Gần 60.000 người Ấn Độ tự sát vì biến đổi khí hậu: Khi thuốc sâu không dùng cho cây trồng!

Hoa Hướng Dương |

Bế tắc trước cuộc sống khó khăn và khắc nghiệt, những người nông dân đã uống thuốc trừ sâu để tự tử. Biến đổi khí hậu quả là vô cùng đáng sợ.

Biến đổi khí hậu gây thiệt mạng cho con người có vẻ không có gì làm lạ, khi mà thiên tai, bão lũ, nhiệt độ cao... đều có thể làm con người phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất.

Thế nhưng, đó lại là những tác động trực tiếp, còn tác hại gián tiếp của nó cũng không hề kém cạnh khi mỗi năm biến đổi khí hậu "dồn bức" con người vào chỗ bế tắc đến cùng cực, mà gần 60.000 vụ tự tử ở Ấn Độ trong vòng 30 năm qua chính là minh chứng rõ nét nhất. (Theo nghiên cứu của Tamma Carleton đăng trên tờ Independent ngày 1/8/2017).

Biến đổi khí hậu dồn người nông dân vào con đường túng quẫn

Giờ đây, tự tử vì biến đổi khí hậu lại là vấn đề nóng nhất ở Ấn Độ cũng như trở thành gánh nặng xã hội cho đất nước này, gây áp lực lớn cho các nhà lập pháp tại quốc gia đông dân thứ hai thế giới này.

Gần 60.000 người Ấn Độ tự sát vì biến đổi khí hậu: Khi thuốc sâu không dùng cho cây trồng! - Ảnh 1.

Tỷ lệ người chết sẽ tăng lên 67 vụ nếu nhiệt độ tăng lên 1 độ C. Ảnh: AP.

Nghiên cứu mới của của chuyên viên nghiên cứu Tamma Carleton tới từ Đại học California- Berkeley, Mỹ đã tìm ra mối liên hệ giữa số vụ tự tử ngày càng gia tăng một cách đáng chú ý ở Ấn Độ với biến đổi khí hậu.

Kết quả là cứ mỗi một độ C tăng tên lại làm tăng số vụ tự sát lên 67 vụ, nếu nhiệt độ tăng tới 5 độ C thì sẽ có 335 vụ tự sát xảy ra.

Bà Carleton cho hay: "Theo kết quả nghiên cứu của tôi, nhiệt độ và số ca tự sát ở Ấn Độ là hai đại lượng tỷ lệ thuận. Xu hướng nhiệt độ tăng cao trong 3 thập kỷ gần đây làm gia tăng hơn 59.000 vụ tự tử khắp Ấn Độ".

Hơn nữa bà còn chỉ ra mức nhiệt trung bình của Ấn Độ sẽ tăng lên tới 3 độ C năm 2050, biến đất nước này trở thành một trong những quốc gia nóng nhất thế giới.

Những mối liên hệ giữa số ca tự tử và nhiệt độ, lượng mưa ở Ấn Độ trong 3 thập kỷ gần đây

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng 59.300 vụ tự tử trong vòng 30 năm (dữ liệu từ năm 1967 đến 2013 của Cục báo cáo tội phạm quốc gia Ấn Độ (NCRB)) mà chủ yếu là người dân thuộc lĩnh vực nông nghiệp hay một bộ phận công nhân có nguyên nhân từ sự nóng lên toàn cầu.

Trong đó, nghiên cứu cho thấy nhiệt độ tăng trong thời gian mùa vụ tác động rất nhiều tới các vụ tự tử, còn ngoài thời gian này thì nhiệt độ không có mối liên hệ đáng kể tới số lượng các vụ tự sát.

Nói cách khác, sự căng thẳng nông nghiệp do biến đổi khí hậu gây ra là nguyên nhân làm gia tăng các vụ tụ tử của người nông dân Ấn Độ.

Carleton cho biết thêm: "Tỷ lệ tự sát cũng giảm xuống khi lượng mưa tăng lên". Con số này sẽ giảm trung bình 7% tỷ lệ tự tử nếu lượng mưa mỗi năm tăng lên 1 cm.

Con số thống kê cũng cho thấy, số vụ tự tử tăng đột biến rơi vào những năm chịu ảnh hưởng khắc nghiệt nhất của thời tiết như năm 2015 (với 12.602 vụ tự tử của nông dân - số liệu lấy từ NCRB, đăng trên tờ Independent ngày 1/8/2017).

Bộ trưởng nông nghiệp Radha Mohan Singh cho hay số ca tự tử năm 2016 ở Ấn Độ là 11.458, đây là con số thấp nhất trong 2 thập kỷ. Thực tế năm 2016 cũng là năm có mức nhiệt trung bình và mùa mưa diễn ra bình thường.

Ấn - Ảnh 3.

Người nông dân bế tắc vì biến đổi khí hậu đến nỗi phải uống thuốc trừ sâu để "giải thoát" cho mình. Ảnh: Jagadeesh Nv/European Pressphoto Agency.

Có thể thấy những tác động mà biến đổi khí hậu có thể gây ra với quốc gia đông dân thứ 2 thế giới này là rất lớn.

Theo chính quyền Ấn Độ thì nợ nần, sự leo thang của giá cả do mùa vụ thất bát, sự khan hiếm nước sạch hay công việc, bế tắc trong cuộc sống là những điều mà biến đổi khí hậu đã và đang đồn ép người nông dân Ấn Độ.

"Chúng ta có lẽ không thể ngăn chặn quá trình ấm lên toàn cầu nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không thể làm gì để giảm số ca tự tử", bác sĩ tâm thần học và chuyên gia sức khỏe tinh thần của Đại học Harvard (Mỹ) người Ấn Độ Vikram Patel cho hay.

Kết quả nghiên cứu được công bố trên Tạp chí khoa học Proceedings of the National Academy of Sciences (PNAS).

Bài viết được dịch từ các nguồn: Washingtonpost.com, Independent.co.uk, Indianexpress.com

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại