Sữa chua thực chất là sữa bò tươi hoặc sữa được pha theo công thức sữa tươi cho lên men với các chủng vi khuẩn có lợi cho đường ruột (Lactobacillus bulgaricus và Streptococus thermophilus).
Quá trình chủ yếu xảy ra trong lên men sữa chua là đường Lactoza chuyển thành đường glucoza, sau đó các đường đơn này chuyển thành axit Piruvic, rồi chuyển thành axit lactic.
Sữa chua có giá trị dinh dưỡng cao, chứa đầy đủ các chất protein (với nhiều axit amin cần thiết, nhất là Lysin), Glucid, Lipid, các muối khoáng (nhất là canxi) và vitamin, chủ yếu là vitamin nhóm B và A.
Cái quý của sữa chua là ngoài giá trị dinh dưỡng còn có giá trị chữa bệnh tốt, nhất là các bệnh về đường ruột.
1. Cung cấp một lượng lớn các vi khuẩn có lợi
Sữa chua cung cấp cho cơ thể một lượng lớn các vi khuẩn có lợi (Lactobacillus Acidophilus và Bifido Bacterium), giảm bảo vệ hệ tiêu hóa, tăng cường sức đề kháng. Có một số vi khuẩn trong sữa chua còn tạo ra kháng sinh có khả năng diệt các vi khuẩn có hại trong ruột.
Sữa chua đặc biệt thích hợp với người già, trẻ em, người mới ốm dậy, nhất là những người mắc bệnh về tiêu hóa.
2. Cân bằng hệ vi khuẩn trong ruột
Sữa chua rất có hiệu quả trong việc lập lại cân bằng hệ vi khuẩn trong ruột nhất là trong trường hợp lạm dụng hoặc sử dụng kháng sinh không đúng. Kháng sinh sẽ làm mất cân bằng hệ vi khuẩn trong ruột nên cơ thể rất dễ nhiễm bệnh.
Tuy nhiên, việc bổ sung cần được tiến hành ngay đợt sử dụng kháng sinh, chứ không phải trong khi dung kháng sinh vì kháng sinh và men vi sinh hoặc sữa chua sẽ “công nhau”.
Trong khi kháng sinh đang tìm cách tiêu diệt vi khuẩn thì men vi sinh lại làm việc ngược lại là cung cấp thêm lợi khuẩn cho đường ruột, làm cản trở quá trình tiêu diệt vi khuẩn của kháng sinh.
3. Cải thiện sình hơi, đầy bụng
Đối với người bị đau dạ dày thường phải dùng thuốc kháng axit nên vi khuẩn sinh hơi sẽ dồn lên, làm bụng trở nên ấm ách rất khó chịu. Nếu ăn sữa chua trong trường hợp này giúp cho bụng hết sình hơi, ấm ách là nhờ khí được đẩy xuống và tính axit được phục hồi.
4. Giảm chứng biếng ăn, tiêu chảy
Với người bị tiêu chảy hoặc biếng ăn, ăn sữa chua sẽ lập lại cân bằng vi khuẩn ở ruột và chất kháng sinh lactocidine có trong sữa chua giúp việc điều trị tiêu chảy. Sữa chua dễ tiêu hóa nên rất phù hợp với trẻ biếng ăn.
Một nghiên cứu gần đây cho thấy, cơ thể hấp thu sữa chua gấp 3 lần sữa tươi.
Ăn thế nào cho tốt?
Chỉ nên ăn sữa chua sau bữa ăn, bởi các vi khuẩn có lợi trong sữa chua tồn tại ở điều kiện độ pH lớn hơn hoặc bằng 4,5.
Khi đói, độ pH trong dạ dày chỉ bằng 2, do đó nếu ăn sữa chua lúc này thì các vi khuẩn có lợi trong sữa chua bị tiêu diệt. Sau khi ăn, dạ dày co bóp mạnh, độ pH tăng lên, đó chính là môi trường tuyệt vời để các vi khuẩn có lợi trong sữa chua hoạt động tốt.
Bảo quản sữa chua trong tủ lạnh sau khi mua về, tốt nhất sử dụng sữa chua trong vòng 1 tuần sau khi mua.
Khi mua cần xem kỹ hạn sử dụng của sản phẩm in trên bao bì để đảm bảo có thể sử dụng sữa chua một cách an toàn trong nhiều ngày.