Cuộc chiến trên cánh sóng - Âm thầm nhưng khốc liệt

GTS |

Sau những tổn thất nghiêm trọng tại Anh, Không quân Đức được điều động khỏi Mặt trận phía Tây, để tham gia vào chiến dịch nước Nga, được đặt tên mã - "Operation Barbarossa".

LTS: Các cuộc chiến tranh như Iraq (1991 và 2003), Nam Tư (1999), Afghanistan (2001), Gruzia (2008) đã chỉ ra rằng tác chiến điện tử (TCĐT) gắn liền với vũ khí công nghệ cao có vai trò đặc biệt quan trọng, tác động trực tiếp tới hiệu quả chiến đấu trên chiến trường.

Thế nhưng, không phải thời hiện đại TCĐT mới được coi trọng, mà ngay từ Thế chiến thứ 2 loại hình tác chiến này đã được nhiều quốc gia ứng dụng và đạt những thành tựu vượt bậc, nhưng khi đó cũng đã có quốc gia tự bắn vào chân mình khi coi nhẹ TCĐT.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc tuyến bài "TCĐT trong chiến tranh thế giới lần thứ 2 - Tiền đề cho TCĐT hiện đại"

Kỳ 1: Coi nhẹ tác chiến điện tử, Hải quân Đức Quốc xã tự ghè chân mình

Kỳ 2: Bị săn diệt, tàu tuần dương Đức vẫn đào thoát ngoạn mục

Kỳ 3: Không quân Đức quỵ ngã vì sự kiên cường và sáng tạo của người Anh

Kì 4: Tác chiến điện tử trên bầu trời nước Đức

Không quân Hoàng gia Anh (RAF) đã quyết định trả đũa ồ ạt bằng các cuộc dội bom dữ dội xuống nước Đức như là một phần của chiến lược hủy diệt, cần phải có để đảm bảo chiến thắng của quân Đồng minh.

Cuộc chiến trên cánh sóng - Âm thầm nhưng khốc liệt

Các trận ném bom ban ngày nước Đức không thắng lợi, chủ yếu do tính dễ tổn thương của máy bay ném bom trước tiêm kích đối phương, và máy bay tiêm kích của RAF không có khả năng để đảm bảo yểm trợ xa hơn.

Đơn giản vì giới hạn tầm bay của họ, nên dần dần người Anh chuyển sang các cuộc tấn công ban đêm. Nhưng bây giờ người Anh lại đối mặt với những khó khăn tương tự.

Các tướng lĩnh chỉ huy RAF cho rằng khi một phi đội máy bay ném bom báo cáo rằng bom đã thả xuống mục tiêu xác định, thì chỉ có thể chắc chắn rằng những quả bom này đã được "gửi" đến mục tiêu đó mà thôi.

Năm 1938, người Anh phát minh ra hệ thống Gee, bao gồm ba máy phát, bố trí trên bờ biển, cách nhau 160 km. Công việc của chúng là đồng bộ hóa để phát ra một chuỗi xung phức tạp tuân theo một thứ tự xác định.

Đối chiếu với lưới bản đồ đặc biệt của châu Âu, các hoa tiêu có thể xác định vị trí của mình với sai số tối đa khoảng 10 km trên khoảng cách 650-1.000 km tính từ trạm phát sóng.

Tuy nhiên do một số trạm này đặt ở một số nước Đồng Minh nên khi quân Đức chiếm được các nước này, họ đã nhanh chóng tìm cách khắc chế hệ thống này.

Sau khi hệ thống Gee bị vô hiệu, người Anh cố gắng đưa ra các hệ thống định vị khác, nhưng không hệ nào trong số đó đảm bảo được cho các vụ ném bom đạt độ chính xác cần thiết. Cuối cùng, họ phát triển hệ Oboe ("Quan sát và đánh bom kẻ thù").

Đó là kết quả của một quá trình nghiên cứu công phu hệ thống Knickebein của Đức. Hệ thống Oboe bao gồm một máy hỏi dành cho bức xạ tín hiệu và lắp đặt trên máy bay ném bom, hai trạm mặt đất cách nhau một khoảng cách nhất định, được trang bị các máy phát (để tiếp nhận tín hiệu).

Sau một thời gian, hệ thống Oboe bị người Đức phát hiện và có cách khắc chế, vì vậy, để thay thế Oboe, hoặc ít nhất là để loại bỏ các hạn chế của nó, người Anh cải tiến hệ thống dưới tên gọi H2S.

Nó có chức năng kép: chỉ dẫn chính xác đường đi và đảm bảo ném bom chính xác hơn vào ban đêm. Không giống như các hệ thống trước đó, H2S không cần các trạm mặt đất: "trái tim" của nó là một radar mới phát triển, có thể lắp đặt trên máy bay.


Máy bay Spitfire của KQ Hoàng gia Anh.

Máy bay Spitfire của KQ Hoàng gia Anh.

Hệ thống này sử dụng một đèn điện tử đặc biệt công suất rất mạnh gọi là magnetron, phát ra công suất 10 kW ở bước sóng 10 cm. Vì lý do này, radar mới được gọi là radar cm, để phân biệt với các radar trước đó hoạt động ở bước sóng dài hơn nhiều.

Chuyến bay thử nghiệm được tiến hành trong năm 1941, nhưng hệ thống chỉ được RAF tiếp thu vào biên chế trang bị rất lâu về sau, vì người Anh lo ngại nó có thể rơi vào tay của người Đức và được sao chép sử dụng trên máy bay của họ.

Quyết định cuối cùng về việc sử dụng H2S là do tổn thất máy bay ném bom của RAF trong các cuộc không kích ban đêm trên đất Đức ngày càng tăng.

Bộ Tư lệnh tối cao Anh cho rằng Đức không có các radar phòng không như loại đang bố trí dọc theo bờ biển Vương quốc Anh, nhưng họ đã quá coi thường người Đức.

Và thế là số thương vong máy bay ném bom RAF ngày càng tăng, bắt buộc họ phải có thêm nhiều hơn nữa thông tin về radar phòng không (PK) Đức, để phát triển biện pháp đối kháng thích hợp có thể vô hiệu hóa hệ thống đó.

Lúc này, trên bầu trời nước Đức, để tìm kiếm các radar, thường xuyên có các chuyến bay trinh sát, các tù binh bị thẩm vấn, và tất cả máy bay Đức bị bắn rơi ở Anh, được khám xét kỹ lưỡng từng mảnh xác.

Một trong những radar đầu tiên của Đức tên là Freya, được phát triển từ năm 1939. Chức năng chính của nó là phát hiện máy bay địch ở tầm xa nhất có thể - mà ngày nay chúng ta gọi là phát hiện sớm.

Radar này hoạt động ở bước sóng 2,5m, có tầm phát hiện khoảng 160-200km, có thể phát hiện và theo dõi máy bay với độ chính xác khoảng 1.5km về cự ly và 1 độ về phương vị.

Các radar Freya đầu tiên được lắp đặt tại các trạm mặt đất cố định trải dài dọc theo bờ biển phía bắc các nước Pháp, Bỉ và Đức trên các tuyến tiếp cận của máy bay ném bom RAF.

Để bù đắp cho khuyết điểm của nó phải làm nhiệm vụ phát sinh chỉ huy xạ kích pháo cao xạ PK, xuất phát từ việc hạn chế tầm phát hiện tối thiểu 36 km, người ta thêm vào các radar này các đèn chiếu công suất lớn để chiếu sáng máy bay.

Tuy nhiên, phương pháp này quá phụ thuộc vào thời tiết xấu vốn là đặc điểm của khu vực, đặc biệt là những đám mây, do đó ngành công nghiệp Đức đã phải chế tạo một radar khác.

Radar này đảm bảo cung cấp thông tin chính xác hơn cho việc dẫn bắn pháo cao xạ và máy bay tiêm kích đánh chặn chống các máy bay ném bom của đối phương ở cự ly ngắn.

Người Anh, biết được tần số hoạt động và các đặc tính khác của radar Freya, bây giờ có cơ hội phát triển biện pháp đối phó thích hợp để vô hiệu hóa hoặc ít nhất làm giảm hiệu quả của các radar Đức.

Ban đầu, khá dễ làm điều đó, vì tất cả các radar Freya đều làm việc trên cùng một tần số (120-130 MHz), tần số đó dễ dàng bị bao phủ bởi máy phát nhiễu Mandrel đang có của người Anh.

Máy phát này phát ra tiếng ồn hỗn loạn tại các tần số hoạt động của Freya và do đó làm mù mắt nó.

Thiết bị phát nhiễu Mandrel được đặt trên một chiếc máy bay đặc biệt đi kèm đội hình chiến đấu của các máy bay ném bom trong các cuộc tấn công của họ, giúp họ thâm nhập vào không phận của Đức.

Người Đức đã cố gắng tránh chế áp bằng phương pháp thay đổi liên tục tần số hoạt động, nhưng người Anh không chịu thua kém, phải sản xuất một số lượng lớn các loại máy phát nhiễu các loại khác nhau để gây nhiễu các tần số khác nhau.

Trong một thời gian ngắn, tổn thất của người Anh giảm nhẹ, nhưng vào cuối năm 1942, thiệt hại bắt đầu tăng trở lại. Người Đức tạo ra một radar mới, cực kỳ hoàn hảo, gọi là Wurzburg, có tầm trinh sát khoảng 70 km và đo được cả độ cao của mục tiêu.

Radar này có thể cung cấp với độ chính xác cao hơn hai chức năng đặc biệt quan trọng của hệ thống phòng không: hướng dẫn máy bay tiêm kích đánh chặn máy bay ném bom địch và điều khiển pháo PK.

Bước tiến bộ hơn nữa trong lĩnh vực radar đã được thực hiện, khi người Đức tạo ra một radar mới, gọi là Liechtenstein BC để lắp đặt nó trên các máy bay tiêm kích đánh đêm.

Mặc dù nó chỉ có tầm 12 km, nhưng đóng một vai trò rất quan trọng trong hệ thống phòng không tích hợp. Hệ thống bao gồm một lượng lớn các trạm, mỗi trạm bao quát một ô nhất định, mà toàn bộ lãnh thổ của Đức được phân chia thành các ô như thế.

Các trạm này tên gọi Himmelbett (giường giăng màn bốn cọc). Mỗi một trạm trong số đó có một radar Freya, hai radar Wurzburg, một trạm quản lý chỉ huy, một trạm liên lạc.

Việc phát hiện ban đầu nhóm máy bay Anh thường do Freya đảm nhiệm, sau đó nó lập tức báo cáo phát hiện của mình về trạm điều hành chỉ huy.

Máy bay tiêm kích bay đêm, trang bị radar Liechtenstein BC ngay lập tức được phái lên đánh chặn kẻ thù dưới sự chỉ huy của một trong những radar Wurzburg.

Một radar Wurzburg khác bám sát máy bay địch và dẫn bắn cho pháo cao xạ, ngay sau khi máy bay tiến vào cự ly tiêu diệt.

Tất cả dữ liệu về các tọa độ và độ cao của máy bay ném bom đối phương và tiêm kích bay đêm đánh chặn được đưa lên một bản đồ đặc biệt, được gọi là "bàn chiến thuật".

Hệ thống này làm việc rất tốt và có thể được coi là tiền thân của hệ thống phòng không hiện đại, mặc dù khả năng giới hạn của nó trong việc bám sát chỉ được một mục tiêu duy nhất.

Bắt đầu từ Pháp và tiếp tục về phía đông, một mạng lưới phòng không đã được thiết lập. Ngoài nước Đức, các hệ thống được bố trí ở cự ly cách nhau 32 km, còn trong nước Đức - ở khoảng cách 80 km.

Đến cuối năm 1942, khi tổn thất máy bay của quân Đồng minh do các máy bay tiêm kích bay đêm Không quân Đức và pháo PK trở nên quá cao, người Anh bắt đầu thường xuyên phái các máy bay trang bị máy gây nhiễu Mandrel đến bờ biển của Đức.

Nhiệm vụ chính là để phát nhiễu và gây khó dễ cho việc phát hiện tầm xa của radar Freya nhưng tổn thất của họ không hề giảm, bấy giờ họ mới rõ rằng:

"Sự thành công của PK Đức phụ thuộc không chỉ vào Freya radar, hay radar phối hợp Wurzburg, về điều này thì người Anh không có thông tin đầy đủ, nên không có khả năng chế áp"

Vì người Anh hoàn toàn không biết các đặc tính của radar (tần số, độ rộng xung, v.v), do đó họ không thể tìm được REP thích hợp, họ không có sự lựa chọn nào ngoài việc đánh chiếm nó.

Người Anh đã thành công trong việc đánh chiếm một đài radar như thế và mang những phần quan trọng về để nghiên cứu. Một đêm tháng 5 năm 1943, một chiếc Junkers Đức Ju88R-1, đào ngũ và hạ cánh xuống một sân bay Anh.

Người Anh lập tức bắt đầu nghiên cứu radar của Ju88. Thậm chí họ còn tổ chức một chuyến bay thử nghiệm - tấn công trên không máy bay ném bom Anh Handley - Page Halifax.

Theo cách này, họ nhận được rất nhiều thông tin hữu ích, quan trọng nhất trong số đó là radar có ăng-ten khẩu độ mở bị hạn chế - chỉ 25 độ.

Trận chiến mô phỏng với máy bay ném bom Halifax cho thấy việc chuyển sang bổ nhào thoải sẽ ngắt được việc radar Đức bám sát máy bay ném bom.

Chẳng bao lâu, quân Đồng minh nghĩ ra một máy gây nhiễu mới được gọi là Carpet (Tấm thảm), loại máy này cuối cùng đã có thể chế áp được radar Wurzburg của Đức.

Đầu tiên, nó được lắp trên các máy bay ném bom Mỹ Boeing B-17, và nhờ có hệ thống mới, tổn thất của không quân Đồng Minh bắt đầu giảm ngay và giảm dần liên tục: trong vụ ném bom Bremen của Tập đoàn quân Không quân Mỹ số 8, tổn thất của Đồng Minh giảm 50%.

Sự tiến bộ không ngừng trong tác chiến điện tử

Sau khi người Anh sử dụng chiến thuật gây nhiễu bằng các lá kim loại, trải qua những bất ngờ ban đầu, các trắc thủ khai thác radar của Đức đã có kinh nghiệm nhận thấy có thể phân biệt các tín hiệu phản hồi từ máy bay ném bom với các tín hiệu cửa sổ.

Vì máy bay bay với tốc độ không đổi theo một hướng nhất định, còn dải nhiễu dường như cố định trên màn hình radar. Người Anh trả đũa bằng cách ném một số lượng lớn dải nhiễu lá kim loại, điều đó hoàn toàn phủ kín màn hình radar của đối phương.

Ngoài ra, khi cố gắng nâng cao hiệu quả hệ thống phòng không, người Đức đã đưa ra một loạt phương tiện khác để thực hành phản-đối kháng điện tử (phản-REP).

Một số trong đó sử dụng phương pháp phân biệt tín hiệu phản hồi từ máy bay với tín hiệu phản xạ từ các vật kim loại khác. Mặt khác họ sử dụng rộng rãi thiết bị cho phép radar thay đổi tần số hoạt động, ngay khi nó vừa dính nhiễu của đối phương.

Tuy nhiên, mặc cho tất cả các biện pháp được người Đức thực hiện để khắc phục tình hình, đêm này qua đêm khác, các thành phố của họ liên tục bị Bộ chỉ huy Không quân ném bom RAF phá hủy.

Trong suốt mùa hè năm 1943, việc các máy bay ném bom Đồng minh sử dụng Window với cường độ cao trên thực tế đã làm tê liệt hệ thống phòng không của Đức vào ban đêm, và trong điều kiện tầm nhìn kém, khi nó chủ yếu dựa vào radar Wurzburg.

Do đó, các trí tuệ siêu việt nhất của nước Đức trong lĩnh vực điện tử đã được huy động làm công việc phát triển các phương pháp khôi phục tính hiệu quả của hệ thống phòng không của họ.

Cần phải phát triển một radar mới hoạt động ở tần số khác nhiều so với các radar cũ ở trong các băng tần liền kề để tránh sự chế áp của các phương tiện REP của quân Đồng minh như các thiết bị chủ động (máy phát nhiễu Carpet), và thụ động (Window).

Các nghiên cứu được tiến hành với một tốc độ khủng khiếp, vì mỗi ngày và đêm mất đi có nghĩa là lại có thêm sự hủy diệt của một thành phố nước Đức.

Trong tháng 10 năm 1943, một mẫu thiết bị mới đã sẵn sàng và trong những ngày đầu năm 1944 một radar mới, gọi là Liechtenstein SN2, đã được cài đặt trong gần như tất cả các máy bay tiêm kích đánh đêm của Đức.

Nó làm việc ở bước sóng 3,3 m, tương ứng với tần số khoảng 90 MHz, thấp hơn so với tần số hoạt động của cả radar Liechtenstein BC và radar Wurzburg một cách đáng kể.

Và mặc dù nó có kích thước ăng ten lớn hơn nhiều, khá cồng kềnh, song nó có một lợi thế rõ rệt – góc quét là 120 độ, đảm bảo gia tăng sức mạnh của radar, làm cho nó không cần thiết bức xạ định hướng.

Bây giờ, các máy bay ném bom của Anh gần như không thể thoát sau khi bị radar phát hiện.

Nhưng lợi thế lớn nhất của góc quét rộng của radar nằm ở chỗ các máy bay tiêm kích Đức bây giờ đã có thể theo dõi máy bay ném bom của đối phương mà không cần dẫn đường và tiếp cận chúng nhanh chóng.

Việc phát hiện các máy bay ném bom đối phương dễ dàng hơn nhờ: tầm xa đặc biệt của radar mới là 64 km.

Thực tế là các máy bay RAF gần đây đã chuyển sang một chiến thuật mới để tiếp cận mục tiêu, cách tiếp cận này quả thật đã làm cho việc phát hiện ra chúng bởi hệ thống mới của Đức đơn giản hơn nhiều.

Biết rằng hệ thống PK của quân Đức chỉ có thể đồng thời theo dõi một máy bay, họ đã quyết định bay liền sau nhau thay vì sử dụng đội hình bậc thang như họ đã làm trước đây. Nhưng các nhóm lớn như vậy có thể bị phát hiện từ mặt đất thậm chí khi không có radar.

Nhờ radar mới, chiến thuật PK của quân Đức đã được sửa đổi .Bây giờ, các trạm kiểm soát chỉ huy mặt đất chỉ cần dẫn hướng các máy bay tiêm kích tới nhóm địch, sau đó tiêm kích có thể tự thân hoạt động.

Họ từ phía sau tiếp cận với nhóm máy bay ném bom của đối phương và bắt đầu "cuộc tàn sát" các máy bay ném bom xấu số của quân Đồng minh.

Trước đó, sau khi vượt qua bức tường radar PK, các máy bay ném bom phải tranh đua chỉ với pháo PK bảo vệ mục tiêu; nhưng giờ đây chúng liên tục bị đe dọa tấn công trong suốt quá trình bay đến mục tiêu, thậm chí là cả sau khi hoàn thành nhiệm vụ.


Không quân Đức Quốc xã.

Không quân Đức Quốc xã.

Sự ra đời của Radar thụ động

Sự tiến bộ của người Đức trong lĩnh vực điện tử chưa kết thúc. Máy bay tiêm kích được trang bị radar Liechtenstein SN2, và cả các RWR mới. RWR – là thiết bị có chức năng phát hiện bức xạ radar; nó thu nhận tín hiệu radar, nhưng bản thân không phát xạ.

Nó có hai lợi thế quan trọng là không phát ra năng lượng điện từ, không có khả năng phát lộ sự hiện diện của nó cho đối phương; và thứ hai, nó có tầm hoạt động lớn hơn so với radar.

Vì thế nó sẽ thu được bức xạ radar của đối phương sớm hơn là đối phương có thể thu nhận các tín hiệu phản hồi từ vật mang, mà trên đó lắp đặt RWR.

Trên thực tế, điều này có nghĩa là các máy bay tiêm kích Đức có thể thu được bức xạ radar máy bay ném bom quân Đồng minh ở khoảng cách gần gấp hai lần so với cự ly radar trên máy bay ném bom có thể phát hiện máy bay tiêm kích Đức.

Do đó, các máy bay tiêm kích có thời gian dự trữ lớn hơn để lên kế hoạch tấn công của mình. RWR cũng có thể dẫn đường máy bay tiêm kích tới nhóm máy bay địch.

Vì mặc dù nó không có khả năng đo khoảng cách tới radar của đối phương, nhưng vẫn đưa ra được khá chính xác hướng mà từ đó thu được bức xạ.

