Việt Nam tiêu thụ rượu bia nhiều nhất Đông Nam Á
Cục Y tế dự phòng Việt Nam cho biết, lượng tiêu thụ rượu bia ở Việt Nam hiện được xếp vào loại cao nhất Đông Nam Á, đứng thứ 3 châu Á. Bình quân đầu người là 17,2 lít cồn nguyên chất/ năm. Tổ chức nghiên cứu ung thư (IARC) cảnh báo, ethanol được xếp vào nhóm chất gây ra 7 loại ung thư, bao gồm ung thư gan.
Trong khi đó theo kết quả điều tra STEPs, có khoảng 77,35% nam giới và 11% nữ giới ở Việt Nam đang sử dụng rượu bia; 44,2% nam giới và 1,2% nữ giới uống ở mức nguy hại (6 đơn vị cồn trở lên).
Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới trên toàn cầu năm 2014 cho thấy, trong 100 bệnh nhân chết do xơ gan, có 77% có sử dụng rượu bia.
Rượu bia gây ung thư ở người bằng cách nào?
WHO cũng khuyến cáo, uống rượu bia ở mức độ nào cũng có khả năng gây ung thư và không có ngưỡng nào là an toàn khi sử dụng rượu bia. Khi sử dụng rượu bia, 95% chất cồn được chuyển hóa qua gan thành các chất khác.
Cơ chế gây ung thư của rượu khi vào cơ thể được các chuyên gia tổng kết với con đường thứ nhất là dưới tác dụng của enzym alcohol dhydrogenase, rượu được oxy hóa thành acetaldehyde là một chất gây ung thư bằng cách tổn thương DNA.
Việc uống rượu làm tăng acetaldehyde trong nước bọt, làm tổn thương DNA ở các tế bào niêm mạc miệng, họng, thực quản và đường hô hấp trên.
Rượu cũng làm tăng khả năng hấp thu các chất gây ung thư thấm vào cơ thể như hút thuốc lá; kích thích cơ thể gây ra các phân tử có hoạt tính cao gây tổn hại DNA của tế bào và dấn đến ung thư… Rượu cũng trực tiếp gây ra tình trạng xơ gan, tổn thương tế bào gan và từ dó dẫn tới ung thư gan.
Gánh nặng ung thư gan tại Việt Nam
Theo thông báo của Bệnh viện K, bệnh ung thư ngày càng có xu hướng gia tăng. Hiện nay trên toàn cầu có khoảng 32,6 triệu người sống chung với bệnh ung thư và mỗi năm có khoảng trên 14,1 triệu người mới mắc, 8,2 triệu ca tử vong.
Ước tính đến năm 2030 thế giới có khoảng 21,4 triệu trường hợp mắc mới và 13,3 triệu người chết vì ung thư mỗi năm. Ung thư là một trong những nguyên nhân gây tử vong đứng hàng đầu, chiếm 12% các trường hợp tử vong.
Tại Việt Nam, bệnh ung thư cũng tăng nhanh với số ca mắc mới vào khoảng 150.000 ca năm 2015, ước tính đến năm 2020 lên tới 200.000 ca. Các bệnh ung thư là nguyên nhân của 18% số trường hợp tử vong trong cả nước.
Theo điều tra về tình hình ung thư ở trên thế giới năm 2012, ung thư gan đứng thứ 7 trong 10 bệnh ung thư phổ biến ở cả 2 giới với tỉ lệ mắc là 10,1% và tỉ lệ tử vong là 9,5%.
Riêng tại Việt Nam, ung thư gan gặp khá nhiều, đứng hàng thứ 2 trong 10 bệnh ung thư phổ biến ở cả 2 giới chỉ sau ung thư phổi. Tỉ lệ mắc ung thư gan nói chung của cả 2 giới tại nước ta chiếm tới 24,6%, tỉ lệ tử vong chiếm 23,7%.
Trong khi đó, có khoảng 1/3 số ca ung thư mắc mới mỗi năm có thể phòng được. Yếu tố quan trọng nhất của việc phòng bệnh là loại trừ hoặc giảm tối đa tiếp xúc với các chất gây ung thư. Ngoài ra việc phát hiện sớm và điều trị đúng cũng có thể chữa khỏi 1/3 số ca ung thư nói chung.
Ung thư gan nguyên phát thường phát triển trên nền bệnh gan mạn tính, đặc biệt là viêm gan B và C mạn tính. Do đó cần giám sát chặt chẽ bệnh nhân viêm gan b, C, nam giới trên 40 tuổi và nữ giới trên 50 tuổi.
Các yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư gan gồm có: người có virut viêm gan B, C, rượu, tiểu đường, thừa cân, phơi nhiễm với độc tố môi trường.
Để phòng bệnh ung thư gan, trước hết cần dự phòng lây nhiễm viêm gan B, C, điều trị bệnh gan mạn tính, ngăn ngừa xơ gan phát triển thành ung thư gan. Biện pháp giám sát tích cực nhất là siêu âm gan 6 tháng/ 1 lần. Phát hiện ngay khi có khối u nhỏ dưới 2 cm thì tiên lượng tốt nhất.
Việc chẩn đoán ung thư gan ở giai đoạn sớm chỉ chiếm tỉ lệ rất ít (12,2%), có đến 87,8% bệnh nhân ung thư gan phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn 3 trở lên.