2 tiêm kích hiện đại tan xác trong 1 tháng: Giải pháp "râu ông nọ cắm cằm bà kia" của Mỹ?

DK |

Trong tháng 10, liên tiếp 2 chiếc F-16 của Không quân Mỹ gặp sự cố, phi công phải phóng khỏi máy bay trước khi rơi.

2 chiếc F-16 của Không quân Mỹ rơi liên tiếp trong tháng 10/2019

Ngày 30/10/2019, trang tin Military.com dẫn nguồn tin Không quân Hoa Kỳ cho biết một chiếc F-16 Fighting Falcon thuộc Phi đoàn 49 đã bị rơi vào lúc 7h16 phút giờ địa phương (18h16 phút giờ Việt Nam).

Máy bay được cho là đã kết thúc một chuyến bay huấn luyện thông thường vào tối 29/10 trước khi gặp sự cố và rơi ở khu vực cách căn cứ không quân Holloman, New Mexico 80 dặm (khoảng 130 km) về hướng đông nam.

Phi công đã phóng khỏi máy bay trước khi rơi. Các lực lượng cứu hộ đã ngay lập tức có mặt ở hiện trường và phi công hiện đang được điều trị tại một bệnh viện địa phương. Nguyên nhân về vụ rơi máy bay đang được điều tra.

2 tiêm kích hiện đại tan xác trong 1 tháng: Giải pháp râu ông nọ cắm cằm bà kia của Mỹ? - Ảnh 1.

Các máy bay tại căn cứ không quân Holloman.

Căn cứ Holloman là căn cứ huấn luyện phi công điều khiển máy bay không người lái tấn công (UCAV) MQ-9 Reaper từ năm 2009, ngoài ra căn cứ vẫn có một số chiếc F-16C để huấn luyện phi công.

Trước đó vào ngày 8/10/2019, một chiếc F-16 Fighting Falcon khác thuộc phi đội máy bay chiến đấu số 480, Phi đoàn 52 cất cánh từ căn cứ không quân Spangdahlem đã bị rơi tại Zemmer, Đức, cách căn cứ khoảng 10 km.

Phi đoàn được trang bị các biến thể máy bay F-16CM và F-16DM. Máy bay được cho là gặp sự cố khi bay, phi công cũng đã phóng ra khỏi máy bay và có một số vết thương nhẹ.

Phi đoàn 52 đã phải ngưng cuộc tập trận mới diễn ra 2 ngày và toàn bộ máy bay của phi đoàn đã phải tạm ngừng bay để kiểm tra.

Các máy bay trong hai sự cố kể trên là các biến thế F-16C/D được cho là đã được đưa vào trang bị trong Không quân Hoa Kỳ khoảng 30 năm.

2 tiêm kích hiện đại tan xác trong 1 tháng: Giải pháp râu ông nọ cắm cằm bà kia của Mỹ? - Ảnh 2.

F-16 nằm trong nhóm máy bay thế hệ 4 cùng với F-15, F/A-18 và Su-35 trong khi F-22, F-35 và Su-57 (tên cũ là PAK-FA) là máy bay thế hệ 5.

Không quân Mỹ sẽ thay toàn bộ F-16 bằng F-35?

Vào ngày 4/10/2019, tờ National Interest xuất bản bài viết của tác giả Sebastian Roblin có tựa đề: "An Eye-Popping $1.5 Trillion: Is the F-35 Stealth Fighter Worth It?" (tạm dịch: Thứ "bắt mắt" trị giá 1,5 tỷ USD: Máy bay chiến đấu tàng hình F-35 có đáng giá như vậy hay không?).

Trong bài viết, tác giả phân tích một số ưu nhược điểm trong việc lựa chọn đưa F-35 thay thế vai trò F-16 trong tương lai và bình luận rằng nhà sản xuất Lockheed Martin đã sử dụng nguyên mẫu máy bay Yak-41 của Nga với khung máy bay được thiết kế "khí động học nhất có thể".

Tuy nhiên F-35 được đánh giá là hiệu suất kém hơn so với các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 F-16 mà nó dự định thay thế với tốc độ tối đa là Mach 1,6 và trần bay khoảng 15.000 mét nếu so với Mach 2 và 15.239 m của F-16.

Vào năm 2015, Không quân Mỹ đã mô phỏng một cuộc không chiến tầm ngắn với F-16D và F-35 được bổ sung bình xăng gắn ngoài.

Phi công thử nghiệm đã bình luận rằng phương án tốt nhất cho F-35 cần phải làm là cố gắng chạy thoát khỏi một cuộc không chiến vì nó tiêu tốn nhiều nguyên liệu hơn trong khi đối thủ lại quá nhanh nhẹn.

2 tiêm kích hiện đại tan xác trong 1 tháng: Giải pháp râu ông nọ cắm cằm bà kia của Mỹ? - Ảnh 4.

Chương trình F-35 được cho là có tham vọng thay thế toàn bộ máy bay chiến đấu hiện có trong trang bị của Mỹ như F-15, F-16, A-10, AV-8 và F/A-18.

Tuy nhiên, Không quân Mỹ và Lockheed Martin khẳng định rằng F-35 không được thiết kế để tham gia không chiến tầm gần.

Với các tên lửa phóng ngoài tầm nhìn AIM-120D của Mỹ và Meteor của Anh, F-35 sẽ tiêu diệt đối phương mà không cần tiếp cận. Chiến thuật nói trên được hỗ trợ bởi các radar quét mảng pha chủ động (AESA) AN/APG-81 của Hoa Kỳ.

F-16 là một trong những máy bay chiến đấu thành công của ngày công nghiệp quốc phòng Hoa Kỳ, với 4.588 chiếc đã được 25 lực lượng không quân trên thế giới đưa vào trang bị, trong đó chỉ riêng Mỹ vẫn duy trì hoạt động khoảng 3.000 chiếc (số liệu đến hết năm 2018).

Như tác giả Sebastian Roblin đã kết luận trong bài viết: Chương trình F-35 đã "chi quá nhiều tiền để có thể quay đầu lại".

Việc Không quân Mỹ thay thế hàng nghìn chiếc F-16 là việc khó có thể xảy ra (do ngân sách khổng lồ cũng như giới hạn về số lượng sản xuất hàng năm) trong một sớm một chiều.

Do vậy trong thời gian gần, F-16 sẽ được ưu tiên nâng cấp radar AESA AN/APG-83 SABR (được cho là có tính năng tương tự như radar của F-22 và F-35) cùng với các biện pháp thay thế, sửa chữa để giúp kéo dài thời gian hoạt động của nó càng lâu càng tốt.

Giải pháp trang bị Radar AN/APG-83 SABR cho những chiếc F-16.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại