100 năm nữa, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ biến mất? Chuyên gia Việt Nam lý giải

Hoa Hướng Dương |

Khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long đang đối mặt với nhiều thách thức từ biến đổi khí hậu, đe dọa tới sự tồn tại trong tương lai.

Những năm gần đây, tình trạng sụt lún, sạt lở, xâm nhập mặn gây thiếu nước ngọt và đất canh tác hay lũ lụt hay đã tàn phá khu vực đồng bằng Sông Cửu Long (ĐB SCL) một cách rất nặng nề.

Trên báo Dân trí, ông Nguyễn Văn Thể - Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng còn nhận định nếu chúng ta không kịp thời ngăn chặn và đưa ra giải pháp ứng phó thì chỉ 100 đến 200 năm tới ĐB SCL có thể biến mất hoàn toàn.

ĐB SCL đang mất dần diện tích vì BĐKH

a. Thực trạng ở khu vực ĐB SCL

Khu vực ĐB SCL vốn rất hiền hòa, ít mưa bão mạnh nhưng trong tương lai, nhất là dưới bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH) đang hiện hữu trước mặt, từng ngày từng giờ ở khu vực này thì không ai có thể dám chắc sự "hiền hòa" nơi đây có còn nữa không!

100 năm nữa, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ biến mất? Chuyên gia Việt Nam lý giải  - Ảnh 1.

Từng tấc đất đang bị mất đi mỗi ngày vì nước biển bào mòn. Ảnh SGGP English Edition.

Chính vì ít khi gặp các cơn bão mạnh nên nhà cửa nơi đây khó lòng có thể chịu được những cơn bão lốc cấp 10 - 11, theo ông Thể thì thậm chí nhà cửa ở nơi đây sẽ bị tàn phá hoàn toàn.

"Nếu có các cơn bão, giông lốc cấp 10-11, tôi nghĩ hầu như các nhà cửa ở ĐBSCL sẽ hư hỏng hoàn toàn", ông Thể nhận định. Nhưng trên hết, mối nguy hiểm đang rình rập mỗi ngày là tình trạng sạt lở làm mất diện tích đất tương đương 1,4 sân bóng đá/ngày ở ĐB SCL.

Có những nguyên nhân chủ quan (khai thác cát, nước ngầm quá mức) hay khách quan (nền đất mềm, nước biển xâm nhập) dẫn tới hiện tượng này, trong đó tác động từ BĐKH là mạnh mẽ nhất.

Tại Kiên Giang, nơi được cho là đang diễn ra tình trạng sạt lở đất ven biển nhiều nhất khi 70 km diện tích đất ven biển đã bị nước biển xâm nhập, làm 600 ha rừng phòng hộ biến mất, gây ảnh hưởng tới cuộc sống của khoảng 500 hộ gia đình nơi đây.

Huyện An Minh (Kiên Giang) là nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất khi gần 37 km đất bờ biển bị phá hủy (theo talkvietnam.com), còn trên 600 km đường bờ biển của cả khu vực ĐB SCL thì có tới 90% đã bị nước biển dâng gây xói lở.

Người bảo vệ rừng tại ấp Kim Quy B, xã Vân Khánh (Kiên Giang) cho biết 10 năm trước diện tích rừng đước phòng hộ của ấp là 40.000 m2, thế nhưng giờ đây con số này chỉ còn lại 4.000 m2 do sự xâm nhập của nước biển (theo vietnamfriendship.vn).

100 năm nữa, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ biến mất? Chuyên gia Việt Nam lý giải  - Ảnh 2.

Rất nhiều tỉnh của khu vực ĐB SCL sẽ bị tác động nặng nề bởi BĐKH. Ảnh Tin Tức Miền Tây Online.

Đây chỉ là một ví dụ cho thấy tình trạng đang diễn ra tương tự ở rất nhiều nơi khác của khu vực ĐB SCL như ở Cà Mau mỗi năm nước biển lại lấn sâu vào đất liền khoảng 15 m (thậm chí là 40 m ở một số nơi).

b. Nghiên cứu khoa học và dự đoán tương lai của khu vực ĐB SCL cuối thế kỷ này

Trong kết quả nghiên cứu từ đề tài: Nghiên cứu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến sự biến đổi tài nguyên nước Đồng bằng sông Cửu Long của 10 nhà khoa học đăng ngày 23/11/2016 trên Website của Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia - Bộ Tài nguyên và Môi trường như:

GS Trần Thục - Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn quốc gia về biến đổi khí hậu và công tác tại Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi Trường, PGS. TS Trần Hồng Thái (Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi Trường)...

Theo tính toán với một số kịch bản cuối thể kỷ thì nếu nước biển dâng cao, diện tích đất bị ngập mặn sẽ là: 50cm (4,48 %), 60cm (8,58%), 70cm (14,7%), 80cm (21 %), 90cm (28,2%) và 100cm (38,9%).

Trong đó, kịch bản nước biển dâng 100 cm sẽ diễn ra vào năm 2100 gây ảnh hưởng tới các tỉnh Hậu Giang (80,62%), Kiên Giang (76,9%). TP.HCM (17,8%).

Cụ thể hơn, nếu kịch bản tồi tệ nhất xảy ra với sự dâng cao của nước biển khi lượng phát thải khí nhà kính cao thì từ năm 2020 đến cuối thể kỷ này, các khu vực bị ảnh hưởng mạnh cùng mực dâng của nước biển sẽ như bảng sau:

100 năm nữa, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ biến mất? Chuyên gia Việt Nam lý giải  - Ảnh 3.

Mực nước biển dâng theo kịch bản xấu nhất. Ảnh chụp từ đề tài: Nghiên cứu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến sự biến đổi tài nguyên nước Đồng bằng sông Cửu Long. Nguồn: TTKTTV QG

Một nghiên cứu của các nhà khoa học tới từ Hiệp hội quốc tế của các mạng thông tin về khoa học Trái đất (CIESIN) thuộc đại học Columbia, Đại học Quốc gia Mỹ và tổ chức quốc tế CARE thì ảnh hưởng của BĐKH sẽ tác động tới 70 triệu người năm 2050.

Một báo cáo khác có tiêu đề Mapping the Effects of Climate Change on Human Migration and Displacement trên Search of Shelter cũng chỉ ra khu vực ĐB SCL, đồng bằng sông Nile, đồng bằng Ganges (Bangladesh) là 3 đồng bằng chịu tác động mạnh nhất của nước biển dâng.

Trong đó ĐB SCL sẽ là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo đánh giá của nghiên cứu trên thì nếu mực nước dâng cao 2 m cuối thế kỷ này, khu vực ĐB SCL sẽ mất đi gần 1 nửa diện tích đất liền.

Từ nghiên cứu trên, có thể thấy vào cuối thế kỷ này (2100 hay 83 năm sau) khu vực ĐB SCL sẽ mất đi gần 40 % diện tích, mà như nhận định từ ông Nguyễn Văn Thể thì 100 đến 200 năm sau ĐB SCL sẽ biến mất cũng không phải là điều không thể xảy ra.

Bài viết sử dụng các nguồn: Earth.columbia.edu, Talkvietnam.com, Vietnamfriendship.vn

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại