Nhân loại sắp đối mặt đại nạn nước biển dâng, có thể xóa sổ nhiều khu vực trên toàn cầu

Trang Ly |

Trong số những dự báo thảm họa tự nhiên, đại nạn nước biển dâng có tác động khủng khiếp nhất tới sự sống còn của nhân loại.

Những con số đáng báo động về đại nạn nước biển dâng

Theo nghiên cứu mới nhất đăng tải trên tạp chí khoa học Scientific Reports, biến đổi khí hậu đang khiến mực nước biển dâng 4mm mỗi năm.

Việc Trái Đất ngày càng bị hun nóng bởi các khí nhà kính phát thải ra từ các hoạt động công nghiệp, giao thông, sinh hoạt của con người và một phần hoạt động của tự nhiên (như núi lửa, cháy rừng...) đã khiến băng ở nhiều nơi trên thế giới tan chảy mạnh.

Giới khoa học cho biết, mực nước biển dâng tác động trực tiếp đến các nước ven biển. Các cơn sóng thần kết hợp cùng các cơn bão theo mùa sẽ khiến nước biển ngày càng bị cuốn vào đất liền, gây lũ lụt và ngập mặn trên quy mô toàn cầu.

Theo dự báo của Hội thảo Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (IPCC), vào năm 2100, mực nước biển sẽ tăng từ 30cm năm 2013 đến 100cm.

Tuy nhiên, khi đối chiếu với thực tế nhức nhối khi các tảng băng lớn ở hai cực và nhiều khu vực khác trên thế giới tan chảy mạnh do nóng lên toàn cầu khiến các nhà khoa học lo sợ: Đến cuối thế kỷ 21, mực nước biển có thể tăng lên 200cm đến 300cm.

Thomas Wahl, Giáo sư về lĩnh vực rủi ro bờ biển thuộc Đại học Central Florida (Mỹ) cho biết: "Nghiên cứu cho chúng ta thấy, chỉ một thay đổi nhỏ trong mực nước biển cũng kéo theo hệ quả khôn lường mà con người phải hứng chịu. Chỉ vài chục năm nữa thôi, chúng ta sẽ phải chứng kiến cảnh hàng triệu người vùng ven biển phải di dời nhà cửa đến nơi khác."

Theo ước tính của các nhà khoa học, thiệt hại do lũ lụt tại các quốc gia vùng ven biển có thể lên tới 1 tỷ USD năm 2050.

Nhân loại sắp đối mặt đại nạn nước biển dâng, có thể xóa sổ nhiều khu vực trên toàn cầu - Ảnh 1.

Đến cuối thế kỷ 21, mực nước biển có thể tăng lên 200cm đến 300cm. Ảnh: Internet.

Đại nạn nước biển dâng có thể khiến bản đồ thế giới bị vẽ lại

Đối với các quốc gia ven biển, những khu vực dễ bị tổn thương nhất đối với "vấn nạn toàn cầu" nước biển dâng, như các thành phố lớn ở Brazil, Bờ Biển Ngà và các hòn đảo nhỏ ở Thái Bình Dương, có nguy cơ lũ lụt gấp 2 lần so với các quốc gia khác.

Cụ thể, nước biển hoàn toàn có thể dâng từ 5cm đến 10cm trong vài thập kỷ tới. Khi đó, các thành phố lớn như San Francisco (Mỹ), Mumbai (Ấn Độ), Hồ Chí Minh (Việt Nam) và Abidjan (Bờ Biển Ngà) phải đối mặt với nguy cơ lũ lụt ven biển tăng gấp đôi.

Ngoài ra, ở các khu vực trũng thấp như các vùng nhiệt đới từ châu Phi đến Nam Mỹ và khắp Đông Nam Á, đến bờ biển Đại Tây Dương và bờ biển phía tây nước Mỹ, nước biển hoàn toàn có thể xâm nhập vào đất liền, gây nên những hậu quả đáng lo ngại.

Nhân loại sắp đối mặt đại nạn nước biển dâng, có thể xóa sổ nhiều khu vực trên toàn cầu - Ảnh 2.

Hàng triệu người dân ven biển đang đối mặt với đại nạn nước biển dâng. Ảnh: Getty Images.

Sean Vitousek, thuộc Đại học Illinois, Chicago (Mỹ), người đứng đầu cuộc nghiên cứu cho biết: "Trái Đất đang mất dần các tảng băng khổng lồ. Trong khi đó, sự ấm lên toàn cầu không chỉ khiến mực nước tăng dần mỗi năm mà còn khiến đại dương ngày càng ấm lên và mất dần oxy."

Cũng trong cuộc hội thảo của IPCC, dưới "kịch bản" tồi tệ hơn, nếu băng ở hai cực tan chảy hết thì nước biển trên toàn cầu sẽ dâng lên 64 mét.

Hệ lụy rõ ràng nhất đến từ đại nạn nước biển dâng này chính là việc nhiều thành phố, khu vực và đất liền bị nước biển nhấn chìm. Khi đó, bản đồ thế giới hoàn toàn có thể phải vẽ lại!

Nhân loại sắp đối mặt đại nạn nước biển dâng, có thể xóa sổ nhiều khu vực trên toàn cầu - Ảnh 3.

"Thảm họa đại hồng thủy" này chính là việc nhiều thành phố, khu vực và đất liền bị nước biển nhấn chìm. Ảnh: Internet.

Website Uk.businessinsider.com đã đưa ra dự báo về hiện trạng của các vùng trên thế giới khi phải đối mặt với đại nạn nước biển dâng cao:

Khu vực Bắc Mỹ

Phần bờ biển Bắc Mỹ ở Đại Tây Dương và bang Florida (Mỹ) sẽ bị xóa sổ..

Khu vực Nam Mỹ

Sông Amazon ở phía bắc và lưu vực sông Paraguay sẽ bị nước biển nhấn chìm.

Thủ đô Buenos Aires của Argentina, vùng bờ biển Uruguay và đất nước Paraguay cũng biến mất.

Châu Phi

Thủ đô Cairo (của Ai Cập) và thành phố ven biển Alexandria cùng chia chung số phận bị nước biển nhấn chìm.

Châu Âu

Anh, Hà Lan hay Đan Mạch sẽ bị chìm sâu bởi nước biển.

Châu Á

Các thành phố cảng như Hồng Kông, Thượng Hải sẽ bị xóa sổ.

Thủ đô Phnom Penh của Campuchia sẽ trở thành một hòn đảo, Singapore sẽ biến mất trên bản đồ thế giới.

Châu Đại Dương

Australia sẽ mất rất nhiều diện tích đất liền.

Dịch từ: TheGuardian, Uk.businessinsider.com

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại