Bệnh lý thận tăng
TS. Nguyễn Thế Cường, Trưởng khoa Thận lọc máu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, tại Việt Nam chưa có số liệu thống kê chính thức, song ước tính có khoảng 5 triệu người bị bệnh thận và hàng năm có khoảng 8.000 ca bệnh mới.
Chỉ tính riêng bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối cần lọc máu là khoảng 800.000 người, chiếm 0,1% dân số.
Phần lớn mọi người đều biết rõ cơ thể người bình thường có 2 quả thận ở hố thắt lưng với nhiệm vụ rất quan trọng là loại bỏ các cặn bã và dịch dư thừa ra khỏi máu qua nước tiểu, nhờ đó duy trì cân bằng nước điện giải bảo đảm ổn định nội môi và duy trì mọi hoạt động cho cơ thể.
Bệnh thận gia tăng trong dân số, ảnh minh hoạ.
Ngoài ra, thận còn một chức năng rất quan trọng mà không phải ai cũng nắm được, đó là chức năng nội tiết, nhờ đó cơ thể duy trì tạo máu, duy trì hằng định huyết áp và duy trì cân bằng Canxi của cơ thể.
Là cơ quan quan trọng của cơ thể nhưng thận cũng dễ bị tổn thương. Các bệnh lý toàn thân có thể gây nên các bệnh lý tại thận và ngược lại, các bệnh lý thận có thể dẫn đến các bệnh lý ở các cơ quan khác của cơ thể…
"Nguyên nhân chủ yếu là do các bệnh lý tại thận, tăng huyết áp và đái tháo đường. Tiến triển của bệnh thận mãn tính rất dễ dẫn đến suy thận mãn tính, làm mất chức năng thận và người bệnh phải dùng các biện pháp điều trị thay thế", TS. Cường nói.
Mặc dù là căn bệnh phổ biến và nguy hiểm nhưng bệnh thận thường không gây ra triệu chứng gì cho tới khi đã tiến triển. Ngoài ra, việc tự điều trị tùy tiện của người bệnh cũng là yếu tố làm bệnh thận nhanh tiến triển đến giai đoạn cuối.
Theo bác sĩ Cường để phát hiện ra bệnh thận sớm, mọi người cần được trang bị kiến thức, hiểu biết và lắng nghe cơ thể mình để phát hiện ra sớm những dấu hiệu của bệnh như:
- Chân tay phù
- Thay đổi khi đi tiểu (tiểu nhiều về đêm, tiểu có nước bọt, tiểu ra máu…)
- Người mệt mỏi, sút cân
Đồng thời để phát hiện bệnh sớm nhất, cần đi kiểm tra sức khỏe định kỳ. Nhiều trường hợp nhờ chẩn đoán và điều trị sớm đã làm chậm sự tiến triển đến bệnh thận mạn tính.