Ngoài ra, do hoàn toàn thụ động, RWR không nhạy cảm với nhiễu tạo ra bởi các dải lá kim loại, vốn gây rất nhiều rắc rối trong các trường hợp khác. Đến đầu năm 1944, Đức đã có hai loại RWR trên các máy bay-tiêm kích của họ.

Đầu tiên, radar Naxos, có thể thu được bức xạ radar Anh H2S. Vì radar H2S, tại thời điểm đó chỉ được cài đặt trên các máy bay chuyên dụng của lực lượng Dò đường Pathfinder (PFF- Pathfinder Force) ( lực lượng tìm kiếm đường tiếp cận mục tiêu) thuộc (RAF).

Đây là lực lượng có nhiệm vụ đánh dấu mục tiêu cho các máy bay ném bom bằng pháo sáng, bom phốt pho (lân tinh), Nó dẫn đường cho máy bay tiêm kích Đức đến đánh chặn và tiêu diệt loại máy bay đóng một vai trò quan trọng trong chiến lược của người Anh.

RWR thứ hai là Flensburg, được điều chỉnh để thu nhận bức xạ của một loại radar máy bay Anh khác - radar Monica, được cài đặt trong phần đuôi máy bay ném bom RAF và cung cấp cảnh báo về sự tiếp cận của máy bay tiêm kích đối phương ở bán cầu sau.

Điều đó cho họ thời gian để thực hiện động tác cơ động phòng thủ thích hợp. Người Đức tìm thấy một trong những hệ thống radar này trong đống xác của máy bay ném bom Anh bị họ bắn rơi.

Và dẫn đến ý tưởng tuyệt vời sử dụng bức xạ của nó để tạo ra không nhiều hơn cũng không ít hơn một cách bám vào đuôi máy bay ném bom của người Anh!

Năm 1944, sự phá hủy hoàn toàn Berlin được ngăn chặn chính là nhờ sự tiến bộ của người Đức trong lĩnh vực điện tử.

Hiệu quả của các máy bay tiêm kích đánh đêm của Đức được hỗ trợ bởi lực lượng pháo PK được tổ chức tốt, không cho phép RAF gây ra sự tàn phá lớn ở quy mô khủng khiếp như sự tàn phá thành phố cảng Hamburg.

Trong thời gian này, tổn thất của RAF tăng đáng kể, còn tinh thần chiến đấu lại giảm đáng kể. Nhiều người trong số các phi công tốt nhất của Anh đã kiệt sức nghiêm trọng và thường xuyên, họ hoảng sợ đến mức đôi khi nhầm lẫn, họ bắn hạ máy bay của quân mình.

Hoàn cảnh đối với RAF trở nên ngày càng tồi tệ và tồi tệ hơn cho đến khi họ có được may mắn từ trên trời rơi xuống.

Vào rạng sáng ngày 13 tháng 7 năm 1944, một trong những máy bay tiêm kích đánh đêm của Đức hiện đại nhất - Junkers Ju 88G-1, do lỗi hệ thống định vị dẫn đường đã bay lạc và hạ cánh xuống đất Anh.

Nó được trang bị các thiết bị điện tử mới nhất (radar SN2, radar cảnh báo sớm Flensburg và một số đài liên lạc vô tuyến điện mới rất hiệu quả), ngoại trừ radar cảnh báo sớm RWR Naxos.

Thử nghiệm cho thấy,  RWR Flensburg có thể phát hiện bức xạ radar Anh ở cự ly gần 80 km và không bật radar, máy bay đánh chặn sẽ âm thầm chiếm vị trí thuận lợi nhất. Sau đó, đoàn bộ thiết bị radar nhanh chóng được gỡ bỏ khỏi các máy bay ném bom RAF.

Lúc này, người Đức bắt đầu gặp một loạt các vấn đề khác nhau: tổn thất ngày càng tăng của các phi công giàu kinh nghiệm, không kịp đào tạo người mới bù cho những người đã mất và sự thiếu hụt nhiên liệu ngày càng tăng.

Trong lúc đó, người Anh đang ngày càng bị thuyết phục rằng cần dồn mọi nỗ lực để vô hiệu hóa các thành phần điện tử của hệ thống PK Đức.

Để làm điều này, họ xây dựng một phi đội máy bay đặc biệt, chủ yếu là Short Stirling với thiết bị gây nhiễu Mandrel trên máy bay, có khả năng gây nhiễu radar cảnh báo sớm Freya.

Máy bay Short Stirling cũng mang một số lượng lớn các PRLO Window, cho phép chúng, đơn độc hoặc theo từng cặp, tạo ra trên màn hình radar của kẻ thù các tín hiệu phản xạ giả sự hiện diện của một nhóm lớn máy bay ném bom.

Điều đó sẽ đánh lạc hướng sự chú ý của hệ thống PK Đức khỏi các máy bay ném thực, đã tiến hành một cuộc ném bom trên một đối tượng khác.

Những bước phát triển tiền đề của chiến tranh hiện đại

Tuy nhiên, cho đến khi kết thúc chiến tranh, ngành công nghiệp Đức đã có thể bắt kịp với người Anh, khi tạo ra hai hệ thống radar mới, mà các phương tiện đối kháng điện tử của phe Đồng minh chống lại nó không hiệu quả.

Hệ đầu tiên gọi là Neptun và có thể được cấu trúc lại để làm việc trên một trong sáu tần số từ 158-187 MHz - ở các bước sóng dài tương ứng từ 1,6 đến 1,9 m, mà không thể gây nhiễu nhờ PRLO Window.

Radar thứ hai, được gọi là Berlin, vào thời của mình, là một phát minh mang tính cách mạng và làm việc trong dải bước sóng cm.

Ăng-ten của nó không còn là một hệ thống phức tạp các lưỡng cực được lắp đặt ở một khoảng cách nhỏ với vỏ máy bay, còn có một ăng-ten parabol được lắp đặt trong phần mũi máy bay.

Tuy nhiên, cho đến khi chiến tranh kết thúc mới chỉ có một vài mẫu của radar này được ra đời. Trong những tháng cuối của cuộc chiến tranh, hai bên bắt đầu sử dụng các thủ đoạn dưới dạng các mục tiêu giả.

Radar không thể xác định hình thức và đặc tính của đối tượng phát hiện, do đó chỉ có thể sử dụng các vật kim loại khác nhau để tạo ra các tín hiệu giả, mà trong một số trường hợp nhất định sẽ được coi là các máy bay thực, tàu biển thực v.v.

Người Đức sử dụng nhiều mục tiêu giả ở khu vực Berlin để ngăn chặn sự phá hủy hoàn toàn thủ đô của họ.

Trong các hồ ở gần đó họ bố trí một số lượng lớn các mục tiêu bằng kim loại, hy vọng đánh lừa các máy bay ném bom của quân Đồng Minh, những người sử dụng radar H2S để ném bom mù.

Những phương tiện khác tinh vi hơn đã được cả hai bên sử dụng trong giai đoạn cuối chiến tranh. Trên bầu trời nước Đức diễn ra một cuộc đấu tranh liên tục giữa radar, đối kháng điện tử, và phản đối kháng điện tử.

Sau khi Hoa Kỳ tham gia Chiến tranh Thế giới II, số lượng máy bay tham gia vào mỗi chiến dịch quân sự đã tăng lên đáng kể.

Trong những tháng cuối cùng của chiến tranh, nước Đức đã bị ném bom dữ dội hàng ngày với không ít hơn 1.000 máy bay ném bom được hộ tống bởi 600-700 máy bay tiêm kích.

Còn ban đêm - gần như cùng một số lượng như vậy các máy bay ném bom của RAF. Thiệt hại máy bay trên đất Đức của quân Đồng minh đặc biệt lớn; người ta tính rằng tổn thất nằm trong khoảng 12-15.000 máy bay.

Cũng như trong Trận chiến nước Anh, cuộc đấu tranh giữa radar và đối kháng điện tử đóng vai trò vô cùng quan trọng trong các chiến dịch đường không trên bầu trời nước Đức.

Lần đầu tiên có lợi cho một bên, sau đó lại là bên khác, nếu đánh giá theo hiệu quả của việc áp dụng các thiết bị điện tử mới và sử dụng các yếu tố bất ngờ để bắt kẻ thù trở thành không vũ khí.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại