Tiết canh (ảnh minh họa).
Chiều 6/5, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Thái Bình (thuộc Sở Y tế tỉnh Thái Bình) có thông tin ban đầu về vụ việc nhiều người nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm xảy ra tại phường Hoàng Diệu (thành phố Thái Bình) nghi ngờ có liên quan tới ăn tiết canh dê.
Theo đó, ngày 4/5, ông P.T.T (sinh năm 1957) – một trong những người tham gia 1 bữa cỗ ở địa phương - có triệu chứng sốt nhẹ, ho, khó thở, đau tức hai bên sườn phải đã đến khám và nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình. Tới 20 giờ cùng ngày, ông T diễn biến nặng, được chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai, sau đó ông T tử vong với chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi nặng, biến chứng sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, ngừng tuần hoàn.
Sau khi ông T tử vong, trong đêm ngày 5/5 và sáng 6/5, nhiều người tham dự bữa cỗ với ông T cũng đã tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình khám. Trong đó, 8 người có triệu chứng như sốt, rối loạn tiêu hóa, đau bụng xin chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai để theo dõi, điều trị; 10 người có triệu chứng nhẹ như đau đầu, đau mỏi vai gáy, nhập viện và theo dõi tại khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình).
Liên quan tới những nguy cơ khi ăn tiết canh dê nói riêng và tiết canh nói chung, bác sĩ Lê Văn Thiệu, khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết trong tiết động vật có thể mang rất nhiều mầm bệnh, đặc biệt là tiết canh của lợn, vịt, dê… bị nhiễm bệnh.
Theo bác sĩ Thiệu, việc ăn tiết canh tiềm ẩn 2 mối nguy cho sức khỏe.
Thứ nhất, việc bảo quản thực phẩm không đúng cách có thể dẫn tới mất an toàn thực phẩm. Sự hiện diện của các vi khuẩn nhiễm vào thực phẩm có thể sản sinh ra các độc tố gây ra ngộ độc. Người ăn tiết canh khi đó dễ bị nhiễm khuẩn đường tiêu hóa với các triệu chứng như đau bụng, đi ngoài phân lỏng… Một số trường hợp xuất hiện các triệu chứng nặng hơn như sốt, đi cầu nhiều lần, phân lỏng, cơ thể lạnh, run... có thể chuyển biến thành nhiễm khuẩn huyết, nếu không được cấp cứu có thể tử vong.
Bác sĩ Thiệu nêu quan điểm: "Trường hợp ngộ độc tập thể trên, tiết canh được lấy ở Ninh Bình sau đó vận chuyển về Thái Bình. Quá trình vận chuyển xa, vi khuẩn dễ lên men, gặp điều kiện thời tiết nắng nóng, vi khuẩn phát triển gây hại".
Còn vấn đề thứ hai khi ăn tiết canh đó là nguy cơ nhiễm ký sinh trùng, theo bác sĩ Thiệu.
Bác sĩ khuyến cáo để đảm bảo sức khỏe, người dân nên ăn chin uống sôi, không nên ăn tiết canh, thực phẩm sống. Đặc biệt, hiện nay vì lợi nhuận, không ít người bán trộn lẫn tiết canh lợn với tiết canh dê, điều này rất nguy hiểm. Tiết canh lợn dễ bị nhiễm liên cầu khuẩn gây biến chứng viêm màng não, nhiễm trùng huyết, nguy cơ tử vong cao.