Những thuật ngữ thường gặp vào những năm gần đây như biến đổi khí hậu hay ấm lên toàn cầu có lẽ không còn xa lạ gì đối với chúng ta, thế nhưng dường như việc phân biệt hay hiểu một cách chính xác chúng lại khiến nhiều người bối rối.
Hai khái niệm này thường song hành với nhau mà do chưa hiểu biết thấu đáo nên nhiều người còn sử dụng lẫn lộn hay thậm chí thay đổi vai trò của chúng.
Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu và phân biệt được sự khác nhau cơ bản giữa hai khái niệm trên!
Để đơn giản, hãy hình dung rằng Trái Đất của chúng ta hiện nay đang mắc một "chứng bệnh" mang tên "biến đổi khí hậu" mà triệu chứng của căn bệnh có thể biểu hiện với nhiều hình thức khác nhau, trong đó "ấm lên toàn cầu" là một biểu hiện tiêu biểu và rõ rệt nhất.
Ấm lên toàn cầu đang khiến cho nhân loại đứng trước các thách thức chưa từng thấy. Ảnh Phys.org.
Như vậy là bạn đã có thể nhanh chóng phân biệt một cách cơ bản và chính xác 2 khái niệm cơ bản này để không sử dụng lẫn lộn hay nhận thức sai lầm nữa. Bây giờ chúng ta sẽ tìm hiểu sâu thêm về hai thuật ngữ trên.
1. Biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu có thể do nguyên nhân tự nhiên (như va chạm với thiên thạch, núi lửa phun trào...) và nguyên nhân nhân tạo (do các hoạt động phát thải khí CO2 cùng các khí gây hiệu ứng nhà kính ra khí quyển của con người).
Ở đây, ngày nay, chúng ta hiểu ý nghĩa của khái niệm này theo nghĩa thứ hai vì thực tế biến đổi khí hậu không phải là căn bệnh mà Trái Đất mắc phải lần đầu, trong lịch sử nó đã từng trải qua những sự biến đổi khí hậu thậm chí còn ghê gớm hơn ngày nay.
Ví dụ: Kỷ băng hà hay thời kỳ ấm lên (interglacials) trên chu kỳ 100.000 năm với ít nhất 1 triệu năm trước.
Nhưng sự biến đổi khí hậu lần này lại được đa số các nhà khoa học cho là có nguyên nhân từ chính con người (tự nhiên chiếm phần rất nhỏ). Đó cũng chính là định nghĩa mà Công ước Khung của Liên hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (United Nations Framework Convention on Climate Change) đưa ra:
Theo đó, biến đổi khí hậu là sự thay đổi thành phần khí quyển toàn cầu cùng những biến đổi của hệ thống khí hậu quan sát được trong thời gian dài có nguyên nhân trực tiếp hay gián tiếp bởi con người.
Hệ thống khí hậu ở đây bao gồm khí quyển, sinh quyển, thủy quyển, thạch quyển.
2. Ấm lên toàn cầu (hay cũng gọi là sự nóng lên toàn cầu)
Như đã nói trên, ấm lên toàn cầu là một trong số những biểu hiện của biến đổi khí hậu, theo đó biểu hiện cụ thể là sự tăng nhiệt độ trung bình bề mặt (bao gồm không khí và đại dương).
Ấm lên toàn cầu là một trong số những triệu chứng bệnh điển hình của căn bệnh biến đổi khí hậu mà Trái Đất mắc phải. Ảnh climate.gov.
Theo biểu hiện của biến đổi khí hậu mà Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) đưa ra năm 2007 bao gồm:
- Sự tăng lên của nhiệt độ trung bình toàn cầu (ấm lên toàn cầu)
- Sự dâng cao mực nước biển (do sự giãn nở của nước biển khí đại dương ấm lên và băng ở hai cực tan ra)
- Sự thay đổi trong thành phần cũng như chất lượng khí quyển, thủy quyển, sinh quyển, địa quyển
- Sự thay đổi chu trình hoạt động của quá trình hoàn lưu khí quyển, chu kỳ tuần hoàn của nước trên Trái Đất và các chu trình địa hóa khác
- Sự thay đổi năng suất sinh học của các hệ sinh thái.
Trong đó, sự ấm lên toàn cầu và sự dâng cao của nước biển chính là hai biểu hiện chính của sự biến đổi khí hậu.
Bây giờ thì chắc hẳn bạn sẽ không bao giờ phải bối rối trước những thuật ngữ này và có thể hiểu được chính xác ý nghĩa của chúng rồi đấy!
Bài viết được dịch từ các nguồn: Wunderground.com, Climate.gov