Giáo dục VN đưa tin, Thông tin Bộ Công Thương có văn bản đề nghị Chính phủ cho nhập khẩu 50.000 tấn đường từ Lào với thuế suất 0% liên tục nhận nhiều ý kiến trái chiều.
Trả lời trên VTV ông Đỗ Thành Liêm - Phó Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) cho rằng ngành đường Việt Nam đang tồn kho cung đang vượt cầu.
Cụ thể, theo VSSA vụ mía đường 2014 - 2015 dự báo tổng nguồn cung là 2 triệu tấn chưa kể đường nhập khẩu không chính thức, đường nhập lậu trong khi mức tiêu thụ năm 2015 khoảng 1,3 - 1,4 triệu tấn.
Như vậy lượng đường dư thừa trong năm 2015 sẽ trên 600.000 tấn.
“Nếu 50 nghìn tấn đường này về trong thời vụ đang sản xuất của mía đường hiện nay là vụ mía năm 2015 đang là vụ mùa sản xuất chính, nếu về với thuế suất bằng 0 thì nó tăng thêm nguồn cung nên sức ép rất lớn đến việc giảm giá bán đường trong nước”, ông Liêm nói.
Đây không phải lần đầu tiên Bộ Công thương đề xuất cho doanh nghiệp được nhập khẩu đường từ Lào.
Ở niên vụ trước, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã có đề xuất chính phủ xin nhập 30.000 tấn đường về Việt Nam để tái xuất.
Thời điểm đó VSSA cũng có nhiều ý kiến phản đối cho rằng cho nhập đường từ Lào sẽ gây khó cho doanh nghiệp đường trong nước.
Giá đường của Hoàng Anh Gia Lai - công ty của bầu Đức chỉ bằng 1/4 giá đường trong nước.
Tuy nhiên cách làm của Hoàng Anh Gia Lai chỉ là nhập đường để tinh luyện xuất sang Trung Quốc.
Sở dĩ bầu Đức đưa đường từ Lào về Việt Nam tinh luyện thứ nhất tạo thêm việc làm cho nhân công, người lao động thứ hai đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu cho Việt Nam.
Thực tế giá thành 1 tấn mía đường của Hoàng Anh Gia Lai nhập từ Lào chỉ là là 240.000 đồng, trong khi Việt Nam sản xuất là 800.000 đồng.
Giá đường của Hoàng Anh Gia Lai chỉ ở mức 4.000 đồng/kg, trong khi các nhà máy của Việt Nam bán là 16.000 đồng và đến tay người tiêu dùng là 23.000 - 25.000 đồng.
Từ lý giải của VSSA về việc mía đường trong nước đang cung vượt cầu theo lý đó giá mía đường trong nước phải rẻ hơn tuy nhiên thực tế lại khác.
Lo ngại việc không cho nhập khẩu đường giá thấp từ Lào có thể người tiêu dùng Việt Nam phải mua đường giá cao như hiện nay.
Vấn đề đặt ra tại sao giá mía đường trong nước lại cao gấp 4 lần giá mía đường được Hoàng Anh Gia Lai nhập về? Và việc mía đường Hoàng Anh Gia Lai nhập về có ảnh hưởng tiêu cực như lo ngại của VSSA?
Thực tế câu chuyện Hoàng Anh Gia Lai xin nhập đường từ Lao về Việt Nam để tinh luyện xuất khẩu sang Trung Quốc không ảnh hưởng thị trường mía đường trong nước.
Bởi dù giá thành rẻ hơn rất nhiều so với giá mía đường trong nước nhưng Hoàng Anh Gia Lai không bán đường ở thị trường trong nước.
Dù Trung Quốc là nước phải nhập khẩu đường nhưng như thừa nhận của ông Nguyễn Hải, Tổng thư ký Hiệp hội mía đường Việt Nam việc xuất khẩu đường của các doanh nghiệp trong nước sang Trung Quốc gặp khó khăn; thậm chí có thời điểm giá đường ở Trung Quốc còn thấp hơn giá bán tại các nhà máy đường ở Việt Nam.
Nói cách khác chính việc giá mía đường trong nước quá cao khiến mía đường khó cạnh tranh và tìm đầu ra
Vì vậy để giải bài toán khó khăn cho doanh nghiệp mía đường và nông dân trồng mía là tìm ra lời giải để đưa giá thành sản xuất mía đường giảm xuống để có thể cạnh tranh.
Nhất là thời điểm cộng đồng các nước Asean sẽ mở cửa thông thoáng thành thị trường chung khi đó mía đường các nước sẽ tràn vào thị trường Việt Nam, theo điều tiết của thị trường doanh nghiệp mía đường trong nước sẽ càng khó khăn hơn.
Bầu Đức kiểm trăm tỷ từ mía đường
Dường như bầu Đức đầu tư vào ngành nào là ngành đó xôn xao. Từ bất động sản, cao su tới mía đường và gần đây nhất là “chăn bò”, bầu Đức đều nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận vì độ “chịu chơi”.
Ở bất cứ ngành nào đã đầu tư, bầu Đức cũng mạnh tay rót cả trăm, ngàn tỷ đồng vào.
Đầu tư vào nông nghiệp từ năm 2008, tính tới nay, chỉ riêng mía đường, bầu Đức đã đổ vốn ngót ngét 90 triệu USD (hơn 1.800 tỷ đồng).
Trong khi bất động sản mới đang hứa hẹn bội thu, cao su rục rịch cho trái ngọt thì mía đường đã mang về hàng ngàn tỷ đồng cho Hoàng Anh Gia Lai.
Từ năm 2013, mía đường đã trở thành “cứu cánh” cho Hoàng Anh Gia Lai. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2013 của Hoàng Anh Gia Lai đạt 950 tỷ đồng, tăng 160% so với năm 2012.
Trong năm 2013, doanh thu ngành bất động sản chỉ ở mức khiêm tốn 247 tỷ đồng.
Trong khi đó, ngành mía đường đóng vai trò cứu cánh khi mang về doanh thu 838 tỷ đồng và khoản lãi gộp 552 tỷ đồng. Đây là con số ấn tượng.
Tới quý 1/2014, mía đường tiếp tục hái trái ngọt cho Hoàng Anh Gia Lai. Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ tại Hoàng Anh Gia Lai đạt 924,84 tỷ đồng, tăng 202,54 tỷ đồng, tương ứng 28,04% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng lưu ý, doanh thu từ mía đường chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu của Hoàng Anh Gia Lai.
3 tháng đầu năm, doanh thu từ mía đường đạt 492,29 tỷ đồng, tăng 161,57 tỷ đồng, tương ứng 48,85% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 50,06% tổng doanh thu của Hoàng Anh Gia Lai.
Điều đó cho thấy mía đường đang ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu và lợi nhuận của Hoàng Anh Gia Lai.
Trong năm 2014, mía đường còn hứa hẹn giúp Hoàng Anh Gia Lai có nhiều bứt phá mạnh mẽ khi Tập đoàn này đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế đạt 1.460 tỷ đồng, tăng 50% so với năm 2013.
Dù chỉ là “lính mới” nhưng Hoàng Anh Gia Lai vẫn hứa hẹn trở thành thế lực lớn trong ngành mía đường.
Ngay từ quý 1, Hoàng Anh Gia Lai không hề thua kém so với “ma cũ”. Doanh thu từ quý 1/2014 của Hoàng Anh Gia Lai là 492,29 tỷ đồng.
Trong khi đó, ngoài Công ty Cổ phần Đường Biên Hoà (BHS) có doanh thu vượt trội đạt 628,309, đa số các “ông lớn” còn lại đều kiếm được số tiền tương đương Hoàng Anh Gia Lai.
Cụ thể, doanh thu của Công ty cổ phần Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (SBT) là 485,53 tỷ đồng, của công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn (LSS) là 429,184 tỷ đồng, của công ty Cổ phần Đường Ninh Hòa (NHS) là 400,5 tỷ đồng.