Nước ép lựu
Một số loại nước ép hoa quả nhiều đường không phải đồ uống lý tưởng cho người đang muốn kiểm soát đường huyết nhưng nước ép lựu có thể là một ngoại lệ. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Current Developments in Nutrition cho thấy nước ép lựu có thể điều chỉnh quá trình chuyển hóa glucose, hỗ trợ kiểm soát đường huyết sau khi ăn.
Lựu có chỉ số đường huyết GI 35 thấp, giàu chất chống oxy hóa và chất chống viêm có lợi cho người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Theo một nghiên cứu được công bố trên BMC Nutrition, kết hợp uống nước ép lựu với tập các bài vận động tăng nhịp tim như đi bộ, chạy bộ,... giúp giảm nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2 ở nam giới.
Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ liệt kê việc ăn lựu là một trong những biện pháp tự nhiên ngăn ngừa ung thư tuyến tiền liệt. Các thành phần trong quả lựu cũng được chứng minh ngăn ngừa ung thư vú, ung thư phổi và da.
Trà hoa cúc
Trà cúc dù không cho đường hay mật ong vẫn có vị ngọt nhẹ tự nhiên từ thảo mộc, dễ dàng tìm mua mà vẫn có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Đặc tính chống viêm của trà hoa cúc có thể ngăn ngừa tổn thương các tế bào tuyến tụy, nơi sản xuất insulin - loại hormone có tác dụng chuyển hóa chất carbohydrate trong cơ thể. Trà hoa cúc cũng có liên quan đến việc cải thiện độ nhạy insulin và quản lý glucose, đồng thời có thể giúp giảm căng thẳng oxy hóa trong cơ thể.
Một nghiên cứu ở bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường cho thấy những người uống trà cúc trong bữa ăn liên tục 8 tuần có lượng đường trong máu trung bình thấp hơn đáng kể so với nhóm không uống. Đặc tính chống oxy hóa của loại nước này có thể giúp ngăn ngừa các biến chứng sức khỏe liên quan đến bệnh tiểu đường như giảm thị lực, bệnh tim và bệnh thận mãn tính.
Trà hoa cúc cũng có thể ngăn ngừa một số loại ung thư nhờ đặc tính chống oxy hóa như ung thư vú, ung thư da, ung thư tuyến tiền liệt và ung thư tử cung. Ngoài ra kết quả xét nghiệm trong phòng thí nghiệm cho thấy hợp chất trong hoa cúc có thể ngăn ngừa sự phát triển của ung thư gan và bệnh bạch cầu.
Nước ép củ cải đường
Nước ép củ cải đường có vị ngọt dịu nhẹ, mát và khá lành tính. Một nghiên cứu năm 2014 cho thấy uống 225 ml nước ép củ cải đường sẽ làm giảm đáng kể mức đường huyết sau bữa ăn, duy trì lượng đường trong máu thấp hơn sau khi ăn và giảm tình trạng kháng insulin ở người béo phì.
Củ cải đường chứa hàm lượng chất chống oxy hóa cao mà các nghiên cứu cho thấy tác dụng làm giảm nguy cơ mắc một số ung thư. Sắc tố màu đỏ trong củ cải đường đến từ các hợp chất gọi là betalain - một chất chống oxy hóa được chứng minh có tác dụng bảo vệ tim mạch và ngăn ngừa sự phát triển và tăng trưởng của ung thư ở cấp độ tế bào.
Nước dừa
Nước dừa có hàm lượng đường thấp, chỉ số đường huyết thấp thích hợp cho người khỏe mạnh lẫn người mắc tiểu đường, không làm đường huyết tăng cao sau khi uống. Nước dừa giúp kiểm soát lượng đường trong máu nhờ hàm lượng kali, mangan, magie, vitamin C, L - arginine cao. Nghiên cứu được công bố trên Journal of Medicinal Food cho thấy nước dừa có thể cải thiện triệu chứng của bệnh tiểu đường.
Loại nước này tăng tốc độ trao đổi chất, kiểm soát sự thèm ăn để tránh việc nạp quá nhiều đồ ăn hại sức khỏe vào cơ thể. Nước dừa còn có tác dụng cải thiện lưu thông máu, phòng các vấn đề xảy ra do tuần hoàn máu kém ở người mắc bệnh tiểu đường như suy giảm thị lực, chuột rút cơ bắp và suy thận. Với loại nước này, chỉ nên uống tối đa 480ml/ngày để tránh các tác dụng phụ liên quan đến đường huyết.
Theo Healthline, Eatingwell