Những công nghệ Trung Quốc đang làm "bá chủ" thế giới: Nhật, Mỹ, Đức cũng không là gì!

Trang Ly |

Trung Quốc hiện nay đang nổi lên là quốc gia nắm giữ nhiều "kỷ lục thế giới" về công nghệ. Hãy xem, chúng là gì?

Ngày 21/9/2017, Trung Quốc chính thức "xuất xưởng" thế hệ tàu có tên Phục Hưng (Fuxing) nhanh nhất thế giới, với tốc độ di chuyển 350 km/giờ.

"Vượt mặt" cả Nhật Bản, Mỹ hay bất cứ quốc gia sở hữu công nghệ di chuyển tốc độ cao nào trên thế giới, Trung Quốc thêm một lần nữa ghi tên mình vào kỷ lục thế giới, hạng mục tàu chạy nhanh nhất hành tinh tính đến thời điểm hiện nay.

Trước đó, Trung Quốc còn thể hiện nhiều tham vọng "số 1 thế giới" với việc đầu tư và cho ra đời những kỷ lục thế giới khác. Chúng gồm những gì?


SIÊU MÁY TÍNH NHANH NHẤT THẾ GIỚI
Những công nghệ Trung Quốc đang làm bá chủ thế giới: Nhật, Mỹ, Đức cũng không là gì! - Ảnh 2.

Hệ thống siêu máy tính mạnh nhất hành tinh của Trung Quốc Sunway TaihuLight. Nguồn: Baidu

Lẽ dĩ nhiên, kỷ lục về siêu siêu máy tính mạnh nhất thế giới thuộc về Trung Quốc.

Được website chuyên đánh giá về "độ khủng" của máy tính trên toàn thế giới Top500.org xếp vị trí số 1 hồi tháng 6/2016, hệ thống máy tính Sunway TaihuLight nghiễm nhiên đưa quốc gia châu Á này ở vị trí dẫn đầu trong cuộc đua xây dựng những cỗ máy có thể dự đoán được cả tương lai.

"Con quái vật" Sunway TaihuLight được Trung tâm Nghiên cứu kỹ thuật và Công nghệ máy tính song song Trung Quốc (NRCPC) chế tạo với kinh phí khổng lồ, lên đến 273 triệu USD.

Zhang Ting, Kỹ sư máy tính thuộc Trung tâm Siêu máy tính Quốc gia Trung Quốc cho biết, hệ thống máy tính Sunway TaihuLight mạnh gấp nhiều lần so với siêu máy tính Tianhe-1, từng xác lập kỷ lục nhanh nhất thế giới năm 2010.

Sức mạnh "quái vật" của Sunway TaihuLight thể hiện ở: Khả năng xử lý tới 93,015 petaflops/s (93,015 triệu tỷ phép tính/giây); với 41.000 con chip đạt tổng 10,65 triệu vi xử lý.

Với hệ thống máy tính Sunway TaihuLight, Trung Quốc vượt mặt cả Mỹ, Nhật, Đức, Pháp để trở thành quốc gia sở hữu siêu máy tính mạnh nhất hành tinh.

Hiện tại, siêu máy tính này đang được vận hành tại Trung tâm Siêu máy tính Quốc gia ở thành phố Vô Tích, Giang Tô, Trung Quốc.

Trong tương lai, Trung Quốc sử dụng siêu máy tính này nhằm phục vụ các mục đích liên quan đến thiên văn học, y học...

Được biết, Nhật Bản đang có ý định "soán ngôi" vị trí dẫn đầu của siêu máy tính Sunway TaihuLight bằng hệ thống siêu máy tính AI Bridging Cloud Infrastructure (ABCI) do trường Đại học Tokyo đầu tư với số tiền là 173 triệu USD.

TRANG TRẠI NĂNG LƯỢNG MẶT TRỜI NỔI LỚN NHẤT HÀNH TINH
Những công nghệ Trung Quốc đang làm bá chủ thế giới: Nhật, Mỹ, Đức cũng không là gì! - Ảnh 4.

Trang trại năng lượng Mặt trời nổi lớn nhất hành tinh. Ảnh: Sungrow Power Supply

Để giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường và cung cấp năng lượng phục vụ dân sinh, cũng như sản xuất, Trung Quốc quyết tâm xây dựng công trình năng lượng xanh quy mô lớn.

Quyết tâm đã thành hiện thực khi vào tháng 6/2017, quốc gia đông dân nhất thế giới này cho ra đời trang trại năng lượng Mặt trời nổi lớn nhất hành tinh tại tỉnh An Huy, phía Đông Trung Quốc.

Với công suất lên tới 40 megawatts, trang trại năng lượng Mặt trời được công ty Sungrow Power Supply xây dựng có thể cung cấp đủ lượng điện cho 15.000 hộ dân.

South China Morning Post cho biết, sở dĩ Sungrow Power Supply chọn địa điểm để xây dựng nhà máy năng lượng Mặt trời này là vì, hồ nước sâu từ 4 đến 10 mét này có thể làm mát hệ thống một cách tự nhiên, từ đó cải thiện hiệu suất và hạn chế những thiệt hại do nhiệt độ về lâu dài.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, Trung Quốc chưa dừng tham vọng về vị trí dẫn đầu của một quốc gia sản xuất và tiêu thụ năng lượng sạch, hướng đến phát triển bền vững hơn trong tương lai.

Theo đó, quốc gia này tuyên bố sẽ đầu tư 361 tỷ USD cho ngàng năng lượng tái tạo vào năm 2020. Và mục tiêu đến năm 2022 có thể sản xuất 320 gigawatts điện từ năng lượng gió và Mặt trời, cũng như 340 gigawatts điện từ thủy điện.

Tiếp đó, đến năm 2030, Trung Quốc sẽ đẩy mục tiêu sản xuất năng lượng tái tạo, cung cấp từ 11% lên đến 30% tổng nhu cầu năng lượng của toàn quốc gia.


TÀU NHANH NHẤT HÀNH TINH
Những công nghệ Trung Quốc đang làm bá chủ thế giới: Nhật, Mỹ, Đức cũng không là gì! - Ảnh 6.

Tàu nhanh nhất thế giới Phục Hưng của Trung Quốc, vừa ra mắt hôm 21/9/2017. Ảnh: Representational Image

Tất nhiên không thể không thể nói đến thế hệ tàu mang tên Phục Hưng (Fuxing) mà Trung Quốc vừa ra mắt ngày 21/9/2017 vừa qua.

Sau 13 năm "âm thầm" học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia nổi tiếng về công nghệ di chuyển như Nhật, Pháp, Đức, Canada, Trung Quốc cuối cùng đã tự xây dựng thành công thế hệ tàu "quái vật" mang thương hiệu "made in China" của riêng mình.

Di chuyển với vận tốc 350 km/giờ (vận tốc cực đại đạt 400km/giờ), tàu Phục Hưng hiện đang dẫn đầu thế giới, vượt mặt cả Mỹ, Nhật để trở thành quốc gia có hệ thống tàu nhanh nhất hành tinh.

Sau sự cố tai nạn tàu trước đó cách đây 6 năm khiến hàng trăm người thương vong, Trung Quốc hy vọng Phục Hưng sẽ mang đến cuộc cách mạng mới, với tốc độ nhanh song hành cùng độ an toàn gấp 2, gấp 3.

Thế hệ tàu Phục Hưng có thể rút ngắn thời gian di chuyển từ Thượng Hải đến Bắc Kinh chỉ còn 3,5 tiếng (trước đó mất 5 tiếng). Mỗi ngày, phục vụ khoảng 505.000 lượt khách.

Không chỉ sở hữu tốc độ kỷ lục, thế hệ tàu Phục Hưng còn được thiết kế đẹp mắt, nội thất tiện nghi, có Wi-fi và khả năng chống rung lắc tuyệt vời.

Bạn thậm chí có thể để chiếc điện thoại thẳng đứng bên trong con tàu đang di chuyển với vận tốc 350km/giờ mà vẫn không bị đổ.

Hiện tại, Trung Quốc đã xây dựng 22.000 km đường sắt tốc cao tốc, chiếm 60% tổng chiều dài đường sắt trên thế giới. 

Truyền thông nước này cho biết, mục tiêu đến năm 2020, với mức đầu tư lên đến hơn 300 tỷ USD, Trung Quốc sẽ xây dựng tổng chiều dài đường sắt cao tốc trên cao là 32.000 km. Nếu thành hiện thực, đây sẽ là hệ thống đường sắt cao tốc dài nhất thế giới.

Trong tương lai, Trung Quốc còn rất nhiều tham vọng trên các lĩnh vực về công nghệ vũ trụ... 

Những công nghệ Trung Quốc đang làm bá chủ thế giới: Nhật, Mỹ, Đức cũng không là gì! - Ảnh 7.

Trung Quốc nung nấu tham vọng vũ trụ: "Thuộc địa hóa" sao Hỏa năm 2020. Ảnh: News.cn

Liệu, Mỹ, Nga hay Nhật Bản có "chịu lép vế" trước những gì Trung Quốc đang và sẽ làm? Câu trả lời sẽ chờ thời gian giải đáp.

Bài viết sử dụng các nguồn: Theverge, Top500.org, Smithsonianmag, Dailymail

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại