Thận là cơ quan rất quan trọng đối với cơ thể vì giúp lọc máu, sản sinh hóc-môn, hấp thụ khoáng chất, tạo ra nước tiểu, loại bỏ độc tố và trung hòa axit.
"Quí như thế" nhưng hàng ngày, chúng ta vô hình làm hại thận mà không hề hay biết. Sau đây là những thói quen phổ biến gây nhiều áp lực lên thận, theo Tổ chức Thận quốc gia của Mỹ (NKF).
1. Không uống đủ nước
Chức năng quan trọng nhất của thận là lọc máu và loại bỏ độc tố, chất thải. Khi bạn không uống đủ nước, các chất này bắt đầu tích tụ lại và sau đó gây hại nghiêm trọng đến cơ thể. Theo khuyến cáo, bạn nên uống 1,5-2l/ngày.
2. Tiêu thụ nhiều muối
Cơ thể cần natri, có trong muối, để làm việc đúng cách. Tuy nhiên, nhiều người có xu hướng tiêu thụ quá nhiều muối so với lượng khuyến cáo. Đây là một trong những nguyên nhân làm tăng huyết áp và gây áp lực lên thận.
Lưu ý bạn không nên ăn quá 5 gr muối/ngày.
3. Nhịn tiểu
Vì lí do công việc quá bận hoặc nhà vệ sinh không sạch sẽ, nhiều người thường nhịn tiểu. Họ không ngờ thói quen không đáp ứng "tiếng gọi của thiên nhiên" thường xuyên sẽ làm nước tiểu bị giữ lại, từ đó làm tăng áp lực lên thận, dẫn đến suy thận, sỏi thận.
4. Ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn
Thực phẩm chế biến sẵn chứa rất nhiều muối và phốt pho. Những người bị bệnh liên quan đến thận được khuyến cáo hạn chế đưa phốt pho vào chế độ ăn uống hàng ngày.
Còn với những người bình thường, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng dung nạp nhiều phốt pho từ thực phẩm chế biến sẵn có thể ảnh hưởng tới thận và xương.
5. Ăn nhiều thịt đỏ
Protein ở động vật tạo ra một lượng axit cao trong máu, từ đó có thể hại thận và gây ra chứng nhiễm toan, một tình trạng mà thận không thể loại bỏ axit kịp thời.
Mặc dù protein rất cần thiết cho cơ thể nhưng bạn nên thực hiện một chế độ ăn cân bằng, thêm nhiều hoa quả và rau củ. Bạn cũng có thể nạp protein từ thực vật.
6. Lạm dụng đường
Đường đóng góp đáng kể trong việc gây ra béo phì, một triệu chứng dẫn đến nguy cơ bị huyết áp cao và tiểu đường. Đây cũng là 2 nguyên nhân chính gây ra bệnh thận.
Các nghiên cứu cho thấy những người tiêu thụ nhiều đồ uống có đường dễ dẫn đến hiện tượng tăng protein trong nước tiểu. Đây là dấu hiệu sớm cho thấy thận đang làm việc không đúng chức năng, lâu ngày dễ dẫn tới suy yếu.
Ngoài có trong bánh kẹo, đường còn có mặt trong một số loại thức uống vốn không gắn theo từ "ngọt". Vì thế, bạn nên tránh cả nước uống có ga, nước tăng lực...
7. Mất ngủ
Một đêm cơ thể được nghỉ ngơi hoàn toàn là rất tốt cho nhiều bộ phận trong cơ thể, chứ không riêng gì thận. Thời gian về đêm là lúc cơ thể chữa lành những mô thận tổn thương. Vì vậy cố gắng ngủ ngon, tạo cho cơ thể thời gian để tự chữa lành những tổn thương của nó.
8. Uống nhiều rượu
Nếu thi thoảng bạn uống một cốc bia hoặc vài ly rượu thì không có gì phải lo lắng. Nhưng nếu ngày nào cũng uống nhiều hơn con số đó, bạn nên nghĩ đến vấn đề gan và thận sẽ nhanh chóng bị hủy hoại.
9. Ngồi nhiều
Những nghiên cứu gần đây cho thấy những người ngồi nhiều tăng nguy cơ mắc bệnh thận. Để giảm nguy cơ mắc bệnh thận, mọi người nên tích cực tập luyện thể chất với cường độ từ mức trung bình đến nặng, như đi bộ nhanh, chạy bộ và giảm thời gian ngồi.
10. Thường xuyên uống thuốc giảm đau
Thường xuyên sử dụng thuốc giảm đau có thể hạn chế dòng chảy của máu đến thận, từ đó dẫn đến hư hại cơ quan này.
* Theo Kidney.org