Bác sĩ Việt đang khám cho bệnh nhân, ảnh Minh Trí.
Không ngờ mình mắc ung thư
Anh N.Đ.Đ (45 tuổi, ở TPHCM) đã rất sửng sốt khi được chẩn đoán mắc ung thư đại trực tràng. Anh nói sức khỏe anh bình thường, vẫn ăn được, ngủ được và không sút cân. Anh Đ. chỉ có triệu chứng duy nhất là đi đại tiện phân lỏng.
"Tôi chỉ có triệu chứng tiêu chảy không cầm, đi khám bác sĩ nội soi thông báo mắc ung thư. Bác sĩ có giải thích nguyên nhân ung thư đại trực tràng do rất nhiều yếu tố như ăn uống, bệnh lý, di truyền… Gia đình tôi mấy đời đời không có người mắc ung thư cả", anh Đ. chia sẻ.
Còn trường hợp chị H.T.Ch (46 tuổi, TPHCM) thì thi thoảng đau bụng. Ban đầu, chị Ch. nghĩ tới bị đau dạ dày nên tự mua thuốc về điều trị. Uống thuốc giúp cho các triệu chứng giảm, nhưng ngừng uống thuốc, các triệu chứng lại xuất hiện.
Chị Ch. đi khám phụ khoa và được bác sĩ tư vấn nên nội soi đại trực tràng. Kết quả nội soi cho thấy chị bị ung thư đại trực tràng và được chỉ định phẫu thuật nội soi.
Ở Việt Nam, ung thư đại trực tràng đứng hàng thứ 4 ở nam và thứ 3 ở nữ. Mặc dù là ung thư nguy hiểm, sonh bệnh lý này có thể chữa khỏi tới 90% nếu được phát hiện và điều trị sớm. Trên thực tế, đã có rất nhiều trường hợp được điều trị thành công, thậm chí có người đã sống khỏe mạnh hơn 20 năm sau khi phát hiện bệnh.
Ung thư đại trực tràng. Ảnh minh hoạ
TS.BS Ung Văn Việt, Phó trưởng khoa Ngoại tiêu hóa (Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM), cho biết phát hiện bệnh ở giai đoạn càng sớm thì việc điều trị càng hiệu quả. Trong quá trình khám bệnh, bác sĩ Việt cũng gặp những trường hợp mắc ung thư đại trực tràng khá đáng tiếc, bệnh nhân khi phát hiện thì lại hoãn điều trị.
Bệnh nhân khoảng 50 tuổi, trước đó 6 tháng đã được chẩn đoán mắc ung thư đại trực tràng. Nhưng vì lý do nào đó bệnh nhân không điều trị. Sau 6 tháng, bệnh nhân quay lại, ung thư đã di căn xa tới gan, phổi, ổ bụng, bác sĩ không thể điều trị triệt căn.
Theo bác sĩ Việt, ung thư đại trực tràng ngày càng trẻ hoá. Bác sĩ đã từng thăm khám cho bệnh nhân mới 16 tuổi vào viện trong tình trạng tắc ruột, đã được phẫu thuật tại bệnh viện tuyến dưới.
Tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc ung thư đại trực tràng di căn gan, ổ bụng, mạch máu, phổi…
"Đa số những bệnh nhân trẻ tuổi mắc ung thư đại tràng thường rất ác tính. Ở những bệnh nhân trẻ, nếu không được phát hiện sớm, hiệu quả điều trị sẽ thấp", bác sĩ Việt nói.
Các giai đoạn của ung thư đại trực tràng
- Ung thư đại trực tràng ở giai đoạn sớm (giai đoạn 0): Ung thư chưa qua lớp trong niêm mạc trực đại tràng. Ở giai đoạn này, hiệu quả điều trị rất cao và điều trị dễ dàng bằng cách cắt u qua nội soi hoặc phẫu thuật cắt đoạn đại trực tràng.
- Khi ung thư ở giai đoạn I, ung thư đã ăn lan tới lớp cơ của đại trực tràng. Ở giai đoạn này, điều trị ung thư sẽ phải cắt đoạn đại trực tràng.
- Nếu ung thư phát hiện ở giai đoạn II, ung thư đã ăn lan trong thành đại tràng, trực tràng và có thể đến lớp ngoài của đại tràng trực tràng, chưa di căn hạch, điều trị phẫu thuật cắt bỏ đoạn đại trực tràng.
- Ung thư ở giai đoạn III có di căn hạch, chưa xâm lấn các cơ quan khác trong cơ thể. Điều trị ung thư bằng cách cắt bỏ đại trực tràng, hóa trị và xạ trị sau mổ.
- Ung thư ở giai đoạn IV khi có di căn tới các cơ quan khác: Lúc này, điều trị ung thư bằng cách cắt đại trực tràng, hóa xạ trị có thể kèm theo và có thể cắt bỏ cơ quan di căn xa nếu phẫu thuật được.
Đối tượng có nguy cơ cao
Bác sĩ Việt cho biết người 40 tuổi trở lên nên tầm soát ung thư đại trực tràng định kỳ. Bộ Y tế khuyến cáo các đối tượng có nguy cơ cao mắc ung thư đại trực tràng là người thường xuyên bị viêm loét đại trực tràng, người có người thân trong gia đình mắc ung thư đại trực tràng, người đã phát hiện polyp hoặc đã cắt bỏ polyp. Nhóm đối tượng này cần tầm soát sớm.
Bên cạnh đó, người dân cần phải có chế độ ăn lối sống lành mạnh: hạn chế ăn quá nhiều thịt, đồ ăn nhanh, thực phẩm nhiều muối, đồ uống có cồn; tăng cường vận động thể lực để nâng cao sức khoẻ.