BS cảnh báo: Nhiều cha mẹ nghe "doạ" ung thư, vội vàng cho con cắt bao quy đầu là sai lầm

Bảo Thy |

Theo các bác sĩ việc nong hay cắt bao quy đầu phải tuỳ từng trường hợp cụ thể mới làm chứ không phải trường hợp nào cũng nong tách bao quy đầu vì có thể nong tách.

Là sinh lý bình thường

Hẹp bao quy đầu khá phổ biến ở trẻ em, nhưng nhiều ông bố bà mẹ không biết phải làm gì để khắc phục tình trạng này. Một số không ít nghe theo chỉ dẫn của bạn bè, vội vàng đưa các em nhỏ, thậm chí là mới vài tháng tuổi, đi nong bao quy đầu. Tuy nhiên, bác sĩ cho rằng đó chỉ là sinh lý bình thường.

Trường hợp con của chị Vũ Kim Oanh trú tại Thanh Xuân, Hà Nội là điển hình. Chị Oanh phải cho con đi khám tại Bệnh viện Nhi trung ương vì cậu nhỏ của cháu sưng đau và có căn.

Theo chị Oanh kể, con trai chị hơn 1 tuổi. Chị đọc thông tin trên báo thấy con có dấu hiệu chít hẹp bao quy đầu và đây là nguy cơ có thể gây ung thư dương vật nên chị Oanh đã cho con đi khám ở một phòng khám đa khoa.

BS cảnh báo: Nhiều cha mẹ nghe doạ ung thư, vội vàng cho con cắt bao quy đầu là sai lầm - Ảnh 1.

Nhiều trường hợp quá bé bố mẹ đã nong bao quy đầu không đúng cách gây chít hẹp

Bác sĩ cho biết cháu bị hẹp bao quy đầu và phải nong. Khi nong, cháu khóc thảm thiết, đau. Dù bác sĩ dặn về nhà tự nong nhưng mỗi lần chạm vào vùng kín của con là cháu khóc ré lên và sợ hãi. Cháu còn sợ cả đi vệ sinh, có dấu hiệu nhịn tiểu. 

Chị Oanh lo lắng sợ con đau nên không dám làm gì mạnh. Kết quả, một thời gian sau, cháu vẫn kêu đau ở đầu dương vật và có rất nhiều dịch kèm theo vẩn đục.

Chị Oanh cho con tới bác sĩ để khám. Bác sĩ chẩn đoán viêm nhiễm trùng bao quy đầu kèm theo chít hẹp bao quy đầu. Cháu bé phải theo dõi thêm nhưng mỗi lần động vào vùng kín cháu lại khóc. Chị Oanh đành chờ đợi con lớn hơn sẽ xử lý.

Thời gian gần đây, khi bệnh ung thư trở thành con "ngáo ộp" trong đó có ung thư dương vật và được chỉ ra nguyên nhân là do chít hẹp bao quy đầu gây viêm nhiễm, xơ hoá dẫn đến ung thư hoá. Nhiều quảng cáo về cắt bao quy đầu, nong bao quy đầu ở các phòng khám tư nhân mọc lên như nấm.

Điều đó đã khiến cho các ông bố bà mẹ lo lắng và đưa con đi nong bao quy đầu.

Chị Nguyễn Thu Hà – Gia Lâm, Hà Nội chia sẻ chị cũng từng ôm con 8 tháng đi nong bao quy đầu, cháu khóc hết nước mắt. Chị Hà được bạn bè giới thiệu 1 phòng khám ở Long Biên của bác sĩ BV Nhi Trung ương nên chị đưa con đến nong. Kết quả, cháu bé bị đau quá, mỗi lần đi tiểu là bé khóc thét lên khiến chị Hà xót con.

BS cảnh báo: Nhiều cha mẹ nghe doạ ung thư, vội vàng cho con cắt bao quy đầu là sai lầm - Ảnh 2.

BS thực hiện việc phẫu thuật cắt bao quy đầu cho trẻ (Ảnh minh hoạ)

Sau này, chị Hà cho bé đi khám lại mới biết chị đã quá vội vàng khi đưa con đi nong sớm.

Trường hợp của bà Nguyễn Thị M. Khoái Châu, Hưng Yên đang chăm cháu tại Bệnh viện Da liễu Trung ương bị sùi mào gà nghi do đi nong chít hẹp bao quy đầu ở một phòng khám tư. 

Bà M. cho biết bà nuôi cháu nội thấy vùng kín của cháu hay bị tấy đỏ, có gỉ trắng vẩn do cặn đóng lại. Bà thấy mọi người thường bảo nhau đưa trẻ đi nong nếu cắt phải cắt để phòng ung thư. Ông bà thương cháu nên cũng đưa cháu đi nong nào ngờ rước thêm bệnh cho cháu.

Bác sĩ Trần Thuy Thuỷ - Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết bao quy đầu là phần da che phủ quy đầu. Hẹp bao quy đầu là tình trạng bao da bó chặt quy đầu, không thể lộn hoàn toàn ra khỏi quy đầu được. Khi mới sinh, đa số trẻ bị hẹp bao quy đầu sinh lý, nhưng cùng với thời gian, bao quy đầu sẽ tách khỏi quy đầu. Theo tuổi trưởng thành các bé sẽ giảm dần tình trạng chít hẹp.

Nếu cố gắng nong tách bao quy đầu cho trẻ quá sớm có thể gây thành chít hẹp bệnh lý thật vì nó có thể gây viêm nhiễm, tạo xơ.

Khi nào cần nong, cắt 

Theo bác sĩ Thuỷ hẹp bao quy đầu sinh lý là điều bình thường còn hẹp bao quy đầu bệnh lý là hẹp thực sự vì có sẹo xơ, hình thành sau viêm nhiễm hoặc do cố gắng quá mạnh để nong bao quy đầu trước đó.

Với bé trai dưới 4 tuổi: không nên cố gắng nong bao quy đầu bằng tay vì có thể gây dính và sẹo xơ, dẫn tới hẹp bao quy đầu thứ phát.

Với bé trai trên 4 tuổi, hoặc nhỏ hơn 4 tuổi nhưng có kèm các biểu hiện bất thường như tiểu khó (khi tiểu bé phải rặn, đỏ mặt hoặc khóc lóc, bao quy đầu phồng lên…) hoặc da quy đầu thường viêm nhiễm tấy đỏ có thể sử dụng biện pháp dùng tay kéo căng da quy đầu mỗi ngày. 

Phần lớn các trường hợp bao quy đầu bị hẹp có thể được nong rộng trong vòng 1-2 tháng nhờ bài tập kéo căng da quy đầu, thực hiện đều đặn 2 -3 lần mỗi ngày.

Phương pháp này không gây sang chấn cũng như không gây tổn thương cấu trúc của da quy đầu. Tuy nhiên, cha mẹ cần thực hiền động tác kéo căng bao quy đầu một cách từ từ, nhẹ nhàng, lần sau kéo căng nhiều hơn lần trước, như thế lớp bao da sẽ giãn dần. Phương pháp này đòi hỏi sự kiên trì, phối hợp tốt giữa cha mẹ và trẻ, và đặc biệt là tuân thủ kỹ thuật, tránh gây biến chứng tạo sẹo sau này. Nếu sau 1 tháng không thấy kết quả, hãy chuyển sang phương pháp sau.

Ngoài ra, có thể kéo căng da quy đầu kết hợp bôi thuốc mỡ chứa steroid. Loại thuốc mỡ cần dùng là Betamethasone 0,05%. Bôi thuốc lên phần trong và ngoài của bao quy đầu. 

Nếu bao quy đầu quá hẹp, chỉ để lộ một lỗ nhỏ , bạn vẫn có thể đưa thuốc vào bên trong bằng cách nhẹ nhàng kéo da quy đầu lên xuống vài lần, hoặc vê vê nó một lúc. Thực hiện liệu pháp này 2 – 3 lần mỗi ngày, ít nhất là trong vòng 1 tháng, kết hợp biện pháp kéo căng da quy đầu đã hướng dẫn ở trên.

Theo thạc sĩ Nguyễn Đình Liên – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội thủ thuật nong bao quy đầu hay cắt bao quy đầu rất phổ biến tại các phòng khám, bệnh viện bởi vì sự thổi phồng về biến chứng ung thư dương vật do hẹp bao quy đầu gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho phụ huynh có các trẻ em là bé trai.

Hơn nữa, đầu tư trang thiết bị điều trị bệnh lý này tại các phòng khám ít, kỹ thuật đơn giản mà thu được lợi nhuận cao nên họ đã quảng cáo rầm rộ để lôi cuốn bệnh nhân dẫn đến có những trẻ không cần thiết phải cắt bao quy đầu cũng bị bác sĩ cắt. 

Đó còn chưa kể đến những bệnh mắc phải nếu xử lý ở những phòng khám không đạt chuẩn dụng cụ chưa tiệt trùng như bệnh sùi mào gà với các bệnh nhi ở Khoái Châu, Hưng Yên là điển hình.

Để tránh lạm dụng cắt bao quy đầu ở trẻ em, bác sĩ Liên cho biết mọi người phải hiểu đa phần trẻ em là hẹp bao quy đầu sinh lý, nếu vệ sinh, chăm sóc bao quy đầu tốt thì trẻ sẽ có thể " tự hết hẹp". Do đó nong tách bao quy đầu là không cần thiết nếu trẻ không bị viêm dính bao quy đầu.

Các bác sĩ khuyến cáo chỉ cắt bao quy đầu ở thanh thiếu niên, người trường thành bị chít hẹp bao quy đầu, thắt nghẹt bao quy đầu, dài da bao quy đầu, viêm nhiễm bao quy đầu tái phát, bao quy đầu có sùi mào gà. Việc thực hiện cắt phải ở cơ sở y tế chuyên khoa có đủ kỹ thuật và đảm bảo vô trùng để tránh tai biến, viêm nhiễm sau cắt.

Để phòng chit hẹp bao quy đầu, các bà mẹ khi tắm cho trẻ, dùng tay lộn nhẹ nhàng da bao qui đầu để vệ sinh sạch sẽ toàn bộ qui đầu, sau đó lộn da bao qui đầu về vị trí cũ để che phủ qui đầu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại