4 loại thực phẩm bác sĩ ung bướu không bao giờ ăn nhưng nhiều người thích

Ngọc Ái |

Thói quen ăn uống tác động rất lớn tới sức khỏe con người. Nếu lựa chọn thực phẩm không tốt, rất nhiều bệnh ung thư có thể “tấn công” bạn.

The Lancet là tuần san y khoa tổng quan lâu đời nhất và nằm trong nhóm có uy tín nhất trên thế giới. Năm 2019, The Lancet đã công bố một nghiên cứu lớn trên toàn cầu tập trung vào tác động của chế độ ăn uống đối với sức khỏe.

Nghiên cứu chủ yếu đánh giá việc tiêu thụ các loại thực phẩm và chất dinh dưỡng chính ở 195 quốc gia, đồng thời định lượng tác động của chế độ ăn uống dưới mức lành mạnh đối với tỷ lệ tử vong và tỷ lệ mắc các bệnh mạn tính không lây nhiễm ở 195 quốc gia.

4 loại thực phẩm bác sĩ ung bướu không bao giờ ăn nhưng nhiều người thích - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Kết quả cho thấy, chỉ trong năm 2017, 11 triệu người trên toàn thế giới đã chết vì các rủi ro liên quan đến chế độ ăn uống. Trong đó bệnh tim mạch, ung thư và tiểu đường loại 2 là những nguyên nhân hàng đầu.

Vào tháng 11 năm 2021, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa quốc tế Nature Communications. Các nhà nghiên cứu đến từ Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) thuộc WHO và Đại học Hoàng gia Luân Đôn (Imperial College London).

Nghiên cứu đã kết luận rằng có mối liên hệ rõ ràng giữa lượng thức ăn hoặc chất dinh dưỡng hấp thụ và nguy cơ mắc bệnh hoặc tử vong do 11 loại bệnh ung thư. Bao gồm thực quản, dạ dày, đại trực tràng, gan, túi mật, phổi, da, vú (nữ), thận, bàng quang, đầu và cổ (miệng, hầu, thanh quản).

4 thực phẩm bác sĩ ung bướu khuyên nên tránh xa

Như vậy, chế độ ăn uống có tác động rất lớn tới nguy cơ mắc ung thư. Vì thế, việc lựa chọn thực phẩm vô cùng quan trọng. Sau đây là 4 loại thực phẩm các bác sĩ ung bướu không bao giờ ăn hoặc rất hạn chế để ngăn ngừa bệnh tật nhưng lại được rất nhiều người thích:

Thực phẩm ướp muối hoặc muối chua

Hàm lượng nitrat trong thực phẩm muối chua rất cao. Nitrat hấp thụ qua đường ăn uống khi vào dạ dày dưới tác dụng của vi khuẩn sẽ chuyển hóa thành nitrit, nitrit kết hợp với amin tạo thành nitrosamine. Nhiều người cho rằng nitrat và nitrit là chất gây ung thư nhưng điều này không đúng, chất gây ung thư thực sự là nitrosamine. Nitrosamine có thể gây ra nhiều loại ung thư, phổ biến nhất là ung thư thực quản và dạ dày với tỷ lệ tử vong cao.

4 loại thực phẩm bác sĩ ung bướu không bao giờ ăn nhưng nhiều người thích - Ảnh 2.

Các loại thực phẩm muối chua hay ướp muối như cá muối, thịt muối… còn có hàm lượng muối rất cao. Ăn quá nhiều muối sẽ dễ dẫn đến áp suất thẩm thấu giữa tế bào niêm mạc dạ dày và thế giới bên ngoài cao. Một khi áp suất thẩm thấu tăng cao sẽ phá hủy hàng rào bảo vệ của niêm mạc dạ dày. Như vậy, chế độ ăn nhiều muối sẽ khiến dạ dày suy yếu, dễ làm tăng nguy cơ nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori. Tất cả những điều này đều là điều kiện cho sự hình thành ung thư dạ dày.

Đồ ngọt

Đồ ngọt khi được sử dụng với mức độ vừa phải và đưa vào cơ thể với lượng đường ở mức cho phép thì rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, nếu đi theo chiều hướng ngược lại tức là dung nạp quá nhiều đường trong thời gian dài sẽ có những tác động xấu cho thể trạng. Nhất là dễ mắc các bệnh về rối loạn chuyển hóa, ung thư hệ tiêu hóa, nhất là ung thư gan, ung thư tuyến tụy, ung thư trực tràng hay ung thư dạ dày…

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí dinh dưỡng hàng đầu "Tạp chí Dinh dưỡng lâm sàng Hoa Kỳ" cho thấy lượng đường tiêu thụ có liên quan trực tiếp đến nguy cơ ung thư tổng thể.

Nghiên cứu được thực hiện trên 100.000 người tham gia và mất khoảng 5,9 năm theo dõi. Các chuyên gia của nghiên cứu chỉ ra rằng nguyên nhân chính khiến đồ ngọt làm tăng tỷ lệ mắc bệnh ung thư là do ăn quá nhiều đồ ngọt khiến bạn béo lên, và người béo dễ bị ung thư hơn.

Nghiên cứu khác tại Viện Karolinska (Thụy Điển) trên 80.000 người khỏe mạnh trong 8 năm cũng chỉ ra dùng nhiều đồ ngọt làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tụy. Cụ thể, những người dùng đồ uống có gas hoặc siro có nguy cơ bị ung thư tụy cao hơn những người không bao giờ uống khoảng 90%. Nguy cơ mắc bệnh ở những người cho thêm đường vào thực phẩm hoặc đồ uống ít nhất 5 lần/ngày cao hơn 70% so với những người ít khi làm như vậy.

Đồ ngọt cũng có thể trở thành nguyên nhân gây ung thư tử cung, buồng trứng ở nữ giới. Giống như với ung thư tuyến tụy, nguyên nhân là ăn nhiều đường làm tăng lượng insulin trong cơ thể.

Thức ăn nóng

Từ năm 2016, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) đã đưa đồ uống quá nóng có nhiệt độ vượt quá 65 độ C vào danh sách các chất gây ung thư loại 2A.

Ăn đồ nóng lâu ngày, bộ phận dễ bị tổn thương nhất là thực quản. Các món nóng kích thích niêm mạc thực quản dễ gây tăng sản biểu mô khu trú hoặc lan tỏa ở thực quản. Đây là tổn thương tiền ung thư của ung thư thực quản và có nguy cơ biến chứng thành ung thư thực quản rất cao. Ăn thực phẩm quá nóng thường xuyên cũng làm tăng nguy cơ tổn thương và ung thư dạ dày.

Lý do là miệng và thực quản của chúng ta được bao phủ bởi các màng nhầy mỏng manh và dễ vỡ, nhạy cảm với nhiệt độ. Nhiệt độ ăn uống thích hợp nhất là 10 - 40 độ C, nhiệt độ có thể chịu được chỉ là 50 - 60 độ C, ở nhiệt độ 65 độ C trở lên sẽ gây bỏng, tổn thương, tạo điều kiện viêm nhiễm và tăng nguy cơ ung thư.

Cách đơn giản để không làm tổn thương thực quản là luôn kiểm soát đồ uống khi pha chế, chờ nó bớt nóng hoặc dùng 1 chiếc thìa và mím chặt môi để thử đồ ăn hay thức uống nóng. Bạn hãy chắc chắn rằng nó không đủ nóng để làm bỏng môi của bạn trước khi lưỡi và cổ họng tiếp xúc với chúng.

Thực phẩm bị mốc

Vì tiết kiệm hoặc thiếu hiểu biết, rất nhiều người thường xuyên ăn các loại thực phẩm bị mốc. Nhưng ngay từ năm 1993, Tổ chức Y tế Thế giới đã xếp aflatoxin vào loại chất gây ung thư loại 1. Khả năng gây ung thư của nó rất mạnh, gấp 70 lần so với dimethylnitrosamine.

Đây là một chất có độc tính cao do các loại nấm mốc như Aspergillus flavus và Aspergillus parasiticus sinh ra. Nó có độc tính gấp 68 lần asen, chỉ 1mg aflatoxin cũng có thể gây ung thư.

Chất độc này sẽ ngấm vào toàn bộ thực phẩm khi bị nấm mốc và không thể loại bỏ hoàn toàn ngay cả khi cắt bỏ phần mốc hay nấu chín. Bởi vì ngưỡng chịu nhiệt của aflatoxin lên tới trên 280 độ C. Nghĩa là kể cả khi ăn chín, uống sôi thì vẫn không thể tránh được độc tố này. Vì vậy, cách tốt nhất là bạn nên vứt bỏ thay vì cố tận dụng những thực phẩm đã bị dập nát, thối hỏng hay nấm mốc.

Nguồn: Kknews, Eat This

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại