100 ngày sau vụ Mỹ ám sát tướng Iran: Kẻ "ném đá giấu tay" và những mục tiêu bị đổ bể?

Hoài Giang |

Mỹ tiếp tục ảo tưởng rằng từ khoảng cách 10.000 km với Iraq, họ vẫn có thể duy trì "quyền bá chủ", không bị kiểm soát và được thừa nhận ở vị trí mạnh nhất, độc tôn ở Trung Đông.

Ngày 19/4, trang tin The Alt World đăng tải bài viết nhan đề "100 days after the assasination of Soleimani: Did the US achieve its goals?" (tạm dịch: 100 ngày sau vụ ám sát tướng Soleimani: Mỹ đã đạt được mục tiêu?) của nhà phân tích Elijah J.Marnier.

Bài viết kết nối các sự kiện diễn ra ở Iraq nói riêng và Trung Đông nói chung trước, trong và sau vụ việc Mỹ ám sát tư lệnh Lực lượng Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) tháng 1/2020, nhằm đem lại cho độc giả cái nhìn khách quan, chúng tôi xin lược dịch bài viết.

Kẻ "ném đá giấu tay" trong cái chết của vị tướng Iran?

Theo một bài viết trên tờ Times of Israel, chỉ vài giờ sau vụ ám sát Thiếu tướng Qassem Soleimani vào ngày 3/1/2020, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã ca ngợi quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump là "quyết tâm, mạnh mẽ và nhanh chóng".

Không những vậy, các lãnh đạo Israel ở mọi phe phái chính trị đồng loạt tuyên bố rằng đây là hành động "dũng cảm" và họ sẽ "vai kề vai" với người Mỹ trong cuộc chiến "vì an ninh, hòa bình và tự vệ".

Mặc dù tình báo Israel luôn "nắm trong lòng bàn tay" mọi hoạt động "con thoi" của vị tướng khét tiếng này, từ Iran đến Beirut, Damascus, Baghdad, Erbil và các quốc gia khác ở Trung Đông nhưng chưa bao giờ Tel Aviv xuống tay ám sát ông.

Đêm ngày 1/1/2020, Tướng Soleimani đã trở về Damascus, Syria sau chuyến viếng thăm Tổng thư ký Hezbollah Sayyed Hassan Nasrallah tại Beirut, thủ đô Lebanon.

Giống như mọi buổi sáng khác trong các chuyến công du Syria, Soleimani đã yêu cầu tất cả các sĩ quan tùy tùng tiến hành một cuộc họp ngay sau buổi cầu nguyện sáng. Cuộc họp đã diễn ra trong hơn 12 giờ trước khi ông rời Damascus và bay tới Baghdad, Iraq.

Ông Netanyahu đã tỏ ra vô cùng khôn ngoan và lão luyện khi không lựa chọn trực tiếp ám sát Tướng Soleimani ngay lúc vị tư lệnh này ở Beirut hay Damascus, vì chắc chắn một "cơn mưa" rocket và tên lửa khủng khiếp sẽ bắn phá Israel "chỉ một phút" sau hành động đó.

100 ngày sau vụ Mỹ ám sát tướng Iran: Kẻ ném đá giấu tay và những mục tiêu bị đổ bể? - Ảnh 1.

Hình minh họa.

"Cơ hội vàng" của người Mỹ

Vào những ngày cuối tháng 12/2019, cả ông Netanyahu lẫn TT Mỹ Donald Trump (theo một số nguồn tin) đều cho rằng rằng "đấu trường Iraq" đang "bùng cháy dưới chân người Iran".

Ngọn lửa biểu tình đang lan rộng ra phần phía nam của nước này nơi có đa số là người Hồi giáo Shia (bao gồm cả thủ đô Baghdad).

Người Mỹ có thể đã nhận định rằng Iran đang "tự đánh mất đặc quyền" ở Iraq, đặc biệt là khi hàng chục thanh niên đốt phá lãnh sự quán Iran ở Karbala và Najaf.

Nhưng những người biểu tình đổ ra đường chủ yếu nhằm mục đích phản đối tham nhũng, thiếu cơ hội tiếp cận việc làm và cơ sở hạ tầng cơ bản bị thiếu thốn, chứ không phải để chống lại Iran.

Tất cả bắt nguồn từ một sai lầm khác khi các đơn vị Lực lượng Huy động Dân quân (PMF) - với sự hỗ trợ quân sự kịp thời của Iran đã mạnh mẽ đẩy lui nhóm khủng bố IS lúc này đang chiếm đóng 1/3 lãnh thổ Iraq.

Trong khi đó Mỹ lại từ chối chuyển giao giao vũ khí cho Iraq dù đã được thanh toán.

100 ngày sau vụ Mỹ ám sát tướng Iran: Kẻ ném đá giấu tay và những mục tiêu bị đổ bể? - Ảnh 2.

PMF với sự hỗ trợ của Iran đã trở thành lực lượng quân sự mạnh thứ 2 ở Iraq bên cạnh Lực lượng An ninh Iraq (ISF).

Washington tiếp tục ảo tưởng rằng từ khoảng cách 10.000 km với Iraq, họ vẫn có thể duy trì "quyền bá chủ", không bị kiểm soát và được thừa nhận ở vị trí mạnh nhất, độc tôn ở Trung Đông.

Một chiến dịch truyền thông được tự đánh giá là "thành công" để biến PMF thành "một nhóm vũ trang ủy nhiệm của Iran".

Biểu tình lan rộng tại các thành phố Hồi giáo Shia tại Iraq được cho là một nỗ lực kích động của Mỹ nhằm cản trở mục tiêu của Iran là làm cho quốc gia láng giềng ổn định hơn.

Nỗ lực này hiệu quả đến mức ngay cả lãnh đạo tôn giáo cao nhất ở Iraq Sayyed Ali Sistan, đã yêu cầu Thủ tướng Adil Abdul Mahdi từ chức. Việc thực thi hiến pháp bị suy yếu, sự ổn định của Iraq bị đe dọa nghiêm trọng.

Trong bối cảnh đó, việc Tướng Soleimani không thể thuyết phục các nhà lãnh đạo Shia Iraq đồng thuận với một người được đa số nhân dân ủng hộ trở thành lãnh đạo quốc gia được cho là "thời cơ vàng" khiến Mỹ chộp lấy nhằm ám sát vị tướng Iran.

100 ngày sau vụ Mỹ ám sát tướng Iran: Kẻ ném đá giấu tay và những mục tiêu bị đổ bể? - Ảnh 3.

Người biểu tình tập trung tại Baghdad, Iraq, ngày 25/10/2019 (Nguồn: THX/TTXVN).

Những mục tiêu bị "đổ bể"

Vụ ám sát đẫm máu đã đẩy hơn một triệu người xuống đường biểu tình phản đối sự hiện diện của Mỹ ở Iraq và bày tỏ niềm thương tiếc  đối với Tướng Soleimanin cùng cố chỉ huy al-Muhandes của PMF, những người đã chiến đấu chống IS trong nhiều năm.

Lần đầu tiên, tất cả các nhóm, đảng phái và tổ chức chính trị đã thống nhất dưới một khẩu hiệu: "Lính Mỹ phải rời khỏi Iraq".

Quốc hội Iraq đã nhóm họp, 173 thành viên đã bỏ phiếu đồng thuận yêu cầu chính phủ nước này phải làm việc để các lực lượng nước ngoài phải rời khỏi Iraq.

Cái giá cho vụ ám sát Tướng Soleimani và chỉ huy Muhandes là không hề rẻ đối với Tổng thống Trump và đồng minh thân cận là ông Netanyahu, đặc biệt là khi những người biểu tình chống chính phủ đã không còn ra đường kể từ sau ngày đen tối đó.

100 ngày sau vụ Mỹ ám sát tướng Iran: Kẻ ném đá giấu tay và những mục tiêu bị đổ bể? - Ảnh 5.

Chân dung của Qassem Soleimani, Abu-Mahdi al-Muhandis và những người đồng hành bị ám sát bởi máy bay không người lái (UAV) của Mỹ tại sân bay Baghdad, Iraq.

Khi ông Trump tin rằng các "lực lượng ủy nhiệm của Iran" ở Iraq sau cái chết của hai nhà lãnh đạo sẽ "mồ côi", thì cuộc ám sát đã vô tình trao cho PMF và Iran một "đòn bẩy". Trên thực tế những tuần gần đây, các nhóm vũ trang Iraq chống Mỹ đang mọc lên "như nấm".

Các nhóm này đã nỗ lực "thể hiện" bằng cách công bố các cảnh quay từ máy bay không người lái (UAV) trên bầu trời tại khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt nhất ở Iraq như Đại sứ quán Mỹ và căn cứ Ayn al-Assad nơi từng bị tên lửa đạn đạo Iran tập kích hôm 8/1/2020.

Một nhóm khác còn "tự chứng minh năng lực" bằng vụ đánh bom kép sử dụng IED (thiết bị nổ tự chế) nhằm vào đoàn xe quân sự Mỹ.

Về chính trị, Tổng thống Iraq Barham Saleh đã nắm lấy cơ hội và loại bỏ một đối thủ chính trị - ứng cử viên chống Iran và thân Mỹ, Adnan al-Zurfi và thay thế bằng một thủ tướng mới "được Tehran chấp nhận".

Còn Quân đội Mỹ, họ đã phải tức tốc ra lệnh rút các binh sĩ của mình khỏi 6 cứ điểm và căn cứ lẻ ở vùng sâu vùng xa để tái bố trí ở những căn cứ được bảo vệ tốt hơn.

Giờ đây những người lính Mỹ chẳng thể tự do di chuyển trên đường phố Iraq bởi họ phải đối mặt với nguy cơ trở thành mục tiêu di động.

Elijah J.Marnier là nhà phân tích chính trị cao cấp. Với hơn 32 năm kinh nghiệm ở Châu Âu và Trung Đông, ông có cái nhìn chuyên sâu về các cuộc xung đột, liên kết với tình hình chính trị ở Iran, Iraq, Lebanon, Libya, Sudan và Syria.

Đoạn phim miêu tả vụ phục kích của các tay súng thuộc nhóm vũ trang Iraq Ashab al-Kahf nhằm vào đoàn xe quân sự của Mỹ hôm 9/4/2020.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại