Chỉ 5 tháng gây thiệt hại 7900 tỷ đồng, đây là thứ đe dọa "nuốt gọn" ĐB sông Cửu Long!

Trang Ly |

Kịch bản biến đổi khí hậu của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay, năm 2100 nhiệt độ trung bình của Đồng bằng sông Cửu Long tăng từ 2,5 - 3,7 độ C, nước biển dâng cao 0,8 - 1 mét.

Hệ quả là, sẽ có khoảng 40% diện tích của Đồng bằng sông Cửu Long bị nước biển "nuốt gọn".

Để giải quyết bài toán này, trong hai ngày 26 và 27/9/2017 tại Cần Thơ đã diễn ra Hội nghị về chuyển đổi mô hình phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo nhiều chuyên gia, đây là "Hội nghị Diên Hồng" cho Đồng bằng sông Cửu Long nhằm xác định các nhóm giải pháp chiến lược về chuyển đổi có quy mô lớn cho phát triển bền vững tầm nhìn đến năm 2100.

Trước khi đạt được những kết quả cuối cùng từ hội nghị, hãy cùng nhìn về những hiện trạng và "kịch bản" có thể xảy ra trong tương lai trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến khôn lường.

Chỉ 5 tháng gây thiệt hại 7900 tỷ đồng, đây là thứ đe dọa nuốt gọn ĐB sông Cửu Long! - Ảnh 1.

Đến năm 2100, dự báo có đến 40% diện tích của ĐB SCL bị nước biển "nuốt gọn". Ảnh minh họa.

Hiện trạng từ biến đổi khí hậu đáng báo động tại Đồng bằng sông Cửu Long

Liên quan đến vấn đề những thách thức mà Đồng bằng sông Cửu Long đã, đang và sẽ đối mặt trước hậu quả của biến đổi khí hậu, thời sự VTV đưa tin, theo các chuyên gia, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất của biến đổi khí hậu, trong đó Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề.

1. Hạn mặn gây thiệt hại hàng chục nghìn tỷ đồng

Tính đến cuối năm 2015 – đầu năm 2016, đợt hạn mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long (BĐSCL) là một lời cảnh báo hết sức rõ ràng.

Theo đó, hầu hết các cửa sông tại BĐSCL đều bị xâm mặn từ 50 đến 70km. Trong đó, sông Vàm Cỏ xâm mặn hơn 90km.

Đợt hạn mặn gây ra hàng loạt hậu quả nặng nề về người và sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, VTV cho biết, 11 trên 13 tỉnh thành buộc phải công bố tình trạng thiên tai; Gần 500.000 hecta tổng diện tích lúa, hoa màu bị thiệt hại; Trên 82.000 hecta đất tôm nuôi cũng bị thiệt hại; Vào thời gian cao điểm của đợt hạn mặn này, có đến 390.000 hộ thiếu nước sinh hoạt.

Tính đến hết tháng 5/2016, ước tính thiên tai đã gây ra thiệt hại gần 15.000 tỷ đồng. Tính riêng 5 tháng đầu năm 2017, hạn mặn tiếp tục gây thiệt hại 7.900 tỷ đồng cho khu vực BĐSCL.

Chỉ 5 tháng gây thiệt hại 7900 tỷ đồng, đây là thứ đe dọa nuốt gọn ĐB sông Cửu Long! - Ảnh 2.

Hình ảnh đất bị xâm nhập mặn. Ảnh minh họa: Phys.org

2. Sạt lở đất nghiêm trọng khiến người dân khốn đốn

Từ 2010 đến nay, diễn biến sạt lở bờ sông, bờ biển có xu thế ngày càng gia tăng. Tốc độ xói mòn đã vượt tốc độ bồi tích làm diện tích ĐBSCL giảm khoảng 300 hecta một năm.

Cũng theo bản tin thời sự VTV, tình trạng sạt lở tại ĐBSCL cũng khiến nhiều khu vực rừng phòng hộ bị biến mất. ĐBSCL hiện có trên 560 điểm sạt lở với tổng chiều dài gần 790 km.

Riêng sạt lở bờ sông có 49 điểm, với tổng chiều dài lên đến 266km, trong đó, chứa khu vực bờ biển Cà Mau và Kiên Giang.

Nguyên nhân

Việc Trái Đất ngày càng bị "hun nóng" bởi hàng loạt các khí gây hiệu ứng nhà kính, phát sinh từ các hoạt động công nghiệp, giao thông và sinh hoạt của con người, (trong đó, nguyên nhân đến từ hoạt động của tự nhiên chiếm phần nhỏ (bao gồm hoạt động của núi lửa, cháy rừng...) đã khiến băng ở hai cực và nhiều khu vực khác trên thế giới tan chảy mạnh, gây nên đại nạn nước biển dâng.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học đăng tải trên Tạp chí Scientific Reports, biến đổi khí hậu đang khiến mực nước biển dâng trung bình 4mm mỗi năm.

Việc nước biển dâng cao tác động trực tiếp đến các quốc gia ven biển. Không chỉ khiến các quốc gia này hứng chịu nhiều cơn bão mạnh, nước biển xâm lấn còn khiến đất ngập mặn trên quy mô lớn.

Chuyên gia đánh giá, Việt Nam là quốc gia có mực nước dâng cao hơn mức trung bình toàn cầu. Điều này đồng nghĩa với việc mức độ phì nhiêu của vùng châu thổ lớn nhất nước (ĐBSCL) sẽ giảm dần diện tích.

Theo số liệu thống kê của Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, hiện tượng sạt lở đã và đang xảy ra ngày một nghiêm trọng ở hai bên bờ sông Tiền và sông Hậu (vùng thượng và hạ châu thổ), nhất là vào khoảng thời gian đầu và cuối mùa mưa lũ, tác động đến đời sống và sản xuất của khoảng 19 triệu dân tại đây.

Cà Mau được xem là một trong những tỉnh chịu tác động nặng nề nhất do biến đổi khí hậu và nước biển dâng. (Có nơi, nước biển cách con lộ ở Cà Mau chỉ vài chục mét). Mỗi năm, biển lấn sâu vào Cà Mau 15m, có khu vực lên đến 50m.

Bên cạnh nguyên nhân nước biển dâng cao, thì các hoạt động khai thác tự nhiên (như khai thác cát ở sông và khai thác nước ngầm) một cách tràn lan của con người cũng là những nguyên nhân khiến cho những thách thức mà ĐBSCL đang đối mặt thêm nặng nề.

Những "kịch bản" đáng lo ngại về biến đổi khí hậu tác động đến ĐBSCL

Tờ Businessinsider từng có bài viết về đại nạn nước biển dâng sẽ khiến bản đồ thế giới phải... vẽ lại. Có nghĩa là, theo dự báo của Hội nghị Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (IPCC), mực nước biển sẽ dâng từ 30 cm (năm 2013) đến 100 cm, thậm chí là 200 cm đến 300 cm (vào năm 2100).

Chỉ 5 tháng gây thiệt hại 7900 tỷ đồng, đây là thứ đe dọa nuốt gọn ĐB sông Cửu Long! - Ảnh 3.

Vùng Amazon ở châu Mỹ sẽ biến mất vào năm 2100. Nguồn: Alex Kuzoian/Business Insider

Viễn cảnh đáng sợ này có thể khiến các quốc gia ven biển đối mặt với lũ lụt, ngập mặn gấp 2 lần so với các quốc gia khác. Trong đó, các thành phố lớn như San Francisco (Mỹ), Mumbai (Ấn Độ), TP. Hồ Chí Minh (Việt Nam) và Abidjan (Bờ Biển Ngà) phải đối mặt với nguy cơ lũ lụt rất cao.

Nhiều khu vực khác trên thế giới như Cairo (của Ai Cập), bang Florida (Mỹ), Anh, Hà Lan, Singapore... sẽ bị xóa sổ hoàn toàn vào năm 2100. Khi đó, bản đồ thế giới buộc phải vẽ lại là điều không thể tránh khỏi.

Không nằm ngoài "kịch bản" của đại nạn nước biển dâng trên toàn thế giới, hệ quả của biến đổi khí hậu, khu vực ĐBSCL cũng phải gánh chịu "tương lai" không mấy sáng sủa. Cụ thể, theo Zing phân tích:

Riêng về nhiệt độ nước biển, năm 2100, nhiệt độ nước biển tại Việt Nam tăng 3 độ C. Mực nước biển ĐBSCL tăng từ 55 – 75 cm, khiến cho 40% tổng diện tích của vùng năm 2100 bị ngập nước.

Việc nước biển dâng, xâm mặn sẽ khiến cho 45% diện tích vùng ĐBSCL bị nhiễm mặn vào năm 2030, ước tính gây thiệt hại đến 17 tỷ USD.

Chỉ 5 tháng gây thiệt hại 7900 tỷ đồng, đây là thứ đe dọa nuốt gọn ĐB sông Cửu Long! - Ảnh 4.

Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực có sản lượng nông sản lớn nhất tại Đông Nam Á. Ảnh minh họa: Pinterest.

Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực có sản lượng nông sản lớn nhất tại Đông Nam Á. Nếu không có những biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu thì "vựa lúa" lớn nhất Việt Nam có nguy cơ bị ảnh hưởng rất cao.

Tham khảo các nguồn: Businessinsider, VTV, Zing, TTXVN

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại