10 dấu hiệu cảnh báo đường ruột đang có vấn đề

Châu Anh |

Đường ruột không chỉ liên quan đến chức năng tiêu hóa mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến hệ miễn dịch và tình trạng sức khỏe tổng thể của cơ thể.

Việc nhận biết sớm các dấu hiệu cảnh báo từ đường ruột là điều hết sức cần thiết để có những biện pháp phòng ngừa và điều trị kịp thời.

Dấu hiệu cảnh báo sức khỏe đường ruột kém

Dưới đây là những dấu hiệu cảnh báo đường ruột của bạn đang có vấn đề và bạn cần thăm khám bác sĩ khi các triệu chứng này không thuyên giảm hoặc nghiêm trọng hơn theo thời gian.

1. Táo bón

Nếu chỉ thỉnh thoảng bị táo bón thì việc điều chỉnh lại chế độ ăn uống, tăng cường chất xơ từ rau xanh và củ quả cũng như uống đủ nước có thể giải quyết được tình trạng táo bón nhanh chóng. Tuy nhiên nếu bạn thường xuyên bị táo bón điều này có thể cho thấy sức khỏe đường ruột đang có vấn đề khiến nhu động ruột chậm lại.

10 dấu hiệu cảnh báo đường ruột đang có vấn đề- Ảnh 1.

Táo bón thường xuyên cho thấy sức khỏe đường ruột có vấn đề (Ảnh: Internet)

Ngoài ra, táo bón thường xuyên còn là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý nguy hiểm như hội chứng ruột kích thích, trầm cảm, xơ cứng bì, lupus, suy giảm chức năng tuyến giáp, nguy hiểm hơn là ung thư đại trực tràng.

2. Tiêu chảy

Không phải sự mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột nào cũng dẫn tới táo bón mà còn có thể gây ra tiêu chảy. Đôi khi tiêu chảy xảy ra do nhiễm khuẩn đường ruột hoặc các hội chứng ruột kích thích, viêm đại tràng, vệ sinh kém sạch sẽ,.. Tình trạng tiêu chảy cấp tính này có thể được cải thiện bằng việc bù nước và điện giải, sử dụng thuốc kê đơn hoặc không kê đơn,...

Tuy nhiên nếu tiêu chảy là mãn tính (kéo dài trên 14 ngày) hoặc thường xuyên xảy ra có thể cảnh báo các bệnh lý ung thư tiêu hóa nếu có các triệu chứng khác kèm theo như đi ngoài lẫn máu, sụt cân bất thường, chán ăn không rõ nguyên nhân,... thậm chí sờ nắn thấy sự xuất hiện của khối u vùng bụng.

3. Khó chịu ở dạ dày

Nếu dạ dày của bạn thường xuyên khó chịu do các triệu chứng như đầy hơi, chướng bụng, tiêu chảy, táo bón và đau bụng thì đây có thể là dấu hiệu của hội chứng ruột kích thích (IBS), một tình trạng phổ biến ảnh hưởng đến ruột già.

Hội chứng ruột kích thích xảy ra do nhiều nguyên nhân từ chế độ ăn kém cân bằng (thiếu chất nhiều thịt cá và thực phẩm khó tiêu), thường xuyên bỏ bữa đến dị ứng thực phẩm hay chứng không dung nạp Lactose;...

10 dấu hiệu cảnh báo đường ruột đang có vấn đề- Ảnh 2.

Khó chịu ở dạ dày chỉ chung các tình trạng đầy hơi, đau bụng, tiêu chảy, táo bón,... (Ảnh: Internet)

Ngoài ra, dạ dày khó chịu nói chung có thể liên quan tới các vấn đề tiêu hóa khác như viêm dạ dạ dày, trào ngược axit dạ dày - thực quản, loét dạ dày. Những tình trạng này có thể cản trở quá trình tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng, làm giảm chất lượng sức khỏe đường tiêu hóa.

4. Mệt mỏi mãn tính

Theo Everyday Health, một nghiên cứu cho thấy những người mắc hội chứng mệt mỏi mãn tính có thể bị mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột, bao gồm vi khuẩn, vi sinh vật, nấm và virus có trong đường tiêu hóa.

Khi đường tiêu hóa hoạt động không hiệu quả, việc hấp thụ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể có thể bị hạn chế, dẫn đến suy giảm năng lượng và cảm giác mệt mỏi. Ngoài ra, một số vấn đề đường tiêu hóa như hội chứng ruột kích thích (IBS), viêm đường tiêu hóa hoặc dị ứng và không dung nạp thực phẩm cũng có thể gây ra cảm giác mệt mỏi do cơ thể phải chiến đấu với việc tiêu hóa thức ăn.

5. Thèm ngọt

Một số người có thể thèm ăn, bao gồm cả thèm ngọt do việc tiêu hóa không hiệu quả khiến cơ thể không hấp thụ đủ chất dinh dưỡng, dẫn đến cảm giác đói liên tục hoặc cần năng lượng bổ sung.

Thèm ngọt đặc biệt có thể do mất cân bằng đường ruột, nơi vi khuẩn yêu thích đường hoặc nấm candida phát triển quá mức và thúc đẩy cơn thèm đường từ đó dẫn tới dư thừa các vi khuẩn có hại và rối loạn đường ruột.

10 dấu hiệu cảnh báo đường ruột đang có vấn đề- Ảnh 3.

Một số người có thể thèm ăn, bao gồm cả thèm ngọt do việc tiêu hóa không hiệu quả khiến cơ thể không hấp thụ đủ chất dinh dưỡng (Ảnh: Internet)

6. Sự thay đổi cân nặng bất thường

Cân nặng thay đổi không rõ nguyên nhân, dù là tăng cân hay giảm cân đều có thể là dấu hiệu cho thấy sức khỏe đường ruột kém.

Đầu tiên, khi tiêu hóa kém, cơ thể không hấp thụ đủ dinh dưỡng dẫn tới giảm cân. Tiếp đến, một số tình trạng như viêm dạ dày lại có thể khiến một người bị tăng cân do chứng sưng viêm và tích nước. Ngoài ra, giảm cân bất thường còn có thể cảnh báo dấu hiệu ung thư đường tiêu hóa, cho thấy đang có một khối u phát triển, có thể kể đến như ung thư thực quản, ung thư dạ dày, ung thư tuyến tụy, ung thư đại trực tràng.

7. Các vấn đề về da

Đường ruột không khỏe mạnh có thể dẫn tới các vấn đề về da như mụn trứng cá, bệnh vẩy nến và bệnh chàm. Các vấn đề tiêu hóa như dị ứng thực phẩm, không dung nạp thực phẩm hoặc các bệnh lý viêm đường ruột có thể gây phản ứng viêm trong cơ thể, đôi khi biểu hiện qua các vấn đề về da như mẩn đỏ, ngứa hoặc nổi mề đay.

Điều này phản ánh mối quan hệ giữa đường tiêu hóa và hệ miễn dịch, cũng như vai trò của hệ tiêu hóa trong việc duy trì sự cân bằng của hệ thống miễn dịch.

8. Ợ nóng

Ợ nóng là một triệu chứng thường gặp khi axit dạ dày trào ngược lên thực quản, gây cảm giác đau và nóng rát phía sau xương ức. Trạng thái này liên quan mật thiết tới sức khỏe đường tiêu hóa kém hơn vì nó thường xuất hiện trong các tình trạng như trào ngược dạ dày – thực quản (GERD), viêm dạ dày hoặc khi cơ thắt thực quản dưới không hoạt động đúng cách.

Ợ nóng cũng có thể là dấu hiệu của việc dạ dày không tiêu hóa thức ăn một cách hiệu quả, dẫn đến áp lực tăng lên và kích thích axit trào ngược. Việc thường xuyên gặp phải triệu chứng này đòi hỏi sự chú ý và có thể cần phải thay đổi chế độ ăn uống, lối sống, hoặc cần có biện pháp can thiệp y tế để cải thiện tình trạng sức khỏe đường tiêu hóa.

Ợ nóng nếu kéo dài trên 3 tuần kèm theo các triệu chứng như khó nuốt, giảm cân không rõ nguyên nhân, cảm thấy mệt mỏi hơn, đau bụng bất thường, đại tiện phân đen, da tái xanh và thiếu máu có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư dạ dày.

10 dấu hiệu cảnh báo đường ruột đang có vấn đề- Ảnh 4.

Đầy hơi thường xảy ra khi có sự tích tụ khí trong dạ dày hoặc ruột (Ảnh: Internet)

9. Đầy hơi

Đầy hơi thường xảy ra khi có sự tích tụ khí trong dạ dày hoặc ruột, điều này có thể liên quan đến sức khỏe đường tiêu hóa kém. Đầy hơi có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, bao gồm việc nuốt khí khi ăn uống, hội chứng ruột kích thích, không dung nạp thực phẩm hoặc việc tiêu hóa thức ăn không hiệu quả.

Nếu tình trạng đầy hơi xảy ra thường xuyên và gây ra sự khó chịu hoặc đau tức, nó có thể là dấu hiệu cho thấy bạn cần được kiểm tra sức khỏe đường tiêu hóa sớm.

10. Ngủ không ngon giấc

Giấc ngủ kém và sức khỏe đường ruột đôi khi là một vòng luẩn quẩn. Ngủ không ngon có thể tác động tiêu cực đến hệ vi sinh vật đường ruột - từ đó gây ra tình trạng thiếu ngủ nhiều hơn.

Bên cạnh đó, chất lượng giấc ngủ kém hoặc rối loạn giấc ngủ có thể có liên quan tới vấn đề về tiêu hóa như đau dạ dày, trào ngược axit hoặc hội chứng ruột kích thích. Những triệu chứng của vấn đề này có thể làm gián đoạn giấc ngủ, khiến chúng ta thức giấc thường xuyên hoặc khó ngủ lại. Ngược lại, thiếu ngủ cũng có thể làm tăng nguy cơ phát triển các vấn đề tiêu hóa do ảnh hưởng đến hormone, hệ miễn dịch và sự cân bằng vi khuẩn đường ruột. Do đó, việc duy trì giấc ngủ đủ giờ và chất lượng là quan trọng để hỗ trợ sức khỏe đường tiêu hóa và ngược lại.

Nhìn chung, nếu gặp phải bất kì các vấn đề nào trên đây và các vấn đề này thường xuyên xảy ra, không giảm ngay cả khi bạn áp dụng các biện pháp thay đổi lối sống hay thuốc không kê đơn thì đã đến lúc bạn cần thăm khám bác sĩ. Đường ruột là bộ não thứ hai của cơ thể - và khi đường ruột không khỏe mạnh, nó có thể tác động và gây tổn hại cho toàn bộ cơ thể.

Nguồn: Everyday Health

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại