Đang khỏe mạnh bỗng phát hiện bị tiểu đường nặng
Ông Trần Văn Út (60 tuổi) chuyên nghề trồng cây kiểng ở TP. Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Gần đây, ông được khá nhiều người biết vì khỏi bệnh tiểu đường một cách kỳ lạ nhờ ăn 1 món đặc sản khoái khẩu của dân nhậu.
Đó là lá non của cây sầu đâu. Tại quán cà phê của các con ông Út ở xã Tân Khánh Đông, một người con của ông xác nhận:
“Ba tui bị bệnh tiểu đường rất nặng, chạy chữa bằng thuốc Tây tốn rất nhiều tiền mà không khỏi. Nhưng từ khi ông ăn lá sầu đâu non hàng ngày thì bệnh tiểu đường lui dần rồi khỏi hẳn, lượng đường trong máu hiện nay rất ổn định”.
Nhìn ông Út mạnh khỏe, thân hình rắn chắc và nói cười rổn rảng, không ai nghĩ ông Út từng mắc bệnh tiểu đường rất nặng. Ông Út kể: “Năm 2008, tui đang làm nghề mua bán lúa gạo xuất khẩu.
Đang khỏe mạnh bình thường thì một hôm đi làm về đến nhà, tui bỗng thấy trong người bải hoải, khó chịu và mệt mỏi, lại thêm chứng khát nước kinh khủng.
Trong đêm hôm đó, cứ 5-10 phút là tui lại phải uống nước, mà uống như đã nhịn khát lâu lắm rồi. Uống nước xong một hồi, tui lại… mắc tiểu. Chỉ tính trong đêm hôm đó tui phải thức giấc đi tiểu gần 20 lần, không ngủ nghê gì được hết”.
Tuy cơ thể có những hiện tượng kỳ lạ, nhưng những ngày kế tiếp ông Út vẫn đi làm bình thường. Đến khi cảm thấy không thể tiếp tục chịu đựng được nữa, ông Út mới đồng ý nghe lời vợ đến bác sĩ khám.
“Khi đó trong người tui rất mệt mỏi, nhưng vẫn cố gắng chạy xe gắn máy đến bác sĩ quen ở Sa Đéc nhờ khám bệnh.
Nghe tui kể bệnh tình, ông bác sĩ nói tui có dấu hiệu bị bệnh tiểu đường, nên lập tức cho làm các xét nghiệm cần thiết.
Kết quả xét nghiệm lúc đó cho thấy lượng đường trong máu của tui lên đến 4,9mg/lít, trong khi bác sĩ nói lượng đường bình thường trong máu chỉ từ 0,8mg/lít đến 1,2mg/lít”, ông Út nhớ lại.
Sau khi xác định ông Út bị bệnh tiểu đường nặng, vị bác sĩ đã yêu cầu ông nhập viện điều trị, nhưng ông Út xin về nhà điều trị ngoại trú bằng thuốc đặc trị.
“Tui điều trị bệnh tiểu đường bằng Tây y khoảng 2 năm, tốn kém mấy trăm triệu đồng nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm, lúc đó tui buồn dữ lắm”, ông Út kể.
Cũng từ đó, bạn bè, người quen, ai chỉ bất kỳ bài thuốc Nam, thuốc Đông y, thức ăn nào có thể trị bệnh tiểu đường là ông Út tìm bằng được để sử dụng, chỉ mong chặn đứng căn bệnh tiểu đường quái ác.
Suýt bị ngộ độc vì bài thuốc dân gian
PV TT&ĐS: Thưa ông, nghe nhiều người kể, ông đã từng ăn, uống nhiều loại thực vật để chữa, nhưng bệnh tiểu đường vẫn không khỏi?
Ông Trần Văn Út: Ai chỉ món gì tui cũng đã thử qua trong một thời gian dài, nhưng bệnh tình chẳng “xi nhê” gì hết. Khi nghe tui bị bệnh, những người quen biết với tui chỉ vẽ đủ món, nói chung họ nói cứ lấy thứ gì đắng, chát, chua mà ăn, uống vào thì sẽ trị được… bệnh tiểu đường.
Từ đó tui vừa dùng thuốc Tây hàng ngày vừa đi tìm các loại rau, trái có vị đắng, chát, chua để dùng thêm, chỉ mong mau khỏi bệnh. Đầu tiên tui mua rau đắng (dùng cả 2 loại rau đắng đất và rau đắng biển) về ăn hàng ngày.
Lúc thì tui ăn sống, lúc thì nấu canh, nhưng ăn hoài mà lượng đường trong máu vẫn không giảm. Sau đó có người chỉ tui lấy trái khế chua ép nước để uống hàng ngày.
Tui nghe lời, đi tìm khế chua ép nước uống, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn thì tui uống không nổi. Bởi lẽ, bao tử tui hơn bị yếu, uống nước khế chua vào nó có a-xít nên hành tui dữ quá, tui đành phải bỏ ngang.
Rồi có người chỉ tui uống nước lá dứa gai là loại cây mọc hoang ở các bãi song. Tui cũng đi lùng tìm, đem về nấu uống, nhưng cũng không khỏi bệnh.
Nghe nói có lần ông suýt bị ngộ độc vì… uống thuốc Nam?
Chuyện đó là có thiệt. Số là tui có ông bạn cũng bị tiểu đường giống tui, cũng uống nhiều loại thuốc Nam mà không khỏi.
Lần nọ, không biết ai bày cho ổng đi tìm dây cóc thường mọc hoang trong các khu vườn, có vị rất đắng, đem về giã nát với con cua đồng rồi vắt lấy nước uống.
Họ nói uống vài lần sẽ hết tiểu đường. Ông bạn liền thông báo bài thuốc này cho tui. Nhưng tui chưa kịp uống bài thuốc này thì bất ngờ nhận được điện thoại của ổng cho biết ổng đang nằm bệnh viện cấp cứu vì ngộ độc nước dây cóc giã với con cua đồng.
Ổng khuyên tui không nên uống. Tui nghe ổng nói vậy thì sợ quá không dám uống, nếu uống thì chắc tui cũng đã bị ngộ độc như ổng.
Cơ duyên với lá non cây sầu đâu
Sau vụ dây cóc và con cua đồng, nhiều người chỉ ông Út ăn trái khổ qua hàng ngày sẽ có tác dụng giảm lượng đường trong máu, nên ông cũng làm theo.
Lúc thì nấu canh, lúc thì xào, bữa cơm nào của ông Út cũng có khổ qua. Nhưng bệnh cũng không giảm nhiều.
Bất ngờ, vào khoảng năm 2011, có người bày cho ông ăn lá non cây sầu đâu sẽ có tác dụng. Ông Út kể: “Lá non cây sầu đâu thì tui đâu còn lạ gì, bởi mấy ông “đệ tử lưu linh” rất khoái lấy lá này trộn gỏi với khô cá lóc hoặc thịt ba rọi, chấm nước mắm me.
Từ đó tui lấy lá non cây sầu đâu làm thức ăn hàng ngày trong 2 bữa cơm chính. Mỗi ngày tui ăn 2 bó, chỉ tốn có 10.000đ tiền mua lá, nhưng phải tốn thêm tiền mua cá khô, thịt ba rọi.
Bởi lá sầu đâu đắng quá, khó ăn riêng mình nó. Ngoài việc ăn lá sầu đâu, tui tuyệt đối kiêng cữ đường trong bữa ăn hàng ngày, không uống nước ngọt”.
Từ khi ăn lá sầu đâu non mỗi ngày, cứ 2 tháng, ông Út lại đi xét nghiệm máu một lần. Điều bất ngờ, các bác sĩ cho biết lượng đường trong máu của ông đang giảm dần.
“Nhưng tui giấu bác sĩ chuyện ăn lá sầu đâu nên mấy ổng cứ tưởng nhờ thuốc Tây y công hiệu. Thật ra, từ khi ăn lá sầu đâu hàng ngày giảm được đường trong máu, tui cũng giảm chuyện uống thuốc Tây.
Lúc đầu tui uống thuốc Tây hàng ngày, những sau một thời gian ăn lá sầu đâu, giảm đường trong máu thì 3 ngày tui uống 1 lần thuốc Tây, sau đó 1 tuần lễ uống 1 lần, rồi 2 tuần uống 1 lần.
Đến lúc tui xét nghiệm máu biết lượng đường gần trở về mức bình thường thì 1 tháng tui mới uống thuốc Tây 1 lần, rồi bỏ luôn thuốc Tây đã hơn 3 năm”, ông Út nói.
Hiện tại, 1 tuần ông Út vẫn ăn lá sầu đâu 3 lần. “Bây giờ gia đình tui đã ghiền món lá sầu đâu trộn gỏi và món khổ qua xào, canh khổ qua, tuần nào không ăn lá sầu đâu và trái khổ qua là không được.
Nói thiệt, ai chỉ gì tui làm nấy chứ trước đó bản thân tui cũng không biết lá sầu đâu non trị được bệnh tiểu đường.
Nhưng tui cũng nghiệm ra một điều, ngoài việc uống thuốc Nam trị bệnh thì người bệnh cần phải lao động nhiều, tinh thần phải luôn lạc quan.
Chứ cứ nằm một chỗ rên rỉ, không chịu làm việc và lúc nào cũng bi quan thì uống thuốc tiên cũng khó lành bệnh”, ông khẳng định.