Một chàng trai họ Trần (Hồng Kông, Trung Quốc) ngỡ ngàng phát hiện huyết áp cao, suýt chết vì suy thận trong một lần đi khám đau đầu. Điều quan trọng là lúc này anh mới 21 tuổi, luôn cho rằng bệnh thận là bệnh của người trung niên và cao tuổi. Anh cũng luôn cho rằng mình đang trong độ tuổi sung sức, không hề có vấn đề sức khỏe gì đáng lo.
Cụ thể, anh Trần đang là sinh viên và thuê trọ một mình. Anh bị đau đầu dai dẳng trong gần một tháng nhưng cho rằng đó là vì mình thiếu ngủ. Một tuần trước khi phát hiện bệnh, anh bị đau nửa đầu dữ dội đến mức uống thuốc giảm đau nhiều lần nhưng không hiệu quả. Đến khi những cơn đau khiến anh không thể học tập hay làm việc được anh mới chịu đến bệnh viện khám.
Khi kiểm tra sơ bộ, y tá tại phòng chờ hoảng hốt khi thấy huyết áp của anh Trần cao đáng báo động. Huyết áp tâm thu đạt gần 180mmHg còn huyết áp tâm trương là gần 100mmHg. Trong khi 2 chỉ số này bình thường sẽ lần lượt ở mức 90 - 140mmHg và 60 - 900mmHg. Hỏi thêm cuộc sống hàng ngày có gì bất thường không thì anh Trần cho biết gần đây mình hay tức ngực khi đi lại, có bị tiểu ra máu.
Trước tình trạng tăng huyết áp quá mức và rối loạn nhịp tim, đau đầu kèm dấu hiệu protein niệu, anh Trần được chuyển thẳng tới phòng cấp cứu. Sau một loạt các kiểm tra từ X-quang não tới xét nghiệm máu và nước tiểu… anh được kết luận bị urê huyết nguy hiểm, phải chạy thận cấp cứu ngay.
Hóa ra, anh Trần bị suy thận đã lâu nhưng không biết và không điều trị, dẫn tới hình thành u rê huyết. Sau khi phân tích bệnh sử, các bác sĩ tìm ra nguyên nhân gây bệnh đến từ lối sống không lành mạnh của anh. Cụ thể, anh có đến 5 thói xấu là: thức khuya, hút thuốc, uống rượu bia, rất lười vận động và ngày nào cũng uống nhiều cà phê.
Bác sĩ cảnh báo 6 dấu hiệu sớm của bệnh thận
Theo bác sĩ Cai Qian tại Khoa Thận Bệnh viện Đại học Đông y Bắc Kinh (Trung Quốc), bệnh về thận mà đặc biệt là suy thận đang trẻ hóa rất nhanh. Một trong những nguyên nhân chính là do lối sống không lành mạnh ở người trẻ, trong khi đó nhóm tuổi này lại thường chủ quan với sức khỏe, không coi trọng những bất thường trên cơ thể dẫn đến dễ bỏ qua dấu hiệu bệnh.
Trường hợp của anh Trần cũng vậy, thực tế anh biết rằng mình mắc phải thói xấu nhưng lại cho rằng mình còn trẻ, khỏe nên cơ thể có thể tự phục hồi. Khi thấy một số dấu hiệu như đau đầu, tiểu khó, mệt mỏi… thậm chí máu trong nước tiểu anh cũng không quá để tâm. Dẫn đến khi phát hiện bệnh suy thận đã rất nặng, chuyển thành urê huyết nguy hiểm và buộc phải chạy thận suốt đời để duy trì sự sống.
Bác sĩ Cai cho biết: " Suy thận là tình trạng thận mất dần chức năng, không thể lọc máu hiệu quả và loại bỏ chất thải khỏi cơ thể. Còn urê huyết xảy ra khi thận không còn khả năng lọc các chất thải từ máu hiệu quả, dẫn đến sự tích tụ của các chất độc hại như nitơ urê và creatinine trong cơ thể. Đây là dấu hiệu của suy thận giai đoạn cuối và nếu không được điều trị, nó có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng từ thần kinh cho tới tim mạch, tiêu hóa… thậm chí tử vong".
Nói về dấu hiệu đau nửa đầu của anh Trần, bác sĩ Cai giải thích: “Trên thực tế thì cả bệnh cao huyết áp và suy thận đều gây ra cơn đau đầu. Cao huyết áp gây đau đầu do áp lực trong các mạch máu tăng lên, thiếu máu não và rối loạn hệ thần kinh. Còn suy thận nặng làm tích tụ độc tố, tăng huyết áp, thiếu máu và mất cân bằng điện giải”.
Ông cũng nhắc nhở rằng bệnh thận còn gây ra các triệu chứng như :
- Sưng phù: Tích tụ chất lỏng gây sưng ở mắt cá, tay, mặt.
- Thay đổi tiểu tiện: Tiểu quá nhiều hoặc quá ít, có nhiều bọt hoặc màu nước tiểu rất đậm, mùi lạ. Khi bệnh nặng có thể có cả máu.
- Mệt mỏi: Do thiếu máu, gây suy nhược, chóng mặt.
- Khó thở: Tích tụ dịch trong phổi hoặc thiếu oxy.
- Ngứa da: Chất thải trong máu gây ngứa, phát ban.
- Buồn nôn, ăn kém: Tích tụ độc tố gây buồn nôn, ăn không ngon.
Ngoài những người có lối sống không lành mạnh (thức khuya, lười vận động, hút thuốc và uống rượu, uống nhiều cà phê) như anh Trần, những người lạm dụng thuốc, uống nước sai cách, hay nhịn tiểu cũng dễ mắc bệnh thận. Những người thừa cân, béo phì, có tiền sử gia đình mắc bệnh thận, bị tiểu đường, cao huyết áp… cũng là đối tượng dễ bị bệnh này “tấn công”.
Nguồn và ảnh: Topick, Asia One