1 chiếc bánh trung thu năng lượng gấp 2 lần bát bún: Chuyên gia chỉ mẹo ăn mà không sợ béo

Ngọc Minh |

Bánh trung thu là một món ăn truyền thống hấp dẫn với mọi người. Tuy nhiên, khi ăn bánh trung thu, không ít người lo ngại ăn nhiều sẽ dư thừa năng lượng, tăng cân.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết bánh trung thu là món ăn truyền thống ngon và hấp dẫn thường có mặt trong mâm cỗ trung thu của mọi nhà. Tuy nhiên, đây cũng là món ăn giàu năng lượng, do vậy khi ăn cũng cần phải lưu ý.

Thành phần chính của bánh trung thu gồm: bột mỳ, đường, bơ, mỡ lợn, nhân (tuỳ loại).

"Thường một chiếc bánh trung thu (bánh dẻo hay bánh nướng) năng lượng sẽ dao động khoảng trên dưới 600 kcal/1 chiếc bánh (tổng năng lượng phụ thuộc vào trọng lượng, nhân làm bánh). Nếu ăn hết một chiếc bánh trung thu khoảng 170g, năng lượng gấp 2 lần bát bún mọc và gấp 1,5 lần so với một bát phở", PGS Lâm phân tích.

Bánh trung thu là loại bánh ngon, nhưng nếu ăn liên tục kéo dài vài tuần, ăn nhiều dễ dẫn tới thừa cân béo phì. Trong ăn uống hàng ngày, khi ăn thừa khoảng 100-200 kcal đã có nguy cơ cao tăng cân.

"Nhiều người ăn cơm, ăn bún thoải mái rồi lại ăn thêm bánh trung thu thì việc thừa năng lượng là không thể tránh khỏi. Thừa năng lượng là nguyên nhân gây ra tăng cân", PGS Lâm nói.

1 chiếc bánh trung thu năng lượng gấp 2 lần bát bún: Chuyên gia chỉ mẹo ăn mà không sợ béo - Ảnh 1.

Bánh nướng (Ảnh minh hoạ)

Để ăn bánh trung thu không lo ngại tăng cân, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia lưu ý những điều sau khi ăn:

Thứ nhất, nên cắt nhỏ bánh, chỉ nên ăn góc 1/8 của bánh hoặc nhiều nhất là góc ¼ (200 kcal của miếng bánh) – tương với một bữa ăn sáng.

Thứ 2, khi đã ăn bánh trung thu thì nên giảm bớt các thực phẩm khác. Đặc biệt là các thực phẩm nhiều năng lượng như cơm, bánh mì, bún, phở…

Thứ 3, để giảm năng lượng trong bánh trung thu, khi ăn các loại bánh có nhân thập cẩm nên nhặt bỏ mỡ. Do 1g chất béo cung cấp 9 kcal, ăn bánh càng có nhiều mỡ thì tổng năng lượng sẽ tăng.

"Bản thân tôi khi ăn bánh trung thu nhân thập cẩm cũng phải nhặt bỏ những miếng mỡ, mứt đi để giảm năng lượng đưa vào cơ thể", PGS Lâm nói.

Ai cần lưu ý khi ăn bánh trung thu

Theo PGS Lâm, bánh trung thu dù rất ngon nhưng một số nhóm người sau cũng cần phải  "kiêng dè" khi sử dụng ví như, người đái tháo đường, thừa cân béo phì.

Đối với nhóm đối tượng này, nếu muốn ăn bánh trung thu nên lựa chọn các sản phẩm cho người đái tháo đường và người cần ăn kiêng. Loại bánh trung thu này được làm với kích cỡ nhỏ và sử dụng đường ăn kiêng nên chỉ số đường và năng lượng rất thấp. Người đường máu cao vẫn có thể thưởng thức mà không lo ngại tăng đường huyết.

Theo chuyên gia, khi chọn bánh trung thu cần lưu ý những tiêu chí sau:

- Sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng: có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng, bảo quản...

- Sản phẩm phải ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và còn hạn sử dụng.

- Sản phẩm được bày bán ở những địa điểm kinh doanh xác định, đáp ứng các yêu cầu về điều kiện kinh doanh thực phẩm như có đủ trang thiết bị che đậy tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập, bảo quản đúng quy định trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất.

- Người tiêu dùng phải sử dụng cảm quan để đánh giá bảo đảm sản phẩm không bị dập nát, biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường; bánh không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ.

- Tuyệt đối không lựa chọn, mua sản phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc, hết hạn sử dụng, bao bì rách nát, sản phẩm biến dạng, hàng lậu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại