy định hỗ trợ như trên sẽ vô hình trung mặc định những gia đình sinh con gái là thiệt thòi, là nhóm yếu thế; đồng thời cũng mặc nhiên công nhận trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ là của con trai. Luật Bình đẳng giới cũng quy định nam, nữ không bị phân biệt đối xử về giới.