4 'cần' để đảm bảo an toàn khi mưa lũ
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục y tế dự phòng, cho hay trong và sau mưa bão, lũ lụt, vô số các vi sinh vật, bụi, rác, chất thải… theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ nhiều dịch bệnh. Một số bệnh cần phải đặc biết quan tâm là bệnh đường tiêu hóa, đau mắt đỏ, cúm, sốt xuất huyết, sốt rét, bệnh ngoài da.
Trong trường hợp ngập lụt kéo dài, người dân cần:
- Đảm bảo uống nước an toàn. Ngập lụt kéo dài sẽ có nguy cơ thiếu nước sạch. Việc dùng nước an toàn sẽ tránh được nguy cơ các bệnh về đường tiêu hóa và bệnh khác.
- Nấu chín thực phẩm, xử lý rác thải của thực phẩm một cách hợp lý. Loại bỏ các thực phẩm hư hại vì nước lũ.
- Đảm bảo vệ sinh tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Làm sạch, loại bỏ nước tù đọng ở các khu vực xung quanh nhà, loại bỏ những nơi muỗi sinh sản.
Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, người dân cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất.
1 'tránh' để đảm bảo an toàn khi mưa lũ
Theo Bộ Y tế, nếu bạn đang sinh sống tại khu vực có ngập nước, cần lưu ý tránh 1 điều sau:
- Tránh đi bộ hoặc lái xe qua các khu vực ngập nước. Vì xe có thể bị hỏng hoặc bị nước cuốn trôi, đường điện có thể đứt rơi xuống gây giật điện.
Điều cần làm khi nước rút
Khi lũ đã rút, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần phải làm sạch tất cả vật dụng bị dính nước ngập; vứt bỏ các vật dụng không thể làm sạch; cọ sạch trần - sàn nhà và các bề mặt bằng nước và xà phòng.
Đặc biệt, người dân cần cẩn thận với các loài sinh vật và động vật còn trú ngụ trong nhà, ví dụ như rắn. Thời gian gần đây, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp bị rắn cắn tại nhà sao bão lũ. Cụ thể, đêm 07/09 rạng sáng 08/09 khi bão Yagi đổ bộ vào các tỉnh phía Bắc, Trung tâm Chống độc đã tiếp nhận và điều trị cho 9 bệnh nhân bị rắn độc và các động vật gây độc khác cắn, chiếm phần lớn các ca nhập viện.