Theo Đông y táo bón là do khí hư, huyết hư, nhiệt tà tích tụ ở đại trường; do âm hư sinh nội nhiệt; hoặc do ăn uống không hợp lý gây nên.
PGS.TS. Trịnh Thị Diệu Thường – Trưởng khoa Y học cổ truyền Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, sau mắc COVID-19, người bệnh có thể gặp chứng táo bón hậu COVID-19, có thể sử dụng 3 vị thuốc sau để khắc phục. Đó là mật ong, chuối, hỏa ma nhân (vừng đen, mè đen).
1. Mật ong chữa táo bón hậu COVID-19
Mật ong có vị ngọt, tính bình; vào kinh tâm, tỳ, vị và đại trường (ruột già).
Công năng chủ trị: Bổ trung, nhuận phế, hoạt tràng, thông tiện, giải độc; dùng cho các trường hợp viêm khô khí phế quản, ho khan, ít đờm, táo bón, đau do loét dạ dày tá tràng, tắc ngạt mũi, trĩ mũi, viêm loét miệng.
Để nhuận tràng thông tiện nên dùng mật ong sống.
Mật ong có tính hoạt tràng.
Liều dùng: 12g đến 60g.
Cách sử dụng mật ong để hoạt trường, thông tiện: Mật ong 2 thìa canh, chiêu với nước đun sôi, uống ngày 1 lần.
Kiêng kỵ: Người tỳ vị thấp nhiệt, tức ngực khó chịu không nên dùng. Trẻ dưới 1 tuổi không nên dùng mật ong vì có thể bị ngộ độc bởi vi khuẩn Clostridium botulinum có thể có trong mật ong.
Một số người nhạy cảm hoặc dị ứng với các thành phần cụ thể trong mật ong, đặc biệt là phấn ong cũng không nên sử dụng mật ong.
Cần hạn chế sử dụng một lượng lớn mật ong ở bệnh nhân đái tháo đường vì nó có thể làm tăng lượng đường trong máu ở người bệnh.
2. Chuối
Chuối là một loại quả thơm ngon và bổ dưỡng. Theo Đông y quả chuối tiêu vị ngọt, tính mát, có công năng tư âm, nhuận tràng, nhuận phế, thanh nhiệt, giải độc; dùng cho các trường hợp đại tiện táo, sốt nóng khát nước, mụn nhọt, xuất huyết, tăng huyết áp, bệnh mạch vành, an thai; chữa đại tiện táo, đại tiện xuất huyết...
Chuối vị ngọt, tính mát, nhuận tràng.
Người đại tiện táo bón, hàng ngày trước khi đi ngủ nên ăn 1-2 quả chuối tiêu sẽ có tác dụng làm nhuận tràng.
Hoặc dùng bài: Chuối tiêu chín 3-4 quả, để cả vỏ luộc chín, ăn cái uống nước, chia ăn trong ngày.
Lưu ý: Chuối là trái nhiều chất bột, chất đạm. Người tỳ vị yếu bụng đang bị khó tiêu, hoặc bị đái tháo đường không nên dùng nhiều.
3. Hỏa ma nhân (vừng đen, mè đen)
Theo Đông y, vừng đen tính bình (có sách ghi hàn), vị ngọt; lợi về kinh phế tỳ can thận, nhuận táo 5 tạng, hoạt tràng, lương huyết giải độc, trừ gió độc; dùng chữa các chứng bệnh can thận bất túc, bệnh mạn tính suy nhược thần kinh và suy nhược cơ thể, thiếu máu, thiếu sữa, râu tóc bạc sớm, da vàng khô, tăng huyết áp, táo bón, trừ phong tê thấp, kiện não, ích trí là thức ăn tốt cho người già, phụ nữ, trẻ em.
Vừng đen có tác dụng hoạt tràng, chống táo bón.
Bài thuốc có vừng đen chữa nhức đầu, hoa mắt, tóc bạc sớm, đại tiện táo kết: Vừng đen 15g, hà thủ ô 15g, câu kỷ tử 15g, cúc hoa 9g.
Sắc uống ngày 1 thang, chia 2-3 lần. Uống khi thuốc còn ấm.
Ngoài ra, để hạn chế chứng táo bón, người bệnh nên chú ý uống nhiều nước trong ngày. Chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng, có đủ 4 nhóm thực phẩm thiết yếu, giàu chất xơ ; năng vận động, tập thể dục hàng ngày giúp quá trình tiêu hóa dễ dàng... Từ đó giảm và ngăn ngừa tình trạng táo bón hậu COVID-19.