Lá dâu tằm hay còn gọi là tang diệp là vị thuốc quý trong Đông y, không mùi, vị nhạt, ngọt đắng, tính mát vào hai kinh can, phế. Loại lá này có khả năng trị cảm mạo phong nhiệt, đau đầu, đau mắt đỏ, viêm khí phế quản, ho khan ít đờm, khát nước khô miệng, mắt đỏ, mắt mờ, thanh lọc và làm mát gan, làm sạch gan…
Lá dâu tằm nấu canh hoặc hãm lấy nước được sử dụng để ổn định huyết áp, nhịp tim, đường huyết, làm giảm đáng kể nguy cơ đột quỵ ở nhóm người tăng huyết áp và biến chứng ở người tiểu đường.
Theo y học hiện đại lá dâu tằm có nhiều hợp chất thực vật mạnh mẽ như chất chống oxy hóa polyphenol, vitamin C, kẽm, canxi, sắt. Cách sử dụng phổ biến nhất của sắc lấy nước uống, mỗi lần từ 6 -12g lá phơi khô hoặc tiện lợi hơn là sử dụng trà lá dâu tằm. Một số lợi ích của lá dâu tằm đã được khoa học chứng minh:
Hạ đường huyết
Lá dâu tằm chứa một số hợp chất như DNJ (1-deoxynojirimycin), có thể ngăn ngừa tiểu đường, ngăn cản sự hấp thụ carbs trong ruột và giảm lượng đường trong máu. Chiết xuất lá dâu tằm được sử dụng trong một nghiên cứu kéo dài 3 tháng ở người mắc bệnh tiểu đường loại 2 cho thấy lượng đường trong máu sau bữa ăn của họ đã giảm đi đáng kể.
Kiểm soát huyết áp, hạ cholesterol
Một số nghiên cứu cho thấy lá dâu tằm có thể cải thiện sức khỏe tim mạch bằng cách giảm mức cholesterol và kiểm soát huyết áp, giảm viêm và tăng cường lưu thông máu, ngăn ngừa xơ vữa động mạch dẫn đến đột quỵ
Tốt cho não và mắt
Lá dâu tằm giàu magie cần thiết cho hoạt động thần kinh, duy trì cơ bắp và sức khỏe tim mạch. Vitamin B12 trong lá dâu cũng bảo vệ hệ thần kinh và sức khỏe mắt, phòng ngừa các bệnh viêm dây thần kinh, viêm giác mạc cũng như tốt cho đường tiêu hóa.
Có thể ngừa một số loại ung thư
Lá dâu tằm có nhiều hợp chất chống viêm, bao gồm cả chất chống oxy hóa flavonoid, chống lại chứng viêm và stress oxy hóa, những yếu tố liên quan đến bệnh mãn tính như bệnh tim, tiểu đường, ung thư. Các nghiên cứu trong ống nghiệm cũng tìm ra mối liên hệ giữa lá dâu tằm và việc chống lại tế bào ung thư tử cung, ung thư gan, bảo vệ tế bào gan khỏi bị hư hại cũng như bệnh viêm gan.
Ngoài việc dùng để pha trà, loại lá này còn có thể đun nước ngâm chân rất tốt, giúp thư giãn cơ bắp và thúc đẩy quá trình lưu thông máu đặc biệt ở người cao tuổi.
Lưu ý những người mắc tiểu đường và đang sử dụng thuốc nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng nước/trà lá dâu tằm. Không nên sử dụng quá liều lượng, uống liên tục trong thời gian quá dài để tránh tác dụng phụ như tiêu chảy, buồn nôn, chóng mặt, đầy hơi.
2 loại lá khác giúp kiểm soát đường huyết
Lá cỏ ngọt
Lá cỏ ngọt được sử dụng làm chất tạo ngọt, hay còn gọi là đường cỏ ngọt. Loại đường này không chứa calo, chỉ cần sử dụng một lượng nhỏ loại đường này là đủ để tạo ngọt cho đồ uống, món ăn hàng ngày.
Loại đường này cũng đã được chứng mình là không làm tăng lượng đường trong máu nên hoàn toàn an toàn với những người mắc bệnh tiểu đường, giúp họ vẫn được cảm nhận vị ngọt mà không phải lo lắng về sức khỏe.
Chất làm ngọt không calo như cỏ ngọt cũng được các chuyên gia khuyên dùng cho những người mắc bệnh béo phì và tiền tiểu đường.
Lá chùm ngây
Chùm ngây có thể sử dụng để nấu như các món rau hoặc pha trà. Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng lá chùm ngây có thể làm giảm lượng đường trong máu nhờ nhờ các chất axit chlorogenic và isothiocyanates. Kẽm có trong loại lá này cũng có tác dụng kiểm soát đường huyết, ngăn ngừa bệnh tiểu đường.
Một nghiên cứu nhỏ được đăng tải trên Tạp chí Quốc tế về Khoa học Thực phẩm và Dinh dưỡng chỉ ra rằng khi cho người mắc bệnh tiểu đường sử dụng 50g lá chùm ngây vào bữa ăn sẽ giúp họ giảm 21% lượng đường trong máu.
(tổng hợp)