Vị trí thứ 10: Thanh Ngưu Quái
Hình tượng Thanh Ngưu Quái trong "Tây Du Ký". (Ảnh: Nguồn Baidu).
Thanh Ngưu Quái còn được biết tới với tên gọi khác là Độc Giác Tỷ, trú ở núi và động Kim Đâu. Yêu quái này vốn là con trâu xanh – vật cưỡi của Thái Thượng Lão Quân.
Trong "Tây Du Ký", mặc dù Thanh Ngưu Quái luôn miệng nói muốn ăn thịt Đường Tăng nhưng thực tế lại không làm gì cả.
Bởi mục đích cuối cùng của con trâu xanh này thực chất là muốn thay chủ nhân ra oai, làm yếu đi nhuệ khí của nhà Phật. Vì vậy, nó căn bản không muốn ăn thịt Đường Tăng.
Trong phiên bản phim truyền hình, nhân vật Thanh Ngưu Quái còn có một lời thoại:
"Cỏ ở trần gian không ngon bằng cỏ thiên đình".
Ngay cả khi được tự do tự tại nơi trần thế, Thanh Ngưu Quái vẫn giữ bản tính "ăn cỏ". Điều này khiến người xem không khỏi hoài nghi, liệu có phải yêu quái này căn bản không hề biết ăn thịt?
Vị trí thứ 9: Hoàng Mi Đại vương
Hình tượng nhân vật Hoàng Mi Đại Vương. (Ảnh: Nguồn Baidu).
Hoàng Mi Quái vốn là tên tiểu đồng lông mày vàng, năm xưa từng giữ chiếc khánh vàng và túi ngũ trùng của Phật Di Lặc.
Trong "Tây Du Ký", Hoàng Mi Đại vương lập nên chùa Lôi Âm giả để lừa Đường Tăng, nhân lúc hòa thượng này vào chùa thì bắt giữ.
Sau cùng, Tôn Ngộ Không buộc phải mời Phật Di Lặc tới thu phục yêu quái này, kiếp nạn ấy của mấy thầy trò mới có thể qua đi.
Cũng giống như Thanh Ngưu Quái, Hoàng Mi Đại vương có đạo hạnh tu hành rất cao. Yêu quái này chỉ vì muốn thành Phật nên mới làm khó dễ bốn thầy trò Đường Tăng.
Kỳ thực Hoàng Mi Đại vương mặc dù cũng từng nói muốn ăn thịt Đường Tăng, nhưng bởi vì bản tính ngốc nghếch nên thường xuyên làm ra nhiều việc khôi hài.
Vị trí thứ 8: Thiết Phiến công chúa
Thiết Phiến Công chúa cũng được xếp vào hàng mỹ nhân trong Tây Du Ký. (Ảnh: Nguồn Baidu).
Thiết Phiến này vốn là vợ của Ngưu Ma Vương, mẹ Hồng Hài Nhi, ngụ tại núi Hỏa Diệm Sơn, còn có trong tay một bảo bối nổi tiếng gọi là quạt Ba Tiêu. Nhân vật này còn được biết tới với cách gọi khác là "Bà La Sát".
Hình tượng nhân vật Thiết Phiến công chúa trong Tây Du Ký khiến nhiều người tưởng rằng đây là một thiếu phụ luống tuổi và xấu xí tới nỗi Ngưu Ma Vương phải đi tìm vợ bé. Nhưng trên thực tế, vị công chúa này lại sở hữu dung mạo vô cùng xinh đẹp.
Việc Thiết Phiến công chúa gây sự với bốn thầy trò Đường Tăng bắt nguồn từ hai lý do, mà cả hai lý do này đều liên quan tới gia đình của nàng.
Thứ nhất là do Tôn Ngộ Không vốn là lý do khiến hai mẹ con Thiết Phiến và Hồng Hài Nhi phải xa cách.
Thứ hai là bởi bản thân Tề Thiên Đại Thánh có kết nghĩa huynh đệ với kẻ lăng nhăng như Ngưu Ma Vương.
Xuất phát từ hai nguyên nhân này, Thiết Phiến công chúa mới gây khó dễ cho bốn thầy trò chứ không có mục đích xấu nào khác.
Vị trí thứ 7: Ngọc Thố Tinh
Nhan sắc của Ngọc Thố Tinh trong phiên bản Tây Du Ký năm 1986. (Ảnh: Nguồn Baidu).
Ngọc Thố Tinh vốn là Thỏ Ngọc của Hằng Nga tiên tử. Theo "Tây Du Ký", yêu nữ này vì thấy Đường Tăng tướng mạo tuấn tú, bèn đóng giả làm công chúa để được thành thân với vị hòa thượng ấy.
Vị trí thứ 6: Quỷ Tinh Tế và Trùng Lanh Lợi
Quỷ Tinh Tế và Trùng Lanh Lợi cũng là một trong số ít những yêu quái có lòng lương thiện trong Tây Du Ký. (Ảnh: Nguồn Baidu).
Hai tiểu yêu này từng là thuộc hạ trung thành của Kim Giác đại vương và Ngân Giác đại vương.
Kim Giác và Ngân Giác đều là hai đồng tử trông coi lò luyện đan của Thái Thượng Lão Quân, sau này xuống trần xưng vương tại động Liên Hoa, núi Bình Đỉnh.
Mặc dù có tên là "Tinh Tế" và "Lanh Lợi", nhưng bản lĩnh của hai tiểu yêu này quả thực kém xa danh xưng. Bằng chứng là chúng từng dễ dàng bị Tôn Ngộ Không lừa gạt lấy mất bảo vật.
Mặc dù làm mất vật báu, nhưng Tinh Tế Quỷ và Lanh Lợi Trùng khi trở về động Liên Hoa cũng không bị trách phạt, có thể thấy chủ nhân của chúng cũng thuộc hàng nhân từ.
Vị trí thứ 5: Thập Bát Công, Cô Trực Công, Phất Vân Tẩu, Lăng Không Tử
Nhóm 4 vị mộc tinh đã sắp tu luyện thành thần tiên, nhưng cũng vì "trót dại" đụng tới Đường Tăng mà bị Bát Giới tiêu diệt. (Ảnh: Nguồn Baidu).
Nguyên hình của những mộc tinh này vốn là một số loài cây cối trong am Mộc Tiên. Chúng có ngoại hình như tiên ông, ăn nói bất phàm.
Trong nguyên tác, nhóm tứ công ấy nửa đêm bắt cóc Đường Tăng tới để luận bàn thơ văn, còn muốn cho vị hòa thượng này thành thân với Hạnh Tiên.
Mấy vị mộc tinh cũng không có ác ý muốn làm hại Đường Tăng, còn sắp tu luyện thành tiên. Họ chẳng qua là nhất thời nảy lòng tham, sau cùng bị Bát Giới dùng bồ cao chém gãy chân thân.
Vị trí thứ 4: Hạnh Tiên
Cũng giống như Ngọc Thố Tinh, mỹ nữ Hạnh Tiên một lòng muốn nên duyên vợ chồng với Đường Tăng. (Ảnh: Baidu).
Hạnh Tiên vốn là yêu nữ tu luyện từ cây hạnh gai trên đỉnh núi cao mà thành, cùng hội với bốn nhóm tứ công nói trên.
Vị mộc tinh này sở hữu dung mạo xinh đẹp, bản tính dịu dàng, có tài ca hát, lại một lòng muốn nên duyên với Đường Tăng.
Chỉ tiếc rằng ý nguyện không được tác thành, yêu quái này sau cùng bị Bát Giới đánh chết.
Vị trí thứ 3: Hắc Hùng Tinh
Dù có ngoại hình hung dữ, nhưng Hắc Hùng Tinh lại là yêu quái một lòng hướng Phật. (Ảnh: Nguồn Baidu).
Yêu quái này có nguyên hình là một con gấu đen, trú ngụ ở động Hắc Phong, từng trộm áo cà sa trong vụ cháy thiền viện. Sau cùng, Hắc Hùng Tinh được Quan Âm Bồ Tát hàng phục và nhận làm đệ tử.
Yêu quái này võ nghệ cao cường, lại một lòng yêu thích Phật pháp, côi áo cà sa như bảo bối, sau trở thành hộ vệ giữ núi của Quan Âm, tu hành chánh quả.
Vị trí thứ 2: Hữu Lai Hữu Khứ
Hữu Lai Hứu Khứ thân chỉ là một tiểu yêu nhưng đã để lại một câu nói hết sức có ý nghĩa. (Ảnh: Nguồn Baidu).
Hữu Lai Hữu Khứ là tâm phúc của Kim Mao Hống, xuất hiện rất ít trong nguyên tác. Dù vậy, nhân vật này đã để lại một câu nói rất có ý nghĩa:
"Đại vương mình làm vua thì mình được làm quan cũng vinh hiển, song ức hiếp người thái quá, sợ trời đất không dung".
Chỉ một câu nói ấy của Hữu Lai Hữu Khứ đã khiến người đọc hiểu được rằng, yêu quái trong Tây Du Ký cũng có kẻ có chính nghĩa, có lương tâm.
Tôn Ngộ Không nghe xong câu này của tiểu yêu, cũng khen Hữu Lai Hữu Khí tâm tính thiện lương, song cuối cùng vẫn buộc phải đánh chết nó.
Vị trí thứ nhất: Hoàng Sư Tinh
Vị trí yêu quái lương thiện nhất trong Tây Du Ký thuộc về Hoàng Sư Tinh - một con sư tử thành tinh có lai lịch không tầm thường. (Ảnh: Nguồn Baidu).
Yêu quái này chính là con sư tử ở động Hổ Khẩu thuộc núi Báo Đầu, xét về lai lịch là cháu nuôi của Cửu Linh Nguyên Thánh, trong nguyên tác từng trộm binh khí của ba thầy trò Đường Tăng ở nước Ngọc Hoa.
Có thể nói, Hoàng Sư Tinh đích thị là yêu quái lương thiện nhất trong Tây Du Ký.
Khi Tôn Ngộ Không hỏi Thiên Trúc vương tử rằng gần đây có yêu quái nào hay không. Các vương tử nói:
"Chỗ thành Bắc Châu này của cô có núi Báo Đầu, trong núi có động Hổ Khẩu. Thường nghe người nói bên trong động có tiên, lại có người nói trong đó có hổ sói, có yêu quái. Ta cũng không rõ là vật gì".
Từ đó có thể thấy, Hoàng Sư Tinh vốn không phải loại yêu quái làm mưa làm gió, sát hại sinh linh.
Chỉ tiếc rằng yêu quái này lại quá xui xẻo, vô tình nhìn trúng binh khí của ba huynh đệ Tôn Ngộ Không. Có lẽ, vụ trộm binh khí này cũng là lần làm việc bất chính đầu tiên trong cuộc đời của Hoàng Sư Tinh.
Bằng chứng là khi yêu quái này từng có lần mở hội Đinh Ba, cần lượng lớn thịt heo, thịt dê. Dù vậy, Hoàng Sư Tinh không hề cướp giật hay trộm cắp mà đường hoàng đưa hai mươi lượng bạc cho hai tiểu yêu xuống núi mua thịt.
Hai tiểu yêu này trên đường còn dự tính bớt chút bạc để mua áo bông mặc. Làm yêu quái nhưng lại nghèo túng tới mức này, có lẽ chỉ có duy nhất động Hổ Khẩu của Hoàng Sư Tinh mà thôi.
Thân là một con sư tử thành tinh, cũng có chút bản lãnh, vậy mà ngay tới thịt, dê cũng phải cầm tiền đi mua. Điều này phần nào cho thấy Hoàng Sư Tinh trước giờ không có thói quen làm việc bất chính.
Điều đáng nói còn nằm ở chỗ, số ngân lượng ít ỏi của yêu quái này hơn phân nửa là tiền bán đi lông sư tử, còn lại là tiền công của nó khi xuống núi giúp dân chúng làm việc kiếm tiền.
Về sau này, Tôn Ngộ Không và Trư Bát Giới giả làm hai tiểu yêu, dẫn theo Sa Tăng hóa thành người chăn gia súc tới lừa Hoàng Sư Tinh, nói rằng:
"Mua tám con heo, bảy con dê, tổng cộng mười lăm con. Heo giá 16, dê tính 9. Lúc trước đưa 20 lượng, còn thiếu 5 lượng. Đây là khách đến đòi tiền".
Đổi lại là yêu quái khác, nếu có kẻ dám cả gan đến tận nơi đòi tiền thế này, e rằng từ sớm đã nuốt sống đối phương.
Thế nhưng Hoàng Sư Tinh không chỉ trả đủ cho Sa Tăng năm lượng bạc, mà còn thết đãi ăn uống đàng hoàng.
Con sư tử này dù làm yêu quái nhưng cũng vô cùng thiện lương, chỉ có điều vì một lần "trót dại" trộm binh khí nên cuối cùng vẫn bị Tôn Ngộ Không diệt trừ.