Hiện nay, các sản phẩm được gắn mác “tế bào gốc” với công dụng là “thần dược” trị ung thư hoặc tái tạo da, mờ nám, đẩy sẹo, chống lão hóa đang được quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội hoặc ở các thẩm mỹ viện, spa. Vậy tế bào gốc có thật sự giúp “trị bách bệnh”, “cải lão hoàn đồng” như những lời quảng cáo “có cánh” trên mạng không? Các nội dung này đã được PGS.TS.BS Phạm Xuân Đà, nghiên cứu sau tiến sĩ tại Hàn Quốc về Y học tái tạo (Tế bào gốc) giải đáp trong chương trình 360 độ Khỏe Đẹp với chủ đề “Hiểm hoạ tàn khốc khi sử dụng TẾ BÀO GỐC vô tội vạ”.
Tế bào gốc là gì?
PGS.TS.BS Phạm Xuân Đà cho biết cơ thể con người được sinh ra từ một tế bào gốc đầu tiên. Tế bào gốc này nhân lên với số lượng lớn, sau đó biệt hóa và phát triển thành các cơ quan khác nhau trong cơ thể con người.
PGS Đà giải thích: “Tế bào gốc không chỉ có khả năng sinh sản như tế bào bình thường mà nó còn có thể biệt hóa thành tế bào khác để trở thành các cơ quan trong cơ thể. Tế bào gốc ban đầu không có chức năng và chỉ khi tế bào gốc biệt hóa thành tế bào đích, nó mới mang chức năng”.
“Khi trưởng thành, cơ thể chúng ta vẫn tồn tại tế bào gốc, phục vụ cho quá trình tái tạo tế bào mới thay thế cho các tế bào đã chết của cơ thể. Tuy nhiên, lượng tế bào gốc sẽ giảm dần theo tuổi tác hoặc khi mắc các bệnh lý”, PGS Đà nói.
PGS.TS.BS Phạm Xuân Đà.
PGS.TS.BS Phạm Xuân Đà cho biết các loại tế bào gốc có thể kể đến là tế bào gốc từ phôi, tế bào gốc bào thai, tế bào gốc trưởng thành (tế bào gốc trung mô). Các tế bào gốc được sử dụng để trị liệu là tế bào gốc trưởng thành, được lấy từ màng cuống rốn hoặc từ cơ thể của chúng ta.
Tế bào gốc trung mô tiếp tục được chia thành 2 loại là tế bào gốc nuôi cấy và tế bào gốc tự thân tươi. Tế bào gốc nuôi cấy có thể gia tăng số lượng, giúp tăng hiệu quả trị liệu nhưng bắt buộc phải sử dụng đúng chỉ định. Ngược lại, tế bào gốc tự thân tươi không thể nhân số lượng.
Hiểm họa khi sử dụng tế bào gốc vô tội vạ
PGS Đà khẳng định: “Hiện nay, chưa có quốc gia nào cho phép sử dụng tế bào gốc nuôi cấy để trị liệu thương mại, ngoài Nhật Bản”.
Chia sẻ thêm về nguy cơ khi sử dụng tế bào gốc, PGS Đà nói: “Khi sử dụng tế bào gốc nuôi cấy, chúng ta phải cưỡng bức tế bào phân chia nhanh. Điều này có thể gây ra đột biến (tế bào lạ - 1 dạng của tế bào ung thư), gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ”.
Ngoài ra, khi tế bào bị buộc phân chia nhanh, tỉ lệ tế bào sống sót sẽ tương đối thấp, khi truyền vào cơ thể chỉ còn là xác của tế bào.
Một nguy cơ khác là quá trình nuôi cấy nhanh sẽ làm mất chức năng của tế bào, khiến vòng đời của tế bào ngắn lại.
Cuối cùng, việc sử dụng tế bào gốc cũng là gia tăng nguy cơ lây nhiễm. Do đó, tế bào gốc không thực sự “thần thánh” như các quảng cáo đang tràn lan trên mạng.
Sử dụng tế bào gốc nuôi cấy cần phải cưỡng bức tế bào phân chia nhanh, có thể gây ra đột biến (tế bào lạ - 1 dạng của tế bào ung thư).
Những ngộ nhận về tế bào gốc
PGS Đà cho biết hiện nay, trên thị trường cũng đang xuất hiện tình trạng lạm dùng từ “tế bào gốc”, đặc biệt là trong ngành thẩm mỹ. Thứ được mọi người gọi là “tế bào gốc” thực chất là Exosome (túi ngoại bào) là dịch tiết từ các loại tế bào sống, lưu hành trong dịch cơ thể như máu, nước tiểu, nước bọt,.... Chuyên gia khẳng định exosome không phải là tế bào gốc.
Lưu ý khi sử dụng tế bào gốc
Ứng dụng tế bào gốc tại Việt Nam khá đa dạng, bao gồm ghép tế bào gốc tạo máu (ghép tủy) hoặc ghép tế bào gốc mô mỡ tự thân để điều trị thoái hóa khớp gối, phổi tắc nghẽn mạn tính, đái tháo đường, bại não,... Tuy nhiên, PGS Đà khuyến cáo khi dùng tế bào gốc, mọi người cần phải có chỉ định của bác sĩ; chỉ dùng các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và được cấp phép. Đặc biệt, mọi người cần phân biệt giữa tế bào gốc và sản phẩm trung gian từ công nghệ tế bào gốc.