4 tiến bộ y khoa được ứng dụng nhiều trong tương lai

DS. Nguyễn Hải Đăng |

Chăm sóc sức khỏe luôn thay đổi và ngày càng có nhiều tiến bộ làm thay đổi đáng kể lĩnh vực y tế và cải thiện chăm sóc cho bệnh nhân...

Kích thích tủy sống chu kỳ đóng trong điều trị đau mạn tính

Đau mạn tính là một tình trạng tồi tệ của những cơn đau tái đi tái lại nhiều lần và thời gian đau kéo dài trên 3 tháng. Người bệnh bị đau mạn tính dẫn đến những rối loạn về tâm lý như lo âu, trầm cảm, thay đổi tính tình gây ảnh hưởng tới hoạt động xã hội hàng ngày. Đau mạn tính là nguyên nhân hàng đầu cho việc kê đơn thuốc opioid.

Kích thích tủy sống là một lựa chọn khác ngoài opioid - một phương pháp điều trị phổ biến cho đau mạn tính thông qua một thiết bị cấy ghép cung cấp các xung điện kích thích dọc theo tủy sống làm giảm các tín hiệu đau đến não.

Nhưng kết quả chưa đạt như kỳ vọng do các tác dụng phụ hoặc biến cố quá kích thích khá phổ biến. Với mỗi trường hợp cấy ghép, hệ thống kích thích tủy sống được chỉ định một đầu ra cố định hoặc liều kích thích phù hợp, không tính được chuyển động của từng cá nhân.

Kích thích tủy sống chu kỳ đóng cho phép thiết bị cấy ghép tương tác tốt hơn với tủy sống, có thể giao tiếp trong thời gian thực với các tế bào thần kinh tủy sống. Đây là lần đầu tiên hệ thống có thể đo lường phản ứng của dây thần kinh để kích thích và điều chỉnh mọi xung điện theo hoạt động thực.

Kích thích tủy sống chu kỳ đóng giúp cung cấp sự kích thích tối ưu hơn và mang đến hiệu quả giảm đau toàn vẹn hơn. Với công nghệ này, bệnh nhân sẽ được đo lường hiệu quả giảm đau, ngủ ngon hơn và uống ít thuốc hơn.

4 tiến bộ y khoa được ứng dụng nhiều trong tương lai - Ảnh 1.

Công nghệ sinh học trong phẫu thuật chỉnh hình

Sau phẫu thuật điều trị đứt/rách dây chằng chéo trước, cơ thể con người có thể mất từ vài tháng đến vài năm để hồi phục. Có khoảng từ 5 - 40% bệnh nhân có thể không bao giờ quay trở lại các hoạt động hàng ngày hoặc chơi thể thao sau các cuộc phẫu thuật chỉnh hình, khoảng 20% bệnh nhân có nguy cơ đứt lại dây chằng chéo trước.

Nhưng công nghệ sinh học mang đến hy vọng cho kết quả lâu dài tốt hơn bằng cách sử dụng mô và hệ thống miễn dịch của chính bệnh nhân trong phẫu thuật nối lại dây chằng chéo trước.

Công nghệ sinh học bao gồm các thành phần tế bào, thành phần máu, yếu tố tăng trưởng và các chất tự nhiên khác - có sức mạnh thay thế hoặc khai thác sức mạnh của chính cơ thể và thúc đẩy quá trình hồi phục, giảm viêm trong điều trị. Những yếu tố này đang thay đổi công nghệ phẫu thuật chỉnh hình, cho phép cải thiện nhanh chóng kết quả điều trị.

Kỹ thuật công nghệ sinh học mới này sử dụng một miếng xốp được tiêm các yếu tố sinh học tự thân kết hợp với máu của chính bệnh nhân để kích thích chữa lành dây chằng chéo trước, tức là bảo tồn mô chứ không phải cắt bỏ nó. Sử dụng công nghệ sinh học trong sửa chữa các khớp xoay và làm lớp phủ cho các thiết bị cấy ghép để giảm nguy cơ nhiễm trùng.

Tăng cường ứng dụng kỹ thuật xâm lấn tối thiểu trong can thiệp sửa van hai lá qua đường ống thông

Trong cấu trúc tim, van hai lá cho phép máu đi từ tâm nhĩ trái xuống tâm thất trái. Ở người cao tuổi, van hai lá bị thoái hóa, khiếm khuyết gây ra tình trạng hở van hai lá (mitral regurgitation) khiến máu bị rò rỉ ngược trở lại tâm nhĩ trái, tăng áp lực lên tim và phổi.

Trước đây, để điều trị bệnh lý này, y học chỉ có thể dùng phương pháp phẫu thuật tim hở với rủi ro cao hơn và thời gian phục hồi kéo dài nhiều tháng trời.

Kỹ thuật xâm lấn tối thiểu sửa van hai lá qua đường ống thông tĩnh mạch (Mitraclip) được phát triển từ năm 2013 và được FDA chấp thuận trên những bệnh nhân hở van hai lá nguyên phát không thể chỉ định phẫu thuật tim hở.

Vào tháng 3/2019, FDA đã mở rộng sự chấp thuận của kỹ thuật xâm lấn tối thiểu này trên nhóm bệnh nhân hở van hai lá thứ phát hoặc hở van hai lá do phì đại thất trái.

Việc mở rộng chỉ định trên những bệnh nhân hở van hai lá không có dấu hiệu suy giảm triệu chứng sau khi trải qua các phương pháp điều trị khác đã cung cấp một lựa chọn điều trị mới quan trọng cho bác sĩ và bệnh nhân bằng cách loại bỏ sự sợ hãi và rào cản liên quan đến phẫu thuật tim, giảm nguy cơ điều trị.

Việt Nam tự hào đã triển khai thành công kỹ thuật Mitraclip từ năm 2014 và hiện đang được phát triển ở các bệnh viện lớn: Bạch Mai, Vinmec...

Trị liệu cho dị ứng đậu phộng

Có một thực tế đáng sợ đối với 2,5% phụ huynh - khả năng là bất cứ lúc nào con của họ có thể không thể thở được do bị dị ứng với đậu phộng - một thực phẩm rất phổ biến.

Mới đây, việc phát triển một sản phẩm miễn dịch đường uống mới để dần dần xây dựng khả năng tiếp xúc với đậu phộng đã mang lại cơ hội cho các bệnh nhân chống lại sự tấn công của dị ứng đậu phộng.

Tháng 9/2019, một hội đồng chuyên gia của FDA đã khuyến nghị phê duyệt một liệu pháp đầu tiên cho tình trạng dị ứng đậu phộng. Đó là dạng bào chế viên nang với số lượng rất nhỏ protein đậu phộng. Theo thời gian, liều được tăng lên và đứa trẻ xây dựng một khả năng tiếp xúc với đậu phộng.

Trong một nghiên cứu gần đây, gần 80% bệnh nhân đã đạt đến liều duy trì hàng ngày, tương đương với 1 hạt đậu phộng.

Mặc dù không phải là một phương pháp chữa bệnh, nhưng đột phá này là giải pháp quan trọng giúp xoa dịu tâm trí của những bậc cha mẹ bấy lâu sống trong nỗi sợ hãi thường trực.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại