Đi khám vì cổ to, mẹ không ngờ con trai mắc ung thư ở tuổi 24
Nhắc đến bệnh ung thư tuyến giáp, nhiều người nghĩ đây là căn bệnh chỉ dành cho người cao tuổi. Nhưng thực tế bệnh ngày càng có xu hướng trẻ hóa, nhiều trường hợp chỉ ngoài 20 tuổi đã mắc bệnh...
Ths.Bs Nguyễn Xuân Tuấn (Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt, giảng viên trường Đại học Y dược - Đại học Quốc gia, Hà Nội) chia sẻ, gần đây anh tiếp nhận một trường hợp ung thư tuyến giáp chỉ mới ngoài 24 tuổi.
Thấy cổ con trai ngày càng to, người mẹ lo lắng đưa con trai đi khám. Nhìn kết quả siêu âm, khối u to tới 4cm, hình ảnh nghi ngờ, vì thế bác sĩ đã chỉ định cho bệnh nhân làm sinh thiết, kết quả cho thấy bệnh nhân đã bị ung thư tuyến giáp thể nhú.
Ca mổ cắt toàn bộ tuyến giáp và vét hạch diễn ra thuận lợi, ít nguy hiểm tính mạng. Sức khỏe bệnh nhân ổn định, đã xuất viện về nhà, cũng không có tình trạng tê tay chân, khàn tiếng mặc dù vét hạch khá nhiều.
Tuy nhiên, không ngoài dự đoán của bác sĩ, kết quả giải phẫu bệnh trả về có rất nhiều hạch di căn. Bước đầu tuy rất yên tâm khi bệnh nhân và gia đình quyết định mổ kịp thời. Tuy nhiên, sau đó bệnh nhân sẽ cần tiếp tục điều trị iot phóng xạ và theo dõi định kì. Đáng nói, với trường hợp khối u to, di căn nhiều hạch như này thì nguy cơ tái phát khá cao.
Ung thư tuyến giáp thường xảy ra nhiều ở nữ giới hơn, đặc biệt lứa tuổi 40 - 50 chiếm phần lớn. Chính vì thế, nam giới và các bạn trẻ tuổi thường chủ quan, rất hay ngó lơ sự thay đổi của cơ thể. Đến khi bệnh muộn rồi mới đi khám, khiến cho việc điều trị khó khăn và tiên lượng bệnh cũng xấu hơn.
Từ trường hợp của bệnh nhân nam này, bác sĩ cảnh báo giới trẻ nên quan tâm đến sức khỏe hơn, hãy chú ý thăm khám sức khỏe định kỳ để kịp thời kiểm soát tình trạng sức khỏe.
PV: Ung thư tuyến giáp giai đoạn sớm thường có những biểu hiện nào, thưa bác sĩ?
Ths.Bs Nguyễn Xuân Tuấn:
Thực tế ở giai đoạn sớm, khối u còn rất nhỏ, do đó ung thư tuyến giáp thường rất ít biểu hiện triệu chứng. Ung thư tuyến giáp thường được phát hiện khi bệnh nhân đi siêu âm tuyến giáp, hoặc nhận thấy vùng cổ có khối u... Hoặc thấy nuốt khó, khó thở, nói khàn... Lúc này thì khối u đã tương đối to.
PV: Bệnh ung thư tuyến giáp có di truyền không?
Ths.Bs Nguyễn Xuân Tuấn:
Bệnh ung thư tuyến giáp có thể có yếu tố di truyền, đặc biệt là ung thư tuyến giáp thể tủy. Nếu trong gia đình có người mắc bệnh ung thư tuyến giáp, nguy cơ bạn mắc bệnh này có thể cao hơn so với người không có tiền sử gia đình. Nếu bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể tủy có gen đột biến thì các thành viên khác trong gia đình nên được kiểm tra, kể cả trẻ em. Những người mang gen đột biến có thể làm giảm nguy cơ phát triển ung thư tuyến giáp thể tủy bằng cách phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp.
Ngoài ra, nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến giáp có thể tăng lên ở những người từ 25-65 tuổi, là nữ, có tiền sử xạ trị vùng cổ, hay là có bệnh tuyến giáp mạn tính.
PV: Nhiều người nói "ung thư tuyến giáp thể nhú" là loại ung thư hạnh phúc nhất, liệu điều đó có chính xác không, thưa anh?
Ths.Bs Nguyễn Xuân Tuấn:
Đúng là trong các thể ung thư tuyến giáp, thì thể nhú là đúng là dạng ung thư dễ chữa trị thành công nhất. Cơ hội sống trên 5-10 năm cho các bệnh nhân phát hiện ở giai đoạn sớm là gần 100%. Tuy nhiên nếu bệnh phát hiện ở giai đoạn muộn thì điều trị cũng sẽ cực kỳ phức tạp và nguy hiểm. Thời gian sống của bệnh nhân ung thư tuyến giáp còn phụ thuộc vào giai đoạn bệnh, đặc biệt là tình trạng di căn xa sẽ giảm tuổi thọ lên rất nhiều. Do đó, bác sĩ Tuấn khuyên mọi người không nên chủ quan.
PV: Ung thư tuyến giáp thường di căn đến cơ quan nào?
Ths.Bs Nguyễn Xuân Tuấn:
Nếu được phát hiện sớm và điều trị triệt để, cơ hội lành bệnh của ung thư tuyến giáp có thể lên đến 90%. Trong trường hợp bệnh được phát hiện muộn hơn, u ác tuyến giáp lớn dần và di căn đến các vị trí khác trong cơ thể tạo thành các tổn thương thứ phát.
Vị trí di căn thường gặp nhất của ung thư tuyến giáp là hạch cổ. Đôi khi chính sự phát triển của hạch cổ là lý do khiến bệnh nhân đi khám và phát hiện ra bệnh. Không chỉ di căn đến hạch vùng lân cận, các tế bào ung thư tuyến giáp còn có thể di căn xa đến các cơ quan khác như phổi, xương, gan, não,... vào giai đoạn muộn của bệnh với các biểu hiện, triệu chứng đa dạng.
Tùy vào tình trạng di căn và thể trạng của từng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ đề xuất các phương pháp điều trị phù hợp, nhằm kéo dài thời gian sống, cải thiện chất lượng cuộc sống. Tỉ lệ sống 5 năm của ung thư tuyến giáp giai đoạn cuối khoảng 28 - 51%.
PV: Ung thư tuyến giáp có thể được điều trị như thế nào, thưa bác sĩ?
Ths.Bs Nguyễn Xuân Tuấn:
Phẫu thuật là biện pháp hàng đầu trong điều trị ung thư tuyến giáp. Bệnh nhân có thể phải cắt 1 thùy hoặc cắt toàn bộ tuyến giáp, cộng với vét hạch cổ. Hoặc có thể sử dụng iod phóng xạ, phương pháp này thường dùng cho ung thư tuyến giáp thể nhú và thể nang sau phẫu thuật. Ngoài ra, người bệnh có thể phải xạ trị, dùng hóa chất, liệu pháp hormon thay thế, liệu pháp nhắm trúng đích... tùy theo từng loại mô bệnh học, tuổi, kích thước khối u và sự xâm lấn, di căn...
Cảm ơn Ths.Bs Nguyễn Xuân Tuấn!