Biệt danh "Đức nổ" và nỗi khổ thầm kín

Đoàn Dự |

Bầu Đức xuất hiện trên báo chí thì đúng là "Đức nổ” thật rồi, nhưng xem ra biệt danh này lại có phần oan uổng cho tỷ phú phố Núi.

“Thắng ai chứ thắng bóng đá Thái Lan thì sướng lắm. Mà các anh phóng viên đừng gọi tôi là “Đức nổ” nữa nhé” – Bầu Đức nói sau khi U19 Việt Nam thắng U21 Thái Lan ở CK U21 Quốc tế 2014.

Trong một lần khác, bầu Đức lại tự nhắc đến biệt danh "Đức nổ”:

“Nếu đến năm 2019 mà tôi không làm được điều này (đoạt HCV SEA Games) cho bóng đá Việt Nam, thiên hạ gọi tôi là thằng Đức nổ tôi cũng chịu”.

Làm bóng đá, tỷ phú Đoàn Nguyên Đức bị gọi là Đức nổ

Làm bóng đá, tỷ phú Đoàn Nguyên Đức bị gọi là Đức "nổ"

Vậy từ đâu mà bầu Đức, một tỷ phú đức cao, vọng trọng lại mang cái biệt danh "Đức nổ” có phần hơi châm biếm như vậy?

Nếu để ý nhìn lại những phát ngôn của tỷ phú phố Núi được báo chí đăng tải những năm qua, hẳn nhiên sẽ thấy cái biệt danh ấy có phần đúng. Ví dụ như:

“Bọn nhỏ đá thắng các đội chuyên nghiệp Thái Lan (khi đi tập huấn trước mùa giải 2015) được thì chơi V-League ổn thôi.

Bản thân tôi không giao chỉ tiêu vô địch V-League tránh gây áp lực cho các cháu nhưng tự thân cầu thủ phải hiểu là mỗi lần ra sân là nghĩ đến chức vô địch”.

“Các bác cứ bảo cầu thủ của chúng tôi chưa đủ tuổi để đá V-League, nhưng tôi xin thưa rằng cách đây gần 1 năm tôi cho lứa U19 này đá với đội 1 HAGL, tụi nhỏ đã dẫn trước tới 3, 4 bàn.

Tôi sợ chúng nó tự cao và giữ thể diện cho các đàn anh nên hiệp 2 tung đội hình phụ vào sân thì đội 1 HAGL mới có cơ hội gỡ hòa hoặc giành chiến thắng cách biệt chỉ 1 bàn.

Còn khi đá V-League 2015, nếu gặp lối đá áp sát, thiên về thể lực thì với kỹ thuật cá nhân của Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… tụi nhỏ đủ biết cách để khắc chế đối phương”.

Chính những phát ngôn có phần quá đỗi tự tin của bầu Đức với lứa cầu thủ trẻ tự tay mình gây dựng nên đã khiến tỷ phú phố Núi bị mang một biệt danh chẳng mấy vui vẻ.

Bầu Đức rất có tâm không chỉ với cầu thủ bóng đá, mà với cả khán giả nước nhà

Bầu Đức rất có tâm không chỉ với cầu thủ bóng đá, mà với cả khán giả nước nhà

Nhưng câu chuyện đằng sau tất cả các phát ngôn, biệt danh ấy là gì?

“Cá nhân tôi phỏng vấn bầu Đức nhiều, chưa bao giờ thấy ông thái quá. Không rõ báo chí nói như thế nào, nhưng đôi khi tôi có sự nghi ngờ nhất định về tính xác thực” – nhà báo Minh Hải chia sẻ.

Theo nhà báo kì cựu này, chủ đề HAGL là rất “hot” với báo chí. Tuy nhiên ở CLB phố Núi, các cầu thủ không thích và không được phép chia sẻ với truyền thông quá nhiều.

Vì thế giới truyền thông nhắm cả vào bầu Đức và theo Minh Hải, đôi khi có những người sử dụng “chiêu trò” để khiến tỷ phú này phải đưa ra những lời lẽ có phần quá phấn khích.

“Sau phút 80 của trận đấu, một số người đã tiếp cận bầu Đức. Ngay khi thắng, cảm xúc của ông đang dâng trào thì phóng viên lập tức hỏi.

Khi ông dâng trào cảm xúc, có vài phát ngôn quá đà cũng là điều bình thường. Tuy nhiên báo chí cần có tính xây dựng, có nên đưa những khoảnh khắc đó để “câu view” hay không?” – Minh Hải tiếp.

Bầu Đức rất tâm lý với lứa cầu thủ trẻ của HAGL

Bầu Đức rất tâm lý với lứa cầu thủ trẻ của HAGL

Một vấn đề khác cần phải nhìn nhận về chuyện bầu Đức ca ngợi HAGL. Chuyện ông khen Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh khi chiến thắng dĩ nhiên là bình thường.

Nhưng ngay cả khi thua, ông bầu này cũng lên tiếng ca ngợi thậm chí là thưởng cho HAGL. Trong mắt nhiều người, hành động ấy có thể giống như đang “tự sướng” vậy.

Nhưng thực tế, đó là liệu pháp tinh thần rất cao tay, tâm huyết mà bầu Đức dành cho lớp trẻ phố Núi: “Bầu Đức tất nhiên có khen Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường... khi hay khen là bình thường.

Nhưng khi đá dở vẫn khen để các cầu thủ biết ông vẫn đặt niềm tin vào họ. Đó là 1 liệu pháp tinh thần.

HAGL, bầu Đức giống như 1 thần tượng của các em nhỏ. Khi ông đến Hàm Rồng ăn cơm, ngủ lại, các em nhỏ rất hạnh phúc. Một lời nói của ông có giá trị tinh thần rất lớn với cầu thủ”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại