33 triệu người có nguy cơ ung thư vì thủ phạm này

Khánh Ngọc |

Mỗi năm, thuốc lá cướp đi sinh mạng của gần 6 triệu người trên thế giới. Ở Việt Nam, mỗi ngày có khoảng hơn 100 nghìn người chết vì thuốc lá…

Nguy cơ hút thuốc thụ động

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thuốc là là nguyên nhân chính gây ra các ca tử vong trên toàn thế giới và nó cũng là nguyên nhân hàng đầu có thể ngăn ngừa cái chết.

Mỗi năm, thuốc lá cướp đi sinh mạng của gần 6 triệu người, trong đó có hơn 5 triệu người đang và đã từng hút thuốc, và hơn 600 nghìn người không hút thuốc nhưng bị tiếp xúc thụ động với khói thuốc của người khác. Số người chết vì thuốc lá nhiều hơn tổng số người chết vì HIV⁄AIDS, lao phổi và sốt rét cộng lại.

Thống kê cho thấy, trong thế kỷ 20, thuốc lá đã giết chết 100 triệu người, và WHO cũng cảnh báo, nếu không thực hiện ngay những biện pháp kiểm soát thuốc lá hiệu quả, thì số người chết hàng năm do thuốc lá có thể tăng lên hơn 8 triệu vào năm 2030, và thế kỷ 21 số người chết vì thuốc lá sẽ có thể lên tới 1 tỷ người.

Trên thế giới có 1,3 tỷ người hút thuốc lá. Tại các nước phát triển, tỷ lệ hút thuốc lá đang giảm đi trong những thập kỷ qua ngược lại tại các nước đang phát triển việc sử dụng thuốc lá đang có xu hướng gia tăng.

Tại Việt Nam theo điều tra toàn cầu năm 2010 về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành trên 15 tuổi thì Việt Nam là 1 trong 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới.

Tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới trưởng thành là 47,4 %. Trong giới trẻ, độ tuổi từ 15 – 24 tuổi tỷ lệ hút thuốc lá là 26,1 % và nữ giới là 0,3 %.

Điều tra toàn cầu về tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh từ 13 – 15 tuổi năm 2014 cho thấy 47,7 % học sinh phơi nhiễm với khói thuốc lá tại nhà. 66,5 % học sinh phơi nhiễm với thuốc lá tại những nơi công cộng trong nhà.

Việt Nam có khoảng 33 triệu người không hút thuốc lá thường xuyên phải hít khói thuốc tại nhà và hơn 5 triệu người trưởng thành không hút thuốc lá thường xuyên phải hít thuốc lá nơi làm việc. Nguy cơ họ bị các bệnh ung thư phổi, tắc nghẽn phổi từ hút thuốc thụ động rất lớn.

Trong học sinh độ tuổi từ 13 – 15 tuổi có khoảng 60 % học sinh hút thuốc lá tại nhà và khoảng 70 % hút thuốc lá thụ động tại nơi công cộng.

Chính vì thế, việc xây dựng môi trường không khói thuốc trở nên bức thiết hơn lúc nào hết.

"Đã có bằng chứng rõ ràng không có ngưỡng an toàn cho việc phơi nhiễm khói thuốc lá thụ động, rất nhiều quốc gia và thành phố trên thế giới đã bắt tay hành động.

Tôi kêu gọi tất cả các quốc gia còn lại hãy tiến hành ngay các biện pháp để thông qua luật yêu cầu phải thực hiện cấm hút thuốc ở tất cả các khu vực công cộng và nơi làm việc trong nhà để đảm bảo sức khỏe cho người dân - Tiến sĩ Margaret Chan - Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới đã nói như thế vào ngày 29/5/2007.

Và đến năm 2013, Luật phòng chống tác hại thuốc lá của Việt Nam mới được thực thi. Việc xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc trở thành bức thiết hơn lúc nào hết.

Ý nghĩ của môi trường làm việc không khói thuốc

Ý nghĩa này đã cụ thể hóa dưới 6 ý nghĩa sau:

Thứ nhất: Môi trường làm việc không khói thuốc lá giúp giảm nguy cơ bệnh tật và tử vong do tiếp xúc thụ động với khói thuốc của người lao động, qua đó giúp giảm các chi phí y tế trực tiếp và gián tiếp của người lao động và người sử dụng lao động cho việc khám chữa bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá.

Thứ hai: Môi trường làm việc không khói thuốc lá sẽ giúp cho người không hút thuốc giảm được nguy cơ tiếp xúc thụ động với khói thuốc, vì vậy sẽ giảm được nguy cơ bệnh tật và tử vong có liên quan đến sử dụng thuốc lá.

Điều này đồng nghĩa với việc giúp họ tiết kiệm được chi phí khám chữa bệnh và giảm số ngày nghỉ ốm do các căn bệnh liên quan đến khói thuốc lá.

Thứ ba: Môi trường làm việc không khói thuốc là một biện pháp hữu hiệu để thực hiện quyền của người không hút thuốc được hít bầu không khí trong lành không có khói thuốc lá.

Thứ tư: Môi trường làm việc không khói thuốc lá sẽ giúp những người nghiện thuốc lá có thêm quyết tâm để bỏ thuốc hoặc giảm mức độ hút thuốc lá. Chỉ tiêu cho thuốc lá sẽ dành cho các chi tiêu có lợi hơn như thực phẩm, học tập, chăm sóc sức khỏe, nâng cao đời sống văn hóa.

Thứ năm: Môi trường làm việc không khói thuốc lá sẽ hạn chế được các nguy cơ cháy nổ do việc hút thuốc lá, tàn thuốc... giảm bớt được những chi phí cho vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ.

Thứ sáu: Môi trường làm việc không khói thuốc góp phần tạo ra nếp sống văn minh, lịch sự cho cán bộ, công chức, viên chức, nêu cao tinh thần giữ gìn sức khỏe, duy trì cuộc sống lành mạnh không khói thuốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại