Hiện trường vụ cháy quán karaoke số 68 Trần Thái Tông, Cầu Giấy, Hà Nội khiến 13 người tử vong năm 2018.
Liên tiếp các vụ ngạt khí do cháy xảy ra thời gian gần đây
Sự việc 3 chiến sĩ Cảnh sát phòng cháy chữa cháy hy sinh khi làm nhiệm vụ cứu người trong đám cháy, tại quán Karaoke (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) chiều 1/8 khiến không ít người xót xa.
Nguyên nhân ban đầu khiến 3 cảnh sát hy sinh là do khi tiếp cận vụ cháy, 3 cảnh sát đã đi lên tầng trên và bị sập cầu thang, bịt lối ra, hết dưỡng khí.
Trước đó, ngày 24/7 tại TP HCM cũng xảy ra một vụ cháy nhà khiến em N.Đ.V.P (10 tuổi) và N.Đ.C.B (1 tuổi) tử vong. Cụ thể, khi vụ cháy xảy ra, cậu bé 10 tuổi kéo được 4 đứa em ra lan can gác lửng và kêu mọi người cứu giúp, còn mình tiếp tục lao vào trong để cứu bé út. Đến khi ngọn lửa được khống chế, mọi người phá cửa vào bên trong thì phát hiện hai anh em bất tỉnh trong nhà vệ sinh với dấu hiệu bị ngạt khói.
Trao đổi với PV, PGS.TS Trần Hồng Côn, Khoa Hóa - Trường Đại học Khoa học Tự Nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho biết ngạt khí trong đám cháy có bản chất khác với ngạt khí CO trong các nhà máy hay khi ở dưới hầm, giếng.
Hiện trường vụ cháy quán Karaoke khiến 3 chiến sĩ Cảnh sát PCCC hy sinh ngày 1/8.
PGS Trần Hồng Côn phân tích ngạt khí do khói trong đám cháy, ngoài thiếu CO2, còn do sốc nhiệt, bỏng phổi, bỏng da,… Chính vì thế, ngạt khí ở mỗi đám cháy nguy hiểm hơn các vụ tai nạn ngạt khí do những nguyên nhân khác.
Ở trong các đám cháy, thành phần chính trong khói là CO, CO2, muội than và các chất hữu cơ chưa cháy hết. Đối với CO2, khi hít phải quá nhiều vào trong cơ thể dễ gây ra hiện tượng ngạt khí, dẫn đến hôn mê và có thể tử vong. Bên cạnh đó, chất khí CO tuy không có hàm lượng cao như CO2 nhưng sự nguy hiểm lại cao hơn rất nhiều. CO khi xâm nhập vào trong cơ thể sẽ kết hợp cùng hemoglobin trong máu tạo thành carboxyhemoglobin (HbCO).
Thêm nữa, oxy đã bị CO chiếm chỗ, khiến cho các hạt hồng cầu chuyển từ đỏ sang đỏ tía, việc này khiến cho việc cung cấp oxy giảm nghiêm trọng, khiến cho cơ thể và nạn nhân sẽ đi vào trạng thái bất tỉnh rất nhanh nếu không có sự can thiệp kịp thời.
Nguy hiểm hơn, trong các đám cháy, nhiệt độ không đạt đủ tới mức cần thiết, các hợp chất hữu cơ sẽ chỉ thực hiện được một phần quá trình cháy, biển đổi thành các hợp chất trung gian mang độc tố cực kỳ có hại cho cơ thể.
"Đặc biệt, tại các ngôi nhà xây dựng bằng các vật liệu, vật dụng dễ cháy như nhựa tổng hợp hay các chất hữu cơ, khi hòa trộn lại với nhau sẽ gây ra một hợp chất độc hại mới có thể dẫn đến hệ lụy về sau rất nguy hiểm. Ngoài ra, ở trong mỗi đám cháy, cấu trúc ngôi nhà sẽ yếu đi, các vật liệu dễ rơi và sập. Đây cũng là nguyên nhân góp phần khiến việc ngạt khí xảy ra nhanh chóng hơn", PGS Trần Hồng Côn cho hay.
Để có kỹ năng thoát hiểm khi có cháy xảy ra, người dân cần được học các lớp tập huấn. Ảnh minh họa.
Cách thoát nguy hiểm khi gặp cháy
Theo PGS Trần Hồng Côn, khi gặp sự cố, mọi người thường hoảng loạn, ít có thời gian để phản ứng. Do đó, mọi người cần bình tĩnh tìm ra nguồn khói từ đâu và di chuyển theo hướng ngược lại. Hơn nữa, để có kỹ năng thoát hiểm khi có cháy xảy ra, người dân cần được đào tạo bài bản, cũng như cần được tập huấn để nâng cao kỹ năng.
Một số lưu ý khi gặp sự cố cháy:
- Một nguyên tắc thoát nạn rất quan trọng khi xảy ra cháy là mọi người cần lấy khăn thấm ướt nước che kín miệng và mũi để lọc không khí khi hít thở, tránh bị ngạt khói gây nguy hiểm.
- Người bị nạn phải cố gắng không hít khói.
- Người bị nạn có thể sử dụng mặt nạ chống khói khi được trang bị (nếu có).
- Đặc biệt, khi di chuyển, nên cúi thấp người hoặc di chuyển bằng cách bò xuống sát dưới nền đất vì khói luôn luôn bay lên cao, nhằm tránh lượng khói hít vào thấp nhất có thể.
- Nhanh chóng đưa người bị nạn ra khỏi nơi nguy hiểm đến nơi có không khí trong lành và thoáng.
- Nếu nạn nhân bất tỉnh, kiểm tra nhịp thở và mạch đập của nạn nhân rồi chuẩn bị hô hấp nhân tạo nếu cần thiết. Khi được đưa đến phòng cấp cứu, nạn nhân sẽ được tiếp oxy, kiểm tra nhịp thở, mạch đập và mức phản ứng.
- Cần đưa người bị nạn đến phòng cấp cứu nhanh nhất có thể để hạn chế di chứng. Trong quá trình tới viện nếu nạn nhân thở yếu hoặc bất tỉnh, cần phải hà hơi thổi ngạt. Nặng hơn thì đặt ống thở nội khí quản.