01.
Đây là kế hoạch hoàn mỹ do chính bạn vẽ ra trước khi bắt đầu chính thức nghỉ cách ly:
- Nhất định sẽ không thức khuya, hoàn thành quy trình chăm sóc da đầy đủ trước 22 giờ mỗi ngày để đạt hiệu quả tốt nhất
- Phải tập thể dục 30 phút, càng hạn chế rượu bia càng tốt
- Đầu tư vào ăn uống lành mạnh, đủ chất dinh dưỡng
- Cố gắng giảm béo trong thời gian ở nhà
- Phát triển một kế hoạch học tập chi tiết
- Uống đủ nước mỗi ngày
…
Trước khi thực sự hành động, chúng ta luôn thích vẽ ra rất nhiều kế hoạch “trong mơ”. Nhưng lập kế hoạch thì dễ, có thực hiện đúng với kế hoạch đã đề ra hay không lại là chuyện khác.
Đợi đến thời điểm thực sự nghỉ ở nhà, thực tế là:
- Định giảm 3 cân trong một tháng, nhưng mới ở nhà được 1 tuần đã tăng thêm 2 cân
- Định điều chỉnh thời gian biểu để đi ngủ sớm, giúp làn da được hồi phục tốt hơn, nhưng chẳng bao giờ có thể đặt điện thoại di động xuống và tắt máy tính đi
- Định tự mình đi chợ, nấu ăn, chế biến từng món ngon cho mình, nhưng quanh quẩn một hồi lại quyết định gọi điện đặt thức ăn giao từ bên ngoài
- Định đọc 1 cuốn sách, làm một bài test tiếng Anh mỗi ngày, nhưng cuối cùng chưa đọc hết cuốn đầu tiên sau một tuần dài ở nhà
...
Rõ ràng chúng ta hiểu rằng, ăn xong lại nằm thì nhất định sẽ béo, dán mắt vào điện thoại cả ngày sẽ ảnh hưởng thời gian học tập, uống nhiều bia rượu sẽ ảnh hưởng sức khỏe… Vâng, chúng ta biết hết, nhưng chúng ta vẫn làm.
Ít nhiều mọi người đều có suy nghĩ rằng:
“Mình còn ở nhà nhiều mà, hôm nay không làm thì mai làm bù cũng được”
“Không việc gì phải gấp, để hôm sau bắt đầu thực hiện”
“Chỉ nốt ngày hôm nay thôi, nốt tuần này thôi”
...
Rõ ràng bản thân lười biếng nhưng tự đổ lỗi cho sự rảnh rỗi. Bản thân tự trở nên vô dụng nhưng đổ lỗi cho máy tính, di động trên tay.
5 phút trước còn tự nhủ phải yêu lấy bản thân, phải nỗ lực vì sau này, phải thay đổi trở thành một con người khác.
5 phút sau đã buông “vũ khí” đầu hàng, rồi tìm lý do để tự bào chữa cho mình.
Bạn thấy chuyện này có quen không?
Kết quả là kế hoạch không hoàn thành, mục tiêu không đạt được, và chúng ta tự biến mình trở thành một "người vô dụng", cả ngày chỉ biết nằm ườn một chỗ để xem tivi, chơi game, lướt di động. Đây là quá trình mà chúng ta đang tự “giết” chính mình, chôn vùi bản thân sự lười biếng và rảnh rỗi.
02.
Rất nhiều người thích mua sách, mỗi khi thấy tiêu đề hoặc ảnh bìa hoặc trích đoạn nội dung nào đó ấn tượng, họ đều muốn sở hữu một cuốn.
Thời gian dài, giá sách trong phòng tích lũy ngày càng nhiều. Nhưng thực chất, những cuốn sách họ đã đọc lại chẳng bằng một nửa trong số đó.
