Những món ăn đơn giản nhưng ngon miệng như rau muống luộc dầm sấu, rau muống xào tỏi... được nhiều người Việt thích thú
Rau muống là thứ rau không thể thiếu vào mùa hè. Những món ăn đơn giản nhưng ngon miệng như rau muống luộc dầm sấu, rau muống xào tỏi... được nhiều người Việt thích thú. Nhưng không chỉ là rau ăn bình thường, rau muống còn là thực phẩm bổ máu, tăng sinh collagen.
Theo lương y Vũ Quốc Trung (Phòng Chẩn trị Y học cổ truyền Việt Nam, Hội Đông y Việt Nam), rau muống chứa hàm lượng sắt dồi dào. Rau muống còn chứa cả 2 loại vitamin giúp tăng sinh collagen. Đó là vitamin C và vitamin A. Vitamin C thúc đẩy tổng hợp collagen cho da. Vitamin A khi đi vào cơ thể sẽ được gan chuyển thành retinol giúp da căng mịn, phòng chống lão hóa.
Mặc dù vậy không phải cứ ăn nhiều rau muống là tốt. Trong một số trường hợp, rau muống sẽ phản tác dụng, khiến cơ thể gặp họa. Các chuyên gia lưu ý, khi ăn rau muống, bạn cần tránh những thói quen sau:
3 thói quen cần tránh khi ăn rau muống
1. Ăn rau muống sống, tái
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm (nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia), rau muống thường được nuôi trồng ở những khu vực ao hồ nên có nguy cơ nhiễm nhiều loại ký sinh trùng. Nếu đem về rửa không kỹ rồi nhanh chóng chế biến và ăn loại rau này, người ăn có nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm, cơ thể mệt mỏi, suy giảm miễn dịch.
Rau muống thường được nuôi trồng ở những khu vực ao hồ nên có nguy cơ nhiễm nhiều loại ký sinh trùng.
Chưa kể, ăn rau muống dạng sống hay tái như ăn lẩu thì vẫn có nguy cơ giun sán làm tổ trong người. Chị em cần hết sức cẩn trọng ở khâu lựa chọn rau đảm bảo, chế biến và bảo quản rau muống đúng cách.
Bên cạnh nguy cơ nhiễm ký sinh trùng, rau muống còn dễ bị phun thuốc kích thích để rau nhanh cho thu hoạch. Đây là hành động của một số người bán hàng vì lợi ích bản thân. Nếu ăn phải loại rau này, người ăn cũng dễ dàng bị ngộ độc, ốm yếu nên cần chú ý những khâu lựa chọn, chế biến...
2. Ăn rau muống khi có vết thương hở
DS Khuê Vũ (làm việc tại Hà Nội) cho biết, khi có vết thương hở, bạn ăn rau muống sẽ dễ hình thành sẹo xấu sau khi vết thương lành hẳn. Nhất là những người có cơ địa sẹo lồi. Rau muống có chứa chất Madecassol, thúc đẩy quá trình phát triển xơ. Người có cơ địa sẹo lồi ăn rau muống trong thời gian có vết thương hở do đó dễ bị sẹo thiếu thẩm mỹ.
Khi có vết thương hở, bạn ăn rau muống sẽ dễ hình thành sẹo xấu sau khi vết thương lành hẳn.
Đó là chưa kể ăn rau muống còn khiến tình trạng da non mọc lên gây ngứa nhiều hơn bình thường.
Vì thế, mọi người không muốn bề mặt da gồ ghề, trông mất thẩm mỹ cần hết sức chú ý chế độ ăn. Tốt nhất nên loại bỏ rau muống ra khỏi các bữa ăn của mình trong thời điểm này. Chị em phụ nữ, nhất là người có vết thương trên mặt càng không được chủ quan, tránh hậu quả đáng tiếc.
3. Ăn rau muống tùy tiện khi đang mắc một số bệnh
Theo lương y Vũ Quốc Trung, người bị viêm đau, nhức khớp, bệnh gout (thống phong) và các viêm nhiễm đường tiết niệu thận do sỏi, huyết áp cao không nên ăn rau muống một cách tùy tiện. Ngoài ra, những người đang điều trị bệnh nội khoa, ngoại khoa nào đó cũng không nên ăn rau muống.
Người bị viêm đau, nhức khớp, bệnh gout (thống phong) và các viêm nhiễm đường tiết niệu thận do sỏi, huyết áp cao không nên ăn rau muống một cách tùy tiện.
Nguyên nhân bởi ăn rau muống sẽ khiến tình trạng bệnh thêm nặng hơn. Các cơn đau dai dẳng, khó chịu hơn. Tốt nhất, bạn nên kiêng ăn để chữa trị hiệu quả những chứng bệnh này.
3 lưu ý quan trọng khi ăn rau muống
- Theo chuyên gia, để lựa chọn rau muống ngon cần chú ý không lựa chọn rau muống có màu xanh đậm bất thường, cọng và lá to, khi bẻ, rau có độ giòn hơn bình thường. Nên chọn rau có thân nhỏ, lá nhỏ, màu xanh bình thường.
- Trước khi chế biến cần rửa rau qua nhiều nước.
- Khi ăn rau muống nên đảm bảo rau được nấu chín, tránh ăn sống hoặc tái.