Theo thông tin từ Bệnh viện Tam Hà ở Huệ Dương, Quảng Đông, Trung Quốc, đã 10 năm nay bệnh viện tiếp nhận điều trị cho một chàng thanh niên trẻ phải chạy thận nhân tạo , lý do mắc bệnh của chàng trai này hết sức đặc biệt.
Trước khi vào viện, chàng thanh niên này có cuộc sống rất bình thường, hàng ngày anh làm việc ở công trường, nhưng vì công việc vất vả cộng thêm với nhiệt độ ngoài trời nóng bức nên người thanh niên này có thói quen mỗi ngày đều uống 2-3 chai nước ngọt có ga để giải tỏa cơn khát.
Một bác sĩ tại Bệnh viện Tam Hà đang trả lời phỏng vấn đề trường hợp suy thận do uống nước có ga.
Suốt 2 năm giữ thói quen này, chàng trai trẻ thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, đuối sức. Khi đến bệnh viện khám, các bác sĩ phát hiện nồng độ creatinin của bệnh nhân đã là hơn 1000 umol/l, chẩn đoán suy thận giai đoạn cuối và cần lọc máu để duy trì sự sống.
Phát hiện suy thận từ năm 24 tuổi, tính đến nay chàng trai trẻ đã phải chạy thận gần 10 năm. Nghe câu chuyện của nam thanh niên này, không ít người bày tỏ cảm giác thương xót cùng nỗi lo lắng, bởi nước ngọt có ga vốn là thức uống yêu thích của không ít bạn trẻ.
Thực tế, đây không phải nạn nhân đầu tiên bị suy thận vì nước ngọt có ga. Vào năm 2015, một chàng trai 20 tuổi nặng 100kg được đưa đến Bệnh viện Li Huili của Trung tâm y tế Ninh Ba cấp cứu, trong tình trạng buồn nôn và nôn liên tục, nguyên nhân là do anh ta uống 20 chai nước có ga trong suốt ba ngày. Khi vào viện, đường huyết tĩnh mạch của bệnh nhân cao tới 96,54mmoL/L, gấp hơn 20 lần người bình thường, ngoài ra thanh niên này còn bị suy gan, nhiễm toan ceton và suy đa tạng . Sau 24 giờ cấp cứu, cuối cùng bệnh nhân này đã qua đời.
Tại sao uống quá nhiều nước có ga lại gây hại cho thận?
Các nhà nghiên cứu tại Trường Y tế Công cộng Bloomberg thuộc Đại học Johns Hopkins (Mỹ) đã thực hiện một nghiên cứu để đánh giá mối quan hệ giữa bệnh thận mãn tính và đồ uống. Nghiên cứu thực hiện trên 3003 người Mỹ suốt 8 năm, trước đó không có ai có vấn đề về thận.
Trong quá trình nghiên cứu, họ nhận ra có tổng cộng 185 người trong số nhóm người trên bị bệnh thận mãn tính do có liên quan đến việc uống nhiều đồ uống có đường. Cuối cùng, các nhà nghiên cứu kết luận rằng đồ uống có đường nói chung có liên quan đến 61% trường hợp mắc bệnh thận mãn tính, riêng nước ngọt có ga có liên quan đến 9%.
Theo các nhà nghiên cứu, chủ yếu nước ngọt có ga gây hại cho thận là vì:
- Chứa nhiều đường:
Đồ uống có ga chứa nhiều đường fructose và carbon dioxide, một chai nước uống có ga chứa nhiều đường hơn lượng đường mà một người trưởng thành cần trong một ngày, vì vậy có thể gây rối loạn trao đổi chất. Quá trình tiêu hóa sẽ khiến lượng đường trong máu tăng cao và gây tổn thương nghiêm trọng cho thận.
- Gia tăng sự bài tiết protein:
Nước có ga chứa nhiều chất rất hại cho sức khỏe, uống hàng ngày sẽ có nguy cơ mắc chứng proteinuria, khiến cho hàm lượng protein trong nước tiểu quá nhiều. Trong trường hợp này, sự bài tiết protein trong nước tiểu gia tăng và làm thận bị tổn thương. Đồng thời, đồ uống có ga cũng chứa hàm lượng axit phosphoric cao, có thể gây ra rối loạn tiết niệu, sỏi thận và các vấn đề về thận mạn tính khác.
- Nước ngọt có ga chứa photphat:
Trong các loại nước có ga có chứa photphat - một chất được xác định là góp phần gây nên sỏi thận. Trên Tạp chí Dịch tễ học của Mỹ đã từng công bố một nghiên cứu cho biết nếu một người uống hai lon hoặc nhiều hơn nước ngọt mỗi ngày sẽ tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh thận.
Nếu một người uống hai lon hoặc nhiều hơn nước ngọt mỗi ngày sẽ tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh thận.
Chúng ta cần làm gì để bảo vệ sức khỏe của thận?
Ngoài tránh uống nước có ga, trong cuộc sống bạn cũng nên ghi nhớ những lưu ý này để đảm bảo sức khỏe của thận:
1. Tránh lạm dụng thuốc
Thận đóng vai trò là bộ lọc máu tự nhiên trong cơ thể, sau đó các chất thải theo niệu quản được dẫn đến bàng quang để thải ra ngoài. Uống nhiều loại thuốc không chỉ khiến thận phải vất vả trong quá trình bài tiết mà còn trực tiếp làm tổn thương thận, vì thế bạn chỉ nên uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
2. Đừng nhịn tiểu
Việc kìm hãm nước tiểu dễ sinh vi khuẩn và gây viêm thận, người uống ít nước dễ mắc các bệnh chuyển hóa, dẫn đến suy thận, sỏi thận.
3. Chế độ ăn nhẹ nhàng
Thừa dinh dưỡng và ăn quá nhiều đồ ăn dầu mỡ sẽ làm tăng gánh nặng cho thận, vì vậy bạn phải ăn một chế độ ăn nhẹ nhàng, cùng các thực phẩm giàu chất xơ dễ tiêu hóa như rau xanh, các loại quả, các loại củ...
4. Kiểm soát các bệnh mãn tính
Cao huyết áp có thể gây tổn thương thận, làm xơ cứng các mạch máu nhỏ ở thận, ảnh hưởng đến chức năng thận. Ngoài ra, bệnh tiểu đường cũng có thể gây ra các biến chứng về thận, vì thế mỗi người cần phải kiểm soát đường huyết tích cực.
(Nguồn: QQ, The Paper)