Cuộc xung đột kéo dài hơn 1 năm qua đã gây tổn thất nghiêm trọng về nhân lực và vật lực cho cả Nga lẫn Ukraine, khiến 2 bên phải chuyển sang sử dụng những loại vũ khí và phương tiện có tuổi đời nhiều thập kỷ.
Quân đội Nga được cho là đã đưa ra tiền tuyến nhiều thiết bị được sản xuất từ những năm 1960, như xe tăng T-62 hay xe bọc thép chở quân BTR-50.
Ngoài các phương tiện này, Nga còn có những khí tài quân sự thậm chí có tuổi đời lâu hơn trong kho dự trữ, chẳng hạn như xe tăng T-55, pháo phòng không tự hành ZSU-57-2 và pháo tự hành đổ bộ đường không ASU-85.
Nhiều chuyên gia quân sự cho rằng, trong thời gian tới, Nga có thể sửa chữa hoặc tân trang lại những vũ khí này và đưa vào chiến đấu trên chiến trường Ukraine.
Xe tăng T-55. Ảnh: Military Today.
Xe tăng T-55
T-55 là mẫu xe tăng chủ lực do Liên Xô phát triển từ dòng T-54 với khả năng bảo vệ kíp lái tốt hơn trước vũ khí hạt nhân, sinh học và hóa học. Xe có trọng lượng 36 tấn, cao khoảng 3,3 m, dài 2,4 m, có kíp lái 4 người, được trang bị pháo nòng rãnh D-10T 100 mm.
Xe có thể di chuyển với vận tốc tối đa 51 km/h, tầm hoạt động 325 km. Mẫu xe tăng này đã chính thức ngừng hoạt động vào năm 2010. Theo Military Balance, Nga hiện có khoảng 2.800 xe tăng T-55 trong kho dự trữ. Nhưng không phải tất cả các xe tăng trong số này đều sẵn sàng hoạt động. Quá trình tái trang bị xe T-55 dự kiến sẽ mất nhiều thời gian và công sức, tuy nhiên đã có một ứng cử viên đảm nhận nhiệm vụ này.
Trước đó, nhà máy sản xuất xe tăng Omsk đề xuất nâng cấp T-55 thành phiên bản hiện đại hóa T55M5. Phiên bản mới sẽ giữ nguyên pháo 100 mm, nhưng có hệ thống điều khiển hỏa lực mới, được trang bị giáp phản ứng nổ kiểu mô đun Relikt, sử dụng động cơ hiện đại hóa có công suất 690 mã lực thay vì động cơ 581 mã lực như phiên bản cũ và có khung gầm được gia cố.
Tuy vậy, quá trình hiện đại hóa hàng loạt xe tăng T-55 được cho là nhiệm vụ khá khó khăn với Nga vì đòi hỏi phải có những phụ tùng riêng dành cho loại xe tăng nâng cấp trong khi ngành công nghiệp quốc phòng Nga đang đối mặt với nhiều thách thức do ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt. Do đó, các chuyên gia cho rằng, việc tân trang lại T-55 có lẽ chỉ được thực hiện ở mức độ nhất định và những chiếc xe tăng được cải tiến sẽ không khác biệt đáng kể so với phiên bản đời đầu. Chúng sẽ được nâng cấp chủ yếu ở phần giáp bảo vệ, chẳng hạn như lắp đặt giáp phản ứng nổ Kontakt-5 hoặc Relikt.
Pháo phòng không tự hành ZSU-57-2
ZSU-57-2 là hệ thống pháo phòng không tự hành do Liên Xô thiết kế từ năm 1947. Hệ thống này được trang bị 2 khẩu pháo S-60 cỡ nòng 57mm với 300 viên đạn đặt trong tháp pháo kín kích thước khá lớn. Khung gầm của tổ hợp ZSU-57-2 chính là phiên bản rút gọn của xe tăng chiến đấu chủ lực T-54 với lớp giáp mỏng. Xe có trọng lượng hơn 28 tấn, dài 8,46m (tính cả nòng pháo), kíp chiến đấu 6 người.
Tuy nhiên, ZSU-57-2 có một số nhược điểm như tốc độ bắn chậm, thiếu radar, chỉ có chế độ ngắm bắn thủ công và hiệu quả chiến đấu không cao. Do đó, nó đã sớm bị thay thế bằng pháo ZSU-23-4 Shilka.
Nga chỉ còn một số ít tổ hợp pháo ZSU-57-2 trong kho dự trữ. Theo các chuyên gia, trong trường hợp cần thiết, Điện Kremlin có thể nhờ sự hỗ trợ của một số đối tác để bổ sung thêm nhiều hệ thống pháo này. Iran hiện có 80 hệ thống ZSU-57-2 đang hoạt động và Mozambique cũng có khoảng 20 hệ thống.
Pháo tự hành đổ bộ đường không ASU-85
Trong bối cảnh lực lượng đổ bộ đường không chịu nhiều tổn thất do giao tranh kéo dài, Nga có thể tính đến phương án khôi phục hệ thống pháo tự hành ASU-85. ASU-85 do cục thiết kế Astrov phát triển cho lực lượng đổ bộ đường không Liên Xô sử dụng thời kỳ chiến tranh Lạnh. Nó có thể được vận chuyển bằng máy bay vận tải quân sự.
Pháo tự hành ASU-85 nặng khoảng 15,5 tấn, được phát triển dựa trên khung gầm xe tăng lội nước PT-76. Xe được trang bị lớp giáp tối giản, sử dụng động cơ có công suất 210 mã lực, nên hạn chế đáng kể khả năng cơ động. Vũ khí chủ lực của ASU-85 là pháo D-70 cỡ nòng 85 mm có tầm bắn tối đa 10 km.
ASU-85 được sản xuất với số lượng khá nhỏ chỉ khoảng 500 chiếc và được trang bị cho quân đội Liên Xô vào năm 1958. Lựu pháo này đã ngừng hoạt động vào những năm 1980, nhưng Nga vẫn còn một số hệ thống trong kho dự trữ.
Mặc dù hệ thống này đã lỗi thời nhưng quân đội Nga được cho là khá ưa chuộng loại vũ khí có sự kết hợp giữa pháo nòng cỡ lớn và lớp giáp nhẹ.
Moscow đang có kế hoạch phát triển phiên bản xe tăng hạng nhẹ lội nước Sprut-SDM1 bánh lốp, có pháo cỡ nòng 125mm được bọc lớp giáp nhôm dễ dàng vận chuyển bằng đường hàng không. Với triển vọng của dự án này, Nga có thể sẽ bắt tay nâng cấp pháo tự hành ASU-85 sớm hơn.