Đến ngày nghỉ rảnh rỗi ở nhà, họ nhìn lại tủ sách, có những cuốn mới chỉ lật giở vài ba chương đầu tiên, có những cuốn còn mới nguyên, có những cuốn thậm chí còn chưa bóc lớp màng bọc, phủ đầy bụi nằm nguyên một góc.
Ở thời điểm đặt mua sách, ai cũng nghĩ, từ bây giờ mình sẽ bắt đầu học tập chăm chỉ. Nhưng để đạt được một mục tiêu, chỉ “bắt đầu” không thì chưa đủ. Chúng ta còn phải kiên trì thực hiện, lặp đi lặp lại không ngừng.
Việc đọc sách cũng giống như luyện chữ, tập thể dục, hay ngủ sớm dậy sớm, chúng ta có thể bắt đầu dễ dàng với tâm lý háo hức, phấn khởi trong những ngày đầu tiên.
Tuy nhiên, chỉ một vài ngày sau, sự vui vẻ của việc bắt đầu dần dần biến mất mà thay vào đó là cảm giác mệt mỏi, chán chường và lười biếng, người ta lại đánh mất động lực để tiếp tục kiên trì. Trạng thái này có thể tìm thấy ở đại đa số mọi người.
03.
Tại sao “bắt đầu” thì dễ mà “kiên trì” lại khó như vậy? Có một số nguyên nhân được đưa ra như sau:
Thứ nhất, do nhận thức sai lệch về bản thân
Khi một người cảm thấy bất an với hiện trạng, họ bắt đầu tìm kiếm sự thay đổi và phát triển, nhưng lại không muốn rời khỏi vùng an toàn của mình.
Suy nghĩ không thể thực chất hóa thành hành động sẽ khiến họ chẳng đạt được thành quả nào, cũng không rõ phương hướng bản thân thực sự ở đâu.
Thứ hai, do nhận thức lệch lạc về kết quả
Khi đạt được một thành quả nhỏ nào đó, nhiều người tự thỏa mãn và đắm chìm trong đó, cho rằng năng lực của mình đã đạt được sự tiến bộ.
Vì vậy, họ càng an tâm ở lại trong vùng an toàn của mình, không cần tự thách thức bản thân thêm nữa.
Với kiểu nhận thức này, họ sẽ cảm thấy kết quả đạt được rất dễ dàng, không tốn sức lực. Lâu dài, họ rất khó có thể tìm đủ động lực và quyết tâm để thật sự kiên trì một hành trình gian khó nào đó.
Thứ ba là, khả năng “chống nhiễu” yếu
Nhiều người không thể chịu đựng sự cô đơn và cám dỗ đến từ bên ngoài được gọi là có khả năng “chống nhiễu” yếu. Họ dễ bị tác động, để rồi bỏ dở quá trình của mình. Sau đó lại nhìn vào thành quả của người khác để tự so bì, oán giận.
Thứ tư là, không chịu được sự thất vọng
Có câu nói rằng: Không làm thì không sai, không thực hiện sẽ không có thất bại.
Khi bạn không dám đương đầu với khó khăn, không dám bỏ ra nhiều công sức chỉ vì sợ ngày sau sẽ thất bại, bản thân không chịu được sự thất vọng, vậy thì kết quả sau cùng bạn có thể đạt được chỉ là “vĩnh viễn thất bại” mà thôi.
Thứ năm là, không có mục tiêu cụ thể
Đặt ra một mục tiêu quá vĩ mô cũng tương đương với việc không có mục tiêu nào cả.
Giống như khi bạn viết một bài văn, nắm được luận điểm chính nhưng lại không biết triển khai như thế nào. Hay như khi bạn biết mình phải làm gì, nhưng không biết làm việc đó ra sao.
Không phải thành công ở quá xa, mà là bạn không tìm được đường đến thành công của chính mình nếu cứ tiếp tục với những suy nghĩ như thế.
Sau bước đi đầu tiên, hãy kiên trì bước thêm 99 bước nữa, rồi bạn sẽ thấy tương lai ở phía trước con đường.