3 người trong một gia đình mắc đái tháo đường: Bác sĩ cảnh báo biến chứng

Ngọc Minh |

Theo TS. BS Lâm Mỹ Hạnh, Phó khoa Đái tháo đường, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, việc cả gia đình mắc đái tháo đường tuýp 2 có thể xảy ra.

Lý giải về nguyên nhân cả gia đình có thể cùng mắc đái tháo đường tuýp 2, bác sĩ Hạnh cho hay do bệnh đái tháo đường tuýp 2 có sự tương tác giữa yếu tố gen và yếu tố môi trường như lối sống, chế độ ăn uống, sinh hoạt….

Trong quá trình thăm khám, bác sĩ Hạnh đã từng gặp gia đình có 4 người (bố mẹ, 2 con gái) thì 3 người mắc đái tháo đường tuýp 2. Bố, mẹ trong gia đình này đều mắc đái tháo đường tuýp 2 nhưng đã kiểm soát bệnh tốt. Con gái út trong gia đình phát hiện đái tháo đường khi đang mang thai và phải tiêm insulin. Sau khi sinh con xong, chị không cần dùng insulin nữa, nhưng vẫn tái khám theo hẹn của bác sĩ và được làm nghiệm pháp dung nạp glucose thì phát hiện mắc đái tháo đường tuýp 2. Tuy nhiên, thể của bệnh nhân nhẹ, không có yếu tố nguy cơ: thừa cân, tăng huyết áp, mỡ máu... nên bệnh nhân chỉ phải theo dõi chưa cần dùng thuốc.

Gia đình còn một người con gái nhưng không bị mắc bệnh. Tuy nhiên, theo bác sĩ Hạnh, người phụ nữ này vẫn có nguy cơ do liên quan tới yếu tố gia đình.

Nhiều bệnh nhân đái tháo đường phát hiện bệnh sớm khi đường máu không cao nhiều. Chính vì thế, họ thường không có triệu chứng của bệnh và chỉ tình cờ phát hiện khi xét nghiệm máu. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân phát hiện muộn hơn, khi đường máu tăng quá cao và gây ra các triệu chứng như khát nước, tiểu nhiều hoặc gầy, sút cân. Nhiều bệnh nhân đến viện vì các biến chứng cấp tính. Theo ước tính, khi bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 được phát hiện bệnh thì có thể bệnh đã diễn tiến âm thầm được khoảng 5 năm trước đó.

3 người trong một gia đình mắc đái tháo đường: Bác sĩ cảnh báo biến chứng- Ảnh 1.

TS. BS Lâm Mỹ Hạnh chia sẻ về nguy cơ đái tháo đường (Ảnh: N.M)

Người bệnh tiểu đường lâu năm, kiểm soát đường huyết không tốt, bỏ điều trị sẽ dễ bị biến chứng cấp tính như hôn mê, tăng áp lực thẩm thấu hoặc biến chứng mạn tính như tim mạch, thận, mắt, thần kinh…. đe dọa tới tính mạng.

Tình trạng đường huyết cao, suy giảm miễn dịch, tổn thương mạch máu, thần kinh là yếu tố thuận lợi làm người bệnh đái tháo đường dễ mắc các bệnh nhiễm trùng, thậm chí tiến triển nặng dẫn đến sốc nhiễm trùng, suy đa tạng...

Theo bác sĩ Hạnh, kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó, người bệnh phải uống thuốc đúng giờ, đúng loại, đúng liều. Bên cạnh đó, cần phải thay đổi chế độ ăn giảm thực phẩm nhiều chất béo bão hoà và ăn tăng cường rau xanh.

Ngoài ra, cần tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày và giữ lối sống, sinh hoạt lành mạnh, bỏ thuốc lá, rượu bia, không thức khuya.

Bệnh nhân đái tháo đường cần phải tái khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ.

Biến chứng thận, thần kinh, mắt của đái tháo đường

Bác sĩ Hạnh cho biết một trong các biến chứng gây tử vong nhiều nhất ở bệnh nhân đái tháo đường là biến chứng tim mạch, chẳng hạn như bệnh động mạch vành (có thể gây nhồi máu cơ tim), bệnh mạch máu não (có thể gây đột quỵ)…. Ngoài ra, huyết áp cao, mỡ máu tăng cao, kiểm soát đường huyết kém và nhiều yếu tố nguy cơ khác cộng gộp làm tăng nguy cơ biến chứng tim mạch.

Một biến chứng khác thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường là biến chứng về thận. Đái tháo đường có thể gây tổn thương các mạch máu nhỏ ở cầu thận dẫn đến suy thận. Bệnh nhân đái tháo đường nếu không được phát hiện và điều trị, theo dõi đúng cách có thể gặp biến chứng suy thận mạn, phải chạy thận nhân tạo.

Ngoài ra, bệnh nhân đái tháo đường lâu năm có thể gặp các biến chứng thần kinh tự động, biến chứng thần kinh ngoại vi…. thường biểu hiện dưới dạng các bất thường về tiêu hóa, sinh dục (rối loạn cương dương…), dị cảm và mất cảm giác ở đầu ngón chân, tay. Rất nhiều bệnh nhân đái tháo đường bị giảm hoặc mất cảm giác ở bàn chân, dẫn đến không nhận biết được các vết thương ở giai đoạn sớm, khiến vết thương lan rộng, gây nhiễm trùng, hoại tử ngọn chi và phải tháo khớp, cắt cụt chi.

Biến chứng về mắt cũng thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường. Mức đường huyết tăng cao liên tục không được kiểm soát hiệu quả là nguyên nhân chính gây ra biến chứng võng mạc.

Đối với những phụ nữ mắc đái tháo đường trong thời kỳ mang thai, nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách có nguy cơ mắc một số biến chứng như: tiền sản giật, sản giật, thai chậm phát triển trong tử cung, sinh non và tăng tỷ lệ tử vong của trẻ sau khi được sinh ra…



Